Khu Bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Tà Cú có diện tích 11.866 ha, tiếp giáp 6 xã, thị trấn thuộc huyện Hàm Thuận Nam. Tà Cú được xác định có vai trò rất quan trọng cung cấp nước ngọt sinh hoạt và nông nghiệp, bảo vệ môi trường cho vùng kinh tế biển Bình Thuận...
Bên cạnh đó, khu BTTN Tà Cú cũng được xác định là quần thể đa dạng sinh học với nhiều loài động vật quý hiếm đang tồn tại. Hệ động vật gồm ít nhất 30 loài thú, 100 loài chim, 54 loài lưỡng cư và bò sát, 174 loài côn trùng... Đây cũng là nơi ẩn cư của một số loài chim đang trong nguy cơ tuyệt chủng toàn cầu như gà tiền mặt đỏ, gà lôi hồng tía, trĩ sao, công...
Tuy nhiên trong thời gian qua, việc xâm lấn đất rừng, săn bắt thú quý hiếm vẫn thường xuyên xảy ra do lực lượng bảo vệ quá mỏng không quản được hết diện tích khu BTTN. Để ngăn chặn việc săn bắn, bẫy thú rừng, cháy rừng và xâm lấn đất rừng, tàn phá sinh cảnh. Quỹ Bảo tồn Việt Nam (VCF) đã hỗ trợ Dự án “Nâng cao năng lực quản lý bảo tồn đa dạng sinh học tại Khu BTTN Tà Cú”. Mục đích nhằm giúp chính quyền địa phương, người dân trong vùng đệm nhận biết ranh giới khu bảo tồn thông qua việc cùng khảo sát, thảo luận và cắm cọc mốc ranh giới. Đồng thời, kêu gọi người dân cùng chung tay bảo vệ khu sinh thái quý hiếm này.
Ông Mai Văn Quỳnh, Giám đốc Khu BTTN Tà Cú cho biết: từ khi triển khai dự án, khu Bảo tồn đã tổ chức 14 cuộc họp thông báo và lấy ý kiến của dân ở 14 thôn có địa giới hành chính liên quan đến đường ranh. Phần đông người dân hưởng ứng nên trồng lại rừng và có ý kiến cần cắm cọc mốc với mật độ dày hơn để dễ phân định. Tổ chức các khóa tập huấn về phòng chống cháy rừng, luật, thi hành luật và kỹ năng truyền thông, phương pháp làm việc với cộng đồng.
Dự án cũng đã vận động thành lập 7 câu lạc bộ xanh tại 6 trường THCS xung quanh khu bảo tồn, thu hút nhiều học sinh tham gia. Những CLB này đã thường xuyên tuyên truyền trong học sinh và vận động cộng đồng dân cư xung quanh khu bảo tồn. Thông qua các hoạt động như thu gom rác thải trên vùng du lịch núi Tà Cú, mặc sắc phục của CLB…và nhất là học sinh tham gia về tác động gia đình nên nhận thức bảo vệ những giá trị khu bảo tồn trong dân có chuyển biến, biểu hiện không có người dân nào lấn ranh làm rẫy như các năm trước. Mặt khác, chính hoạt động tuần tra bảo vệ rừng của người dân cũng đã ngăn chặn được tình trạng săn bắt, bẫy thú rừng, hầm than...
Từ những kết quả khả quan, hiện nay dự án đang tiếp tục triển khai và mở rộng đối tượng tham gia ra các ban ngành, đoàn thể bằng việc ký kết các chương trình liên tịch để phối hợp tuyên truyền. Song song đó, Khu bảo tồn khai thác và vận dụng các nguồn vốn khác để mở rộng các mô hình giao khoán bảo vệ rừng, thông qua mô hình khoán trồng cây, nuôi động vật hoang dã,..cho các hộ dân có thu nhập, tạo sự hài hòa lợi ích. Từ đó, chính người dân trong vùng sẽ tạo ra “vòng bảo vệ” chắc chắn nhất cho khu bảo tồn.
Nguyễn Thanh