Giữ rừng di sản - cuộc chiến sinh tử

Cập nhật: 12/04/2010
Tiến sĩ Martina Vort nói: “Nếu Phong Nha - Kẻ Bàng không giữ tốt như hôm nay thì giới khoa học sẽ không có những phát hiện, nghiên cứu tốt ở đây”.

Rừng di sản được bảo vệ bởi lực lượng kiểm lâm, họ giữ rừng bằng tất cả sinh lực của mình. Đã có 5 người hy sinh, 2 người được Nhà nước truy phong liệt sĩ.

Giữ rừng từ năm không

Tiến sĩ Vort nói: “Muốn nghiên cứu các loài ở Phong Nha-Kẻ Bàng (PN-KB), điều đặc biệt quan tâm nhất phải bảo vệ tốt rừng. Muốn vậy phải đầu tư cho kiểm lâm phương tiện hỗ trợ tốt mới giữ rừng cho các nhà khoa học nghiên cứu”.

Đó là một quan điểm “giữ rừng” nhìn xa trông rộng. Quản lý, bảo vệ 125.000ha rừng di sản, kiểm lâm PN-KB có 126 người, chốt tại 12 trạm. Trong đó chỉ có 3 trạm được ở nhà kiên cố, còn lại ở lán trại. Tiêu chuẩn mà Bộ NNPTNT đưa ra là các trạm kiểm lâm phải được xây dựng từ 150-200m2 nhà, nhưng trên thực tế, tại PN-KB, hầu hết đều không có.

Trạm kiểm soát lâm sản 39 đóng trên đường 20-Quyết Thắng (Tân Trạch, Bố Trạch). Một cái lán nhỏ rộng 20m2, làm bằng gỗ tạp, tre nứa dựng lên từ ngày PN-KB được công nhận di sản cách đây bảy năm, trong diện tích nhỏ bé ấy có gần 30 kiểm lâm viên sinh hoạt.

Ngoài trang bị nơi chui ra chui vào như thế cùng bộ áo quần đồng phục là họ được huy động vào giữ rừng bằng năm không; không điện, không nước, không phương tiện tuần tra, không dụng cụ, không công cụ hỗ trợ, nhiều anh em nói vui, không nhà nữa là sáu không. Bởi lẽ, nhiều trạm phải ở lán, đêm nằm trời mưa nước chảy dột tứ bề giữa rừng thẳm âm u.

Khó khăn như thế, nhưng lực lượng kiểm lâm đã giữ được rừng di sản. Việc giữ được rừng không phải tự người kiểm lâm nói với nhau, hoặc đánh bóng từ những báo cáo thành tích hàng năm mà nó được đánh giá từ các nhà khoa học đến từ Đức, Nga, đặc biệt là UNESCO đánh giá rừng PN-KB được giữ gìn tốt. Mật độ nguyên sinh trên 80%, độ che phủ đạt 98% trong các cuộc họp thường niên của Uỷ ban Di sản Thế giới.

Trong một hội thảo về đa dạng sinh học gần đây giữa các vườn quốc gia (VQG) tại Việt Nam, giới môi trường đánh giá PN-KB có sự đa dạng bậc nhất về loài và tổ thành loài. Khi đi sâu phân tích, các chuyên gia đánh giá PN-KB là 1 trong 30 VQG và 60 khu bảo tồn thiên nhiên cũng như của 38 khu bảo vệ cảnh quan được bảo tồn tốt nhất.

Phân tích sâu hơn công tác này tại một hội nghị các VQG, khu bảo tồn hồi tháng 10 tại VQG Cát Tiên, người ta ngỡ ngàng, PN-KB được bảo vệ tốt do đầu tư tài chính mạnh. Nhưng sự thật lại khác, đối với các VQG, việc thu hút du lịch được tái đầu tư cho kiểm lâm bảo vệ rừng, nhưng sản phẩm du lịch hàng năm hơn 11 tỉ tại PN-KB lại không có tái đầu tư cho kiểm lâm nhằm trang bị thêm các phương tiện khác.

Các VQG như Xuân Sơn (Phú Thọ), Bạch Mã (Thừa Thiên-Huế), Xuân Thuỷ (Nam Định), Cát Tiên (Đồng Nai), Ba Vì (Hà Nội), U Minh Thượng (Cà Mau) có diện tích nhỏ nhất trên 8000ha, lớn nhất 71.000ha được đầu tư từ 33 tỉ đến 42 tỉ đồng.

Lãnh đạo địa phương nơi có các VQG này cho rằng, việc đầu tư vào công tác bảo vệ rừng lớn thì nguồn rừng được giữ vững, bảo vệ tốt. Trong khi đó, PN-KB được đánh giá cao, giữ 125.000ha rừng, đầu tư trong 7 năm qua chỉ 23,6 tỉ đồng dùng trả lương.

Người ta nói, giữ rừng bằng nhiều không như ở PN-KB là một sự kỳ lạ không chỉ với người trong cuộc mà ngay cả với các chuyên gia nước ngoài, như Thommas Ziegler, Martina Vort, các viện bảo tàng động thực vật của Áo, các vườn thú ở Châu Âu họ cũng thấy lạ. Bởi các nhà khoa học đặt chân đến đây thường mang về cho tri thức nhiều cái mới... Và họ đều khẳng định, nếu không có sự toàn vẹn của PN-KB bởi kiểm lâm thì họ khó có thể hoàn thành các đề tài nghiên cứu tại đây hoặc liên tiếp phát hiện nhiều loài mới cho khoa học.

Cuộc chiến sinh tử

Bảy năm PN-KB được công nhận Di sản Thiên nhiên Thế giới (2002-2009), người ta biết đến nó với những phát hiện mới. Thế giới sẽ còn vinh danh PN-KB với những bí ẩn chờ khám phá.

Nhưng ít ai biết rằng, hành trình giữ rừng ở PN-KB trong hai năm qua đã có 2 chiến sĩ kiểm lâm hy sinh khi làm nhiệm vụ, được truy phong liệt sĩ. Hai người kiểm lâm đó gồm Trần Trung Kỳ (Mai Hoá, Tuyên Hoá), Bùi Văn Tuấn (Hoàn Lão, Bố Trạch).

Ngoài ra có 3 chiến sĩ kiểm lâm khác mất do sống ở vùng sâu nước độc, uống nước nhiễm đá vôi, lâu năm tích tụ thành bệnh và sốt rét ác tính đã quật ngã bước chân giữ rừng.

Hằng năm, kiểm lâm PN-KB đối mặt với hàng chục vụ lâm tặc trả thù do truy bắt lâm sản quá rắn. Nhiều vụ, hàng chục lâm tặc đi xe máy, lao vào lán trại kiểm lâm chặt phá, đốt hết áo quần, vứt đổ nồi niêu song chảo, gạo cơm. Đỉnh điểm của việc lâm tặc trả thù là gần đây một nhóm lâm tặc 6 tên, bịt mặt, chạy 3 xe máy từ Thuợng Hoá (Minh Hoá), lên đèo Đá Đẽo, vãi 7 phát đạn K54 vào lán chốt của trạm Chà Nòi rồi bỏ đi, vụ việc đang đã được báo cáo cơ quan chức năng nhưng đến nay chưa có kết quả.

Một cuộc chiến sinh tử cho việc giữ rừng đang diễn ra như thế nhưng họ vẫn kiên gan với nhiệm vụ. Bởi họ đang giữ gìn báu vật quốc gia cho hậu thế.

Xuân Liên

Nguồn: laodong.com.vn