Xung quanh vấn đề Nhà vệ sinh công cộng ở Hà Nội

Cập nhật: 13/05/2010
Có một thực tế rằng, việc đưa vào sử dụng và quản lý hệ thống Nhà vệ sinh công cộng (NVSCC) ở Hà Nội còn nhiều bất cập, không khoa học. Điều đó ảnh hưởng không nhỏ tới nhu cầu hoạt động của người dân nói chung, du khách trong và ngoài nước tới Thủ đô nói riêng.

Sẽ xử lý những hàng quán lấn chiếm NVSCC

Ngoại trừ một số các khu VSCC “lịch sự” mới được Hà Nội lắp đặt, hiện tại Hà Nội đang tồn tại rất nhiều NVSCC cũ xuống cấp, mất vệ sinh, mất thẩm mỹ. Khảo sát tại nhiều nhà vệ sinh khu vực hồ Tây, đường Láng, Giảng Võ, Phùng Hưng, Tây Sơn... tất cả đều chung tình trạng là bẩn, mùi xú uế nồng nặc, đặc biệt là rất thiếu nước để xả, rửa tay, mà nếu có thì chẳng ai dám đụng vào.

Chị Thanh, hướng dẫn viên một công ty lữ hành có tiếng ở Hà Nội khi nhắc đến câu chuyện NVSCC ở Hà Nội cứ xua tay loạn xạ: kinh khủng! dân mình còn ghê, nói gì đến khách quốc tế. Theo kinh nghiệm của chị, để khách đỡ kêu, mỗi lần dẫn khách đi city tour, khi tập kết dưới sảnh khách sạn, chị lại nhắc khéo khách: chúng ta hãy đi vệ sinh tại khách sạn trước khi thực hiện lịch trình của tour. Đấy chỉ là biện pháp bất đắc dĩ, đã có lần chị “ngượng chín cả mặt” khi một ông khách sau khi bước ra khỏi cửa NVSCC nói thẳng với chị rằng đi vệ sinh ở Hà Nội các bạn như dầm mình trong cơn khổ ải!

Có một thực tế là, hiện nay NVSCC trên đất Thủ đô rộng lớn không có nhiều. Có khu vực, nhiều đoạn đường dài không có lấy một địa điểm "riêng tư" quý giá này. Thời gian gần đây, mặc dù NVSCC ở Hà Nội đã được bổ sung thêm, tuy nhiên vị trí đặt các NVSCC lại không khoa học.

Đã thế, nhiều NVSCC còn bị chiếm dụng. Cũng tại khu vực xung quanh bờ hồ Hoàn Kiếm, nơi tập trung khá nhiều khách, dài tới gần 2km nhưng chỉ được bố trí 3 NVSCC (mỗi nhà 2 phòng) một gần đầu phố Hàng Dầu, một gần nhà hàng cá mập, một đằng sau khu vực Nhà hát ca múa nhạc nhẹ Việt Nam. Số NVSCC đặt quanh Bờ Hồ được TP. Hà Nội cho xây dựng để phục vụ chủ yếu khách du lịch, nhưng nay nó đã được chính nhân viên phục vụ NVSCC và một số người ở đó tận dụng khoảng trống trước lối ra vào mở các quán, các quầy hàng bán kem cho đến các loại nước giải khát, thậm chí nó còn bị tận dụng để dựng xe, kê giường (loại giường gấp) để nhân viên ngả lưng.

Chúng tôi đã tận mắt chứng kiến một du khách nước ngoài, bước vội tới NVSCC nằm trên bờ hồ Hoàn Kiếm (đoạn đằng sau khu vực Nhà hát ca múa nhạc nhẹ Việt Nam) phải khựng lại vì bắt gặp cảnh một nhân viên dịch vụ của nhà vệ sinh này thiu thiu ngủ trên chiếc giường nằm ngáng lối ra vào của nhà vệ sinh.

Trong khi hàng giờ quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm đều có đội tuần tra an ninh trật tự quanh hồ để xử lý người bán hàng rong, ở khu vực này thì tại các điểm NVSCC, các quán cóc chiếm dụng gần hết NVSCC, tạo hình ảnh mất thẩm mỹ đối với khách du lịch lại không bị xử lý. Tại khu vực nhà vệ sinh trên đường Đinh Tiên Hoàng, đoạn đối diện với nhà hàng cá mập, một chủ quán cho hay: mặc dù không muốn bày hàng cạnh NVSCC nhưng ngồi cạnh nó không sao, chứ cứ chạy ra xa vài mét thể nào cũng bị thanh tra giao thông hay đội tuần tra an ninh trật tự đuổi.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Trung Dũng, Trưởng phòng Tổ chức lao động, Công ty TNHH nhà nước một thành viên môi trường đô thị Hà Nội cho biết: Công ty không cho phép bất cứ cá nhân, đơn vị nào chiếm dụng NVSCC sử dụng vào mục đích khác. Chúng tôi sẽ tiến hành kiểm tra và xử lý nghiêm nếu phát hiện vi phạm. Ông Dũng cũng cho hay, để phục vụ Đại lễ, ngoài các NVSCC đã có, thời gian tới công ty sẽ triển khai lắp đặt thêm nhiều NVSCC lưu động. Cũng theo ông Dũng, về lâu dài, công ty sẽ phối hợp với ngành du lịch khảo sát một số tuyến du lịch, trên cơ sở đó, lắp đặt hệ thống NVSCC để phục vụ khách du lịch khi tới Hà Nội.

Vẫn là vấn đề “thời sự” của du khách

Ông Nguyễn Hữu Chiến, Phó Giám đốc Xí nghiệp môi trường đô thị số 2 (Công ty TNHH nhà nước một thành viên môi trường và đô thị Hà Nội) cho biết, để đảm bảo công tác vệ sinh môi trường đô thị tại các điểm NVSCC, đơn vị thường xuyên cắt cử nhân viên môi trường phục vụ tại đây, tuy nhiên hiện nay do số lượng NVSCC quá ít, dẫn tới tình trạng quá tải, cùng với sự thiếu ý thức của người dân đã gây ảnh hưởng tới môi trường vệ sinh tại các NVSCC. Một số người thiếu ý thức ỷ cho việc trả tiền thì có người dội, cứ xong việc là đi thẳng. Coi như “cái bẩn” là chỉ do người khác gây ra.

Theo ông Chiến, hiện xí nghiệp đang thường xuyên tổ chức duy tu bảo dưỡng 26 NVSCC trên địa bàn Hà Nội do xí nghiệp ông quản lý, song có một thực tế cứ bảo dưỡng được ít hôm, các NVSCC tình trạng xuống cấp đâu lại vào đấy. “Hà Nội phải tiếp tục bố trí thêm các NVSCC khác, có như vậy mới đảm bảo được vấn đề mỹ quan môi trường” – ông Chiến nói.

Bà Nguyễn Thị Minh Thu, Giám đốc Công ty Du lịch Mê Kông cho biết, hiện nay hệ thống NVSCC ở Hà Nội mới chỉ phần nào đáp ứng được nhu cầu khách bộ hành chứ chưa thực thỏa mãn khách du lịch, đặc biệt là khách quốc tế khi đến Hà Nội. Theo bà Thu, những nhu cầu căn bản nhất của du khách được cải thiện tốt ở Việt Nam sẽ là dấu hiệu tích cực đối với du khách khi chúng ta đặt mục tiêu đẩy mạnh tiếp thị trong năm nay.

Đã có ý kiến cho rằng, trong khi Hà Nội đang thiếu NVSCC, nên yêu cầu tất cả các nhà hàng khách sạn, các cửa hàng mặt phố đóng góp với cộng đồng thông qua việc cho du khách được sử dụng nhà vệ sinh của họ, nhưng đến nay ý kiến này vẫn chưa trở thành hiện thực. Một số ý kiến khác cho rằng, tất cả NVSCC hiện nay ở Hà Nội cần được lắp mới và nên tránh độc quyền cho một đơn vị khai thác toàn bộ dịch vụ NVSCC. Mà thay vào đó, tại mỗi địa điểm làm liền hai buồng vệ sinh và giao cho hai công ty khác nhau quản lý.Công ty nào muốn có “khách hàng” thì phải nâng cao chất lượng phục vụ. Làm được như vậy môi trường Hà Nội sẽ bớt ô nhiễm và các NVSCC không phải lo bị “khai tử”.

Là một thành phố du lịch, trung tâm giao lưu văn hóa, đầu mối giao thông quan trọng nhất miền Bắc, Hà Nội thường xuyên thu hút lượng du khách và khách vãng lai đông đảo, kéo theo nhu cầu về NVSCC cũng rất lớn để đảm bảo mỹ quan và môi trường đô thị. Tuy nhiên, mặc dù được dư luận phải ánh nhiều song cho đến nay câu chuyện NVSCC vẫn đang là vấn đề “thời sự” của du khách khi mỗi lần đặt chân tới Hà Nội.

Malaysia - một quốc gia đang nuôi tham vọng thu hút hơn 20 triệu du khách quốc tế trong năm nay. Từ đầu năm 2007, chính phủ nước này đã cho khai trương cái toilet đầu tiên trong "chuỗi" toilet công cộng công nghệ cao (high - tech public toilets) ngay tại thủ đô Kuala Lumpur, khởi đầu cho chiến dịch nhằm đầy lùi thói quen xấu khi đi vệ sinh của người dân. Khi đó, "nền văn hóa toilet quốc gia" (national loo cultrue) của người dân Malaysia được cổ vũ khá rầm rộ, để tạo cho quốc gia này trở thành một điểm đến hấp dẫn đông đảo du khách.

Nam Phương

 

Nguồn: baodulich.net.vn