Hiện tình trạng người dân lấn chiếm đất rừng, khai thác gỗ, săn bắn động vật hoang dã trái phép thường xuyên xảy ra ở Vườn Quốc gia Cư Yang Sin (tỉnh Đắk Lắk), nơi có nhiều loại sinh vật quý hiếm.Vườn có diện tích trên 59.000ha, nằm trên địa bàn hai huyện Krông Bông, Đắk Lắk, với độ cao từ 600 đến trên 2.442m so với mực nước biển.
Chỉ riêng năm 2009, hàng trăm vụ người dân lấn chiếm đất rừng để lập các khu sản xuất, khu dân cư mới, săn lùng khai thác gỗ quý hiếm, săn bắn trái phép những loài thú quý hiếm có tên trong sách Đỏ như chà vá chân đen, khỉ mặt đỏ... đã xảy ra tại vườn quốc gia này.
Hiện nay, lực lượng bảo vệ rừng của vườn còn mỏng trong khi ý thức của người dân sinh sống gần vườn còn hạn chế nên tình trạng xâm lấn vùng đệm để lấy đất sản xuất, khai thác lâm sản, săn bắn động vật hoang dã trái phép vẫn chưa được ngăn chặn triệt để.
Ông Lương Vĩnh Linh, Giám đốc Vườn cho biết rừng ở đây còn rất hoang sơ với trên 876 loài thực vật bậc cao, đại diện cho các kiểu khí hậu nhiệt đới, trong đó có nhiều loài quý hiếm như pơ mu, thông hai lá dẹt, bách xanh, đinh tùng...
Vườn cũng có 46 loài thú, 212 loài chim, 244 loài bướm, trong đó có hàng chục loài thú, 8 loài chim đặc hữu phân bố hẹp, đang bị đe dọa cấp độ toàn cầu.
Dự án lồng ghép quản lý nguồn nước, bảo tồn đa dạng sinh học (IWBM) do các chuyên gia tư vấn BirdLife tại Việt Nam phối hợp với Vườn quốc gia Cư Yang Sin thực hiện điều tra khu hệ thú, khu hệ chim tại vùng lõi của vườn đã phát hiện khu hệ thú có 31 loài, thuộc 16 họ, 6 bộ, trong đó có 12 loài được liệt kê trong danh mục đỏ của Hiệp hội Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IVCN) là loài bị đe dọa; gần bị đe dọa ở cấp toàn cầu như chà vá chân đen, vượn đen má vàng, sói đỏ, khỉ đuôi lợn, khỉ mặt đỏ, cầy vằn bắc, gấu chó, bò tót, báo lửa, sơn dương, cầy giông...
Khu hệ chim có 156 loài, trong đó có 8 loài được liệt kê trong danh mục đỏ của IVCN.
Ngoài hai loài bị đe dọa toàn cầu ở mức nguy cấp là khướu đầu đen má xám, mi núi bà, còn có 6 loài sắp bị đe dọa gồm khướu đầu đen, khướu đuôi dài, niệc nâu, cổ vằn, sẻ thông họng vàng, trèo cây mỏ vàng.
Dự án cũng phát hiện một loài bướm mới ở Việt Nam sinh sống tại vườn đó là bướm phượng cánh chim chân liền.
Ngoài ra, vườn còn có thảm thực vật nguyên sinh trải dài từ độ cao 800m đến đỉnh Cư Yang Sin chưa bị tác động của con người, nhiều loài có giá trị cần được bảo tồn toàn cầu.
Trên thảm thực vật này có nhiều loài động, thực vật quý hiếm chưa được khám phá đang thu hút nhiều nhà khoa học trong nước và thế giới đến khảo sát, nghiên cứu khoa học./.