Hùng vĩ các thác nước dưới chân dãy Hoàng Liên Sơn

Cập nhật: 14/05/2010
Lên vùng cao Tây Bắc những ngày hè nóng nực này, du khách sẽ có dịp được thưởng ngoạn vẻ đẹp nguyên sơ và không khí trong lành, mát lạnh dễ chịu của những thác nước nổi tiếng nằm dưới chân dãy Hoàng Liên Sơn hùng vĩ.

Đó là những thác nước đã trở thành danh thắng của vùng đất du lịch Sa Pa (Lào Cai) được nhiều du khách biết tới.

Như thác Thác Bạc (chân đèo Ô Quý Hồ nối quốc lộ 4D từ Sa Pa đi Bình Lư, Lai Châu); thác Cát Cát (dưới chân đỉnh Phan-xi-phăng - “Nóc nhà Đông Dương” cao 3.143m); thác Lạnh, xã Bản Khoang, huyện Sa Pa (nằm trên đường tới thăm núi Ngũ Chỉ Sơn cao 3.090m, cao thứ nhì Việt Nam sau đỉnh Phan-xi-phăng); thác Tình Yêu (đầu nguồn suối Vàng trên đỉnh núi Hoàng Liên - Sa Pa); thác Cá Nhảy (ở giữa làng du lịch sinh thái Bản Hồ - Sa Pa); thác Nậm Sài nằm ở khu vực phía nam huyện Sa Pa…

Ngoài ra còn có những dòng thác đẹp khác của các huyện trong tỉnh Lào Cai cũng đều nằm dưới chân đỉnh núi Phan-xi-phăng, đang được nhiều du khách tìm đến chiêm ngưỡng trong các tour du lịch Sa Pa - Lào Cai.

Như thác Tà Lâm (Mường Khương) nằm trên đường đi Nậm Chảy; thác Na Pao bắt nguồn từ dòng suối thơ mộng chảy từ Bản Sen về xã Bản Lầu (huyện Mường Khương); thác Bản Vược nằm sát đường ôtô từ huyện lỵ Bát Xát đi lên vùng du lịch sinh thái Mường Hum - Ý Tý; thác Xa nằm ở khu vực xã Tân Tiến (huyện Bảo Yên), thác Đầu Nhuần là một trong những thác nước hùng vĩ chảy từ đỉnh núi dãy Hoàng Liên về đầu nguồn dòng suối lớn ở xã Phú Nhuận, huyện Bảo Thắng.

Phía tây dãy Hoàng Liên Sơn thuộc địa phận huyện lỵ Tam Đường, tỉnh Lai Châu (cách khu du lịch Sa Pa gần 30km) có ngọn thác mang tên Tác Tình được coi là một trong những thác nước đẹp của núi rừng Tây Bắc đang được nhiều du khách, nhất là du khách trẻ tìm tới chiêm ngưỡng, khám phá vì vẻ đẹp hoang sơ.

Những dòng thác đẹp kể trên là tiềm năng, thế mạnh của du lịch Tây Bắc và một số thác đã được ngành du lịch tỉnh Lào Cai đầu tư mở đường an toàn cho du khách lên thăm, khai thác có hiệu quả kinh tế như thác Bạc, thác Cát Cát (Sa Pa).

Nguồn: Thanh Niên Online