Hội thảo “Vườn cây ăn trái gắn với du lịch sinh thái miệt vườn” được tổ chức vào sáng ngày 21/4 tại thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang. Các đại biểu tham gia Hội thảo đã nêu nhiều ý kiến cho rằng: Tiền Giang nói riêng và khu vực ĐBSCL nói chung cần đầu tư nhiều loại hình dịch vụ hơn nữa để thu hút du khách tới nơi đây, góp phần quảng bá cho thương hiệu trái cây và nhà vườn Việt Nam.
Các đại biểu đã được nghe giới thiệu về tiềm năng phát triển du lịch sinh thái kết hợp với vườn cây ăn trái, làng nghề truyền thống tại các địa phương thuộc khu vực ĐBSCL. Cùng với đó là định hướng xây dựng các mô hình, tuyến điểm du lịch sinh thái miệt vườn theo hướng liên kết giữa các địa phương trong vùng nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh du lịch và thu nhập của nông hộ. Hội thảo hy vọng sẽ tìm ra được giải pháp khả thi để triển khai thực hiện các mô hình liên kết trong phát triển du lịch tại các địa phương gắn với khai thác tiềm năng của du lịch sinh thái và vườn cây ăn trái đặc sản vùng ĐBSCL.
Tại cuộc hội thảo, nhiều ý kiến tâm huyết với chủ đề “Vườn cây ăn trái gắn với du lịch sinh thái miệt vườn” đã được bày tỏ. Ông Trần Duy Phượng - Phó GĐ Sở VH-TT-DL Bến Tre, cho biết: Bến Tre hiện có nhiều điều kiện phát triển các loại hình du lịch sinh thái miệt vườn với hàng chục điểm du lịch. Số lượng du khách đến với Bến Tre đều đã tăng qua các năm, trong đó khách quốc tế chiếm hơn 40%. Nhưng chủng loại hàng hóa, vật phẩm lưu niệm chưa thực sự độc đáo, hấp dẫn. Nhiều địa phương để cho cơ sở vật chất của điểm du lịch xuống cấp trầm trọng, cùng với đó là chất lượng dịch vụ kém.
Đại biểu Trần Văn Ngợi - Giám đốc Ban điều hành Dự án phát triển du lịch Mê Kông nhận xét: Với lợi thế về điạ hình sông nước thích hợp cho du lịch sinh thái, những vườn trái cây, những món ăn dân dã, đặc biệt có loại hình đờn ca tài tử độc đáo sẽ thu hút du khách trong nước và quốc tế ngày càng đến nhiều. Biết tận dung lợi thế này các mô hình kinh doanh du lịch miệt vườn sẽ phát triển bền vững.
Để đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái gắn với vườn cây ăn trái, các địa phương, trong đó có tỉnh Tiền Giang đã đề ra nhiều giải pháp lớn như: Quy hoạch phát triển du lịch dựa trên lợi thế so sánh, tập trung đầu tư các dự án phát triển sản phẩm có tính đặc trưng riêng biệt vùng sông nước miệt vườn; Liên kết hợp tác phát triển du lịch với Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh ĐBSCL; Đầu tư kết cấu hạ tầng đến các vùng có vườn cây ăn trái đặc sản của địa phương; Hợp tác đào tạo nguồn nhân lực; Tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá du lịch./…