Lên Tây Bắc mùa xuân

Cập nhật: 10/02/2010
Lên Tây Bắc vào mùa xuân bạn sẽ không khỏi ngỡ ngàng trước cảnh đẹp như tranh vẽ, trước cuộc sống vẫn còn chút gì đó hoang sơ nhưng thật êm đềm. Bạn có cảm giác như được gột rửa hết khói bụi đô thị, đắm mình vào thiên nhiên, tâm hồn đầy hân hoan, hạnh phúc.

1. Nếu chọn một chuyến đi nhẹ nhàng, đường “ngon”, ít khuỷu tay lối ngoặt bất thình lình, ít đá lở, ít hiểm nguy, thì đó là Mộc Châu. Người ta bảo: Bò sữa + Mận trắng + Trà xanh = Mộc Châu. Đúng vậy. Nơi này nhiều thảo nguyên, ít đồi núi hơn các vùng cao khác của Tây Bắc. Không khí ở đây cũng dễ chịu hơn chứ không có cái lạnh se sắt sương giá khắc nghiệt. Thế nên hoa cỏ mùa Xuân ở đây nở tưng bừng nhiều hơn nơi khác. Bản Loong Luông ở ngoài, bản Tà Phình ở trong, tất cả lọt vào tầm ngắm của những du khách vừa du Xuân vừa kiếm đào. Lạc vào đất bản Loong Luông cứ như bạn đang đi ở một nơi thần tiên nào đó.
Đấy là nơi những thung lũng hoa mận trắng ngập tràn trên suốt các con đường vào bản. Những gốc mận già trĩu trịt hoa sáng bừng lên như dẫn dụ từng bước chân khám phá. Đi trong thung hoa - đúng vậy - bạn đang đi trong thung hoa - cả người bạn chìm trong biển trắng ấy. Đất dưới chân bạn cũng có mùi thơm của cỏ hoa. Và những đứa trẻ vùng cao như những chấm phá cho bức tranh mùa Xuân ấy. Chúng đang chơi ở đất của chúng, ở khu rừng, ở vườn, ở cây, ở nơi chúng sinh ra. Hồn nhiên như cỏ dại. Chúng hồn nhiên chơi đùa, trèo leo trên cây, chúng và cây là bạn. Thung lũng mận trắng hay những gốc đào to mà thiếu lũ trẻ váy áo xanh đỏ thì quả là thiếu dư vị mất rồi.

Đi vài vạt đường đất nữa, đến những thung chè xanh bất tận. Chè ở đây không có nhiều chè cổ thụ như ở Tà Xùa, mà nhiều cây chè ngắn ngày thâm thấp và xanh rờn. Chúng mọc theo hàng lối trải dài từ chân đồi lên đỉnh. Trông xa như những đường kẻ xanh ngút ngàn đan xéo nhau. Ở đây, bạn sẽ bắt gặp những cái tên nghe cũng đáng yêu và ít gặp, ví dụ: Tiểu khu Thảo nguyên Mộc Châu… Cái gì đằng trước cũng mang tên “tiểu khu”, nghe như từ thời nào của quá khứ. Nông trường bò sữa, nông trường chè… nghe rất đỗi bình dị.
Dọc trên đồi chè, mấy chị em tha thẩn chơi ném còn. Bọn trẻ không đứng yên một chỗ ném, mà phải di chuyển, vừa đi vừa ném cho nhau quả còn, từng đôi một. Có khi chơi còn mà đi hết cả quãng đường xa. Trò chơi gụ cũng là một trò bọn trẻ ưa thích, hấp dẫn bọn con trai hơn hết lại là trò đá bóng. Đá bóng trong mùa Xuân, đằng xa là những gốc đào đỏ thắm và những cành mận trắng xen lẫn nhau. Thử hỏi, có mùa Xuân nào… đẹp bằng?

2. Ấy là bạn đang thực hiện một chuyến đi ngắn ngày. Còn nếu có thời gian, và muốn đi xa hơn ở những vùng ít người khám phá, thì đã có Bắc Yên, Phù Yên, những bản ở xa tít tắp, phải đi bằng xe máy, và trên núi cao, qua những con đường ngoằn ngoèo mà khi nhìn xuống, chúng giống như những sợi chỉ vừa xổ tung. Thực sự đây là một chuyến khám phá đầy hấp dẫn.

Mùa Xuân, đầu nhà nào cũng có những cây hoa trang trắng trông na ná như ở Đà Lạt, nơi mấy buôn còn giữ lại nhà sàn, trước cửa nhà cũng thường có hoa dã quỳ và hoa trang trắng. Thế mới biết, người vùng cao hay lắm. Người thành thị cứ thế mà đi mê mải, trong rừng, trong núi, trong những con đường vắng vẻ, thi thoảng, đủng đỉnh lon ta lon ton mấy con lợn mán nhỏ tí nhỏ ti, da đen sì, cổ đeo những chiếc còng gỗ để chống không cho chúng dũi quá mạnh vào vách núi. Nhìn rất ngộ nghĩnh. Bọn trẻ có khi ra đường chơi, nhưng cũng có khi thơ thẩn trong nhà. Người lớn có thể đi làm nương rẫy vắng, để con trẻ ở nhà. Nếu chúng lớn hơn một chút, khoảng mười mấy tuổi, thì mùa Xuân là mùa chúng ra đường tìm bạn. Ăn mặc thật đẹp, xúng xính vòng bạc, con trai con gái đi tìm nhau. Ngày Tết, cứ đi một đoạn đường là lại thấy trai gái nô nức đi bộ kéo nhau tới một điểm đã định trước, chính là nơi lễ hội diễn ra và họ được gặp nhau, bạn tình gặp nhau. Có lần vừa gặp một đôi anh chị ở chợ. Thế mà lúc đến cung đường khác, đã thấy anh chị ngồi bên vệ đường, quay lưng lại đường, ngồi nhìn xuống thung lũng mênh mông, người sát bên nhau, tay choàng qua lưng nhau, rất tình tứ. Cái thứ tình làm cho người thành thị tự nhiên đôi lúc nhìn mà cảm động chợt nghĩ đến người bạn của mình. Họ đang tâm sự đấy. Rồi lại đâu về nhà đấy, rồi lại hẹn mùa Xuân năm sau gặp nhau. Chỉ vậy thôi, nhưng rõ ràng, và minh bạch, không chút bị cái gọi là “mặc cảm tội lỗi”, hay những ngôn từ mà ta hay khoác lên đó một cách châm biếm, thì ở vùng cao, tôi không hề nghĩ tới.

3. Có một nơi, mà nếu mùa Xuân bạn tới được thì thật là hay. Bởi chính tôi cũng đang say những đôi má thiếu nữ hây hây đỏ, với bộ trang phục tuyệt đẹp. Các cô bé chỉ 13, 14 khoác những chiếc radio đi chơi Xuân. Hình ảnh này thường chỉ có ở vùng Tả Thàng và Bắc Hà. Ở đây có những phiên chợ làm mê mẩn biết bao nhiêu du khách bởi chúng đẹp như những bức tranh. Xuân này tôi sẽ lại lên Tà Thàng, chỉ để được ngắm lại các cô thiếu nữ còn măng tơ ấy, để nghe tiếng cười của các cô xen lẫn âm thanh phát ra từ chiếc radio khoác chéo trên lưng, hoặc xách kè kè bên hông rất duyên dáng. Tôi yêu cái vẻ e thẹn của các cô mỗi khi có du khách giơ chiếc máy ảnh lên, các cô lại giấu mình vào lưng nhau, nhưng vẫn hé lộ khuôn mặt trăng rằm ánh lên vẻ đẹp của xuân thì. Họ chẳng cất lời đòi tiền như ở nơi nào đấy đã lấm bụi đô thị, họ chỉ cười hạnh phúc, khi nhìn thấy chính mình trong máy ảnh mà du khách đưa xem. Hay những đứa trẻ, rất sung sướng khi được phát kẹo mà không hề biết chìa tay xin. Chuyện ấy ở vùng cao giờ cũng hiếm lắm rồi...

4. Và những cây đào rừng. Cứ mỗi khi Tết đến, nhìn những cành đào rừng tuyệt đẹp tôi lại nhớ đến những cung đường Tây Bắc. Ở khuất nơi núi ấy, rừng ấy, bản ấy, đầu nhà ấy, con đường ấy, khu vườn ấy, là những cây đào thấp thoáng. Đẹp đến nỗi chúng ta tự thấy mọi ngôn từ, thậm chí cả những khung ảnh mình chụp cũng trở thành... bất lực. Những cây đào chỉ đẹp khi ở nơi của chúng. Như bông hoa đẹp nhất khi còn trên cây.
Những cây đào rừng khác với đào được trồng ở đồng bằng, bởi vẻ đẹp dũng mãnh đầy sức sống của núi rừng. Chúng được trải qua phong sương, cái lạnh cũng lạnh hơn, cái gió cũng khắt khe hơn, cái khắc nghiệt của thời tiết và, hẳn nhiên rồi, mấy ai chăm sóc đào rừng làm chi. Thế nên chúng được cái mà đào thế ở đồng bằng không có, đó là sự tự nhiên, và tự nhiên, cũng là thể hiện tự do. Sức sống tự do, mơn mởn, hoa đã thắm, thì cực thắm, đã bụ, thì cực bụ, đã phai thì có vẻ đẹp nao lòng của phai… Có những cây đào rừng nhiều hoa ít lá, nhưng đa phần là nhiều lá nhiều hoa. Lá xanh mươn mướt. Có cây đào rừng là cả một mùa Xuân của núi rừng đang ở trong nhà bạn. Nhưng lòng lại rưng rưng mỗi khi gặp một cành đào rừng ở phố. Như nhìn thấy sự lìa xa, sự chơ vơ nơi phố phường xa lạ...
Thế nên, Tây Bắc, bạn hãy đi để thưởng thức trên khắp các cung đường, những cây đào rừng và mùa Xuân vẹn nguyên!

Nguồn: Thể thao & Văn hóa