Ngày đầu năm 2010, cảo thơm lần giở, con số đầu tiên khá ấn tượng với tôi là tổng thu ngân sách năm 2009 của tỉnh Thừa thiên-Huế đạt hơn 2.500 tỷ đồng. Nhìn quanh trong khu vực, Bình Định thu 2.600 tỷ. Đà Nẵng, Khánh Hoà thì không dám so sánh, vì từ lâu đã ở vị trí đầu bảng miền Trung. Nhìn ra tỉnh bạn, thấy Huế vẫn nghèo. Ta có Huế tự hào là ở chỗ mô?
Nhất khứ bất phục phản
Để làm giàu, Huế phải đột phá bằng lối đi riêng của mình. Vấn đề là đi riêng thế nào. Thu hút đầu tư chăng?
Có nhà đầu tư từng ẵm một lúc hơn chục dự án với hàng trăm hec ta đất rồi bỏ đó, đầu tư theo kiểu “tay không bắt giặc lái”. Một chục lẻ dự án của doanh nghiệp này đã bị thu hồi, vài ba dự án còn lại vẫn ì à ì ạch. Có dự án đi tắt đón đầu Hành lang kinh tế Đông Tây như cảng Chân Mây nhưng biết xuất gì nhập gì cho được trên 4 triệu tấn mỗi năm như cảng Quy Nhơn khi cả sản xuất lẫn tiêu dùng đều tăng trưởng chậm.
Hàng hoá của một vùng mênh mông ở phía tây dãy Trường Sơn chủ yếu vẫn chọn vịnh Thái Lan làm cửa ngõ giao thương - dẫu quãng đường có dài hơn nhưng cơ sở hạ tầng giao thông tốt hơn, chi phí xuất nhập cảnh cũng rẻ hơn. Mai này, nếu dự án cảng Mỹ Thuỷ ở Quảng Trị thành hiện thực thì Chân Mây càng ảm đạm.
Có những dự án mãi mãi chỉ là một ý tưởng lãng mạn. Một khu Resort trên đồi Vọng Cảnh từ dự án khả thi trở thành bất khả thi vì đối xử thô bạo với thiên nhiên và chạm vào tâm linh Huế. Công viên Ngự Bình nửa đường đứt gánh để lại ngổn ngang một đại công trường hoang phế. Hồ Thủy Tiên “dập dìu tài tử giai nhân, ngựa xe như nước áo quần như nêm” ngày nào bỗng dưng đìu hiu vắng vẻ khi đổ cả chục tỷ đồng vào đây với giấc mơ biến Thuỷ Tiên thành Suối Tiên như ở TP.HCM thiếu sông xanh, thiếu biển sạch.
Có những dự án chỉ là những cú PR cho doanh nghiệp như dự án bệnh viện khách sạn quốc tế 5 sao hơn 500 tỷ đầu tư ở khu đô thị mới An Vân Dương. Hay như dự án trung tâm nghệ thuật Lê Bá Đảng cứ đắp chiếu mãi. Dự án hang động của ông ở mé dưới đồi Vọng Cảnh vẫn rất viễn vông bởi đại lão hoạ sĩ cứ tít tắp bên trời tây. Những ngày về Huế thì vẫn nói nhiều hơn làm.
Huế chừ vẫn chưa thể thành một thành phố công nghiệp, một đô thị hiện đại để thu hút nguồn nhân lực của khu vực. Ngay cả lĩnh vực giáo dục - đào tạo gần đây, số lượng “học trò xứ Quảng ra thi” cũng ít hơn so với học trò xứ Huế vô thi. Dấu tích của trung tâm đào tạo nhân tài là Quốc Tử Giám và trung tâm sử dụng nhân tài là Quốc Sử Quán thì vẫn sừng sững giữa thành xưa phố cũ. Kinh doanh giáo dục đang hấp dẫn các nhà đầu tư, nhưng các dự án đại học, cao đẳng tư thục vẫn đang xếp hàng dài chờ Chính phủ phê duyệt.
Trong tình cảnh như thế, nhiều nhà đầu tư đến Huế thăm dò rồi lại “nhất khứ bất phục phản”.
Ngẩn ngơ giữa vô tận và đơn điệu
Cách đây vài thế kỷ, Huế giữ vai trò trung tâm chính trị, văn hoá, giáo dục, trung tâm Phật giáo. Sau năm 1945, các trầm tích văn hoá đan xen tiếp tục lộ diện. Hai di sản văn hoá vật thể và phi vật thể lần lượt được Tổ chức Văn hoá Khoa học&Giáo dục của Liên Hợp Quốc (UNESCO) ghi tên vào danh mục di sản thế giới.
Một số bộ hồ sơ khác vẫn đang được tích cực chuẩn bị để khi có cơ hội sẽ đệ trình Uỷ ban Di sản Thế giới của UNESCO. Chính phủ cũng đã phê duyệt đề án xây dựng Huế trở thành thành phố festival của Việt Nam, lấy Huế làm đối ngoại và làm đối tác về văn hoá.
Khi là thành phố festival, dĩ nhiên Huế phải trở thành một thành phố du lịch đặc thù. Thế nhưng, giữa những vô tận các di sản phi vật thể khai thác đến mãn đời cũng không hết, giữa những tiềm năng du ngoạn non xanh nước biếc, danh lam cổ tự, du thuyền sông Hương, sưu tập đồ cổ, thưởng thức văn hóa truyền thống, lại là những ý tưởng, dự án, chương trình đơn điệu. Mỗi kỳ festival đều có những tour thể nghiệm mới nhưng không nuôi dưỡng được chỉ vì đơn điệu, vì thiếu đồng bộ, thiếu công nghệ.
Nhà đầu tư một đi không trở lại đã đành. Đến cả đối tượng hưởng thụ là du khách cũng nhiễm tâm trạng này. Xâm hại di sản văn hoá, huỷ hoại môi trường tự nhiên, đánh mất bản sắc, khiến cho du khách cứ 10 người đến ngoảnh mặt dù chúng ta khoe rất nhiều những gì tiền nhân để lại nay trở thành hoặc sắp trở thành di sản văn hóa nhân loại, dù quanh ta còn đầy những tầng trầm tích chưa lộ diện cần được khai quật để bồi đắp thêm các giá trị mới.
Mơ về đặc khu du lịch quốc gia
Để đổi món cho du khách khi đến Huế lần ba lần bốn, và cho cả chính người xứ Huế, Huế mộng mơ đang trăn trở tìm những giấc mơ mới, lãng mạn có, hiện thực, thực tế hơn, cũng có. Ví như ý tưởng biến những điều tưởng không thể thành có thể như xây dựng một casino để giữ chân du khách dài ngày trên núi Bạch Mã, ý tưởng biến những điều bất lợi thành có lợi như khai thác mưa Huế thành sản phẩm du lịch đặc thù trong mùa ế khách.
Rồi biến “Xứ Truồi ngọt mít thơm dâu” gắn chặt với Trúc Lâm Thiền viện cùng ngọn núi ảo ảnh soi bóng hồ Truồi một tour du lịch sinh thái - văn hoá - tâm linh mới.
Hiện thực là duy trì tour “Ai về cầu ngói Thanh Toàn” rất thành công qua các kỳ festival với thương hiệu “Chợ quê ngày hội”. Rất nhiều và rất nhiều những sản phẩm tuyệt vời như thế đang ẩn khuất trong các làng quê ven Huế cần được khai thác để nới “vòng kim cô” cho kinh thành Huế, để làm giàu sản phẩm.
Thực tế hơn là nhìn từ hiệu quả của khu du lịch Làng Hành Hương mà nhà nghỉ chỉ là những công trình nhà cấp ba, đi kèm nhà hàng tranh tre nứa lá bên cạnh phế tích kênh thuỷ lợi Nam sông Hương chạy ven gò đồi vùng Dương Xuân. Từ Làng hành Hương, Huế chợt ngộ ra rằng làm ăn phát đạt không cứ gì phải có đất đẹp, nhà cao, tiền nhiều, không cứ khách sạn 10 - 15 tầng ở cạnh sông Hương, ở vị trí số một của đô thị loại một về giá trị bất động sản mà hiệu quả không bằng một khu du lịch nơi thôn dã, hoà mình với thiên nhiên.
Từ phân tích đặc điểm địa lý và tài nguyên của Huế, KTS Nguyễn Trọng Huấn đưa ra mô hình phát triển Huế thành một đặc khu du lịch quốc gia. Đó là một tổ hợp đô thị gồm tổng thể kiến trúc di sản văn hoá thế giới ở phía thượng nguồn sông Hương, gắn với thành phố hiện đại sẽ xây dựng ở mạn hạ lưu.
Đặc khu du lịch này gồm nhiều vùng du lịch gắn với các hệ lăng tẩm chùa chiền, hệ đồi núi, hệ đầm phá, hệ sông hồ, hệ cồn bãi của vùng Huế. Đặc khu du lịch này sẽ được kết nối khai thác với di sản thiên nhiên Phong Nha-Kẻ Bàng ở tỉnh Quảng Bình phía bắc và hai di sản vật thể Hội An, Mỹ Sơn, ở tỉnh Quảng Nam phía nam.
Giữa trăm giấc mơ hoa cho Huế, giấc mơ nào thành hiện thực lại cũng phải chờ xem?