Những truyền thuyết về đá
Nhóm các nhà khoa học Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản Việt Nam cho biết, nhiều di sản địa chất nổi bật trong vùng được đồng bào dân tộc lý giải một cách rất riêng dưới dạng các truyền thuyết, sự tích…
"Nếu nói với du khách về việc kiến tạo núi Cô Tiên hình bát úp là do sự bào mòn đều đặn, thẳng hướng các thành tạo dăm kết vôi chứa dolomit ở thung lũng đứt gãy Quản Bạ chắc khó ai nhớ nổi. Nhưng với truyền thuyết về chuyện tình một nàng tiên trốn xuống trần kết hôn với một chàng trai người HMông thì ngọn núi thật nên thơ", bà Lương Thị Tuất nói. Truyền thuyết kể rằng, khi bị vua cha gọi về trời, nàng tiên đã để lại đôi nhũ hoa cho con thơ. Đó chính là ngọn núi Cô Tiên.
Hay giữa vùng núi đá ken kín đất đai lại xuất hiện hai hồ nước tưới tắm cho vùng đất dưới chân Cột Cờ Lũng Cú cũng được lý giải bằng truyền thuyết về đôi mắt rồng thiêng. Thực chất hai hồ nước là hai phễu karst cổ hiện đã ngừng hoạt động được bịt kín bởi sét - một sản phẩm phong hóa của đá vôi.
Các nhà khoa học ghi nhận ở đây hình thành một vùng "văn hóa đá", đời sống người dân gắn liền với đá. Câu chuyện về anh hùng người Hmông Sùng Mí Chảng đã dùng vũ khí đá, dựa vào thế núi đá để chống lại quân Pháp, giành được Đồng Văn những năm 1905-1906 là minh chứng sinh động cho việc sống cùng đá của người dân bản địa.
Góp phương án giải bài toán quản lý công viên địa chất
Giám đốc Ban quản lý Công viên địa chất cao nguyên đá Đồng Văn - Ma Ngọc Giang - từng thừa nhận, hồ sơ Công viên địa chất cao nguyên đá Đồng Văn được UNESCO đánh giá cao về mặt khoa học song vấn đề đầu tư và quản lý chưa ổn. Ngoài việc nâng cao nhận thức cộng đồng về công viên địa chất, xây dựng hệ thống các bảng biển chỉ dẫn ranh giới công viên, quy hoạch công viên, còn cần xác định rõ hướng khai thác bền vững di sản địa chất này.
Bà Lương Thị Tuất cho rằng, cần dùng kiến thức khoa học đúng đắn để giải mã kiến thức bản địa và ngược lại dùng kiến thức bản địa khá mềm mại, giàu hình ảnh để truyền tải kiến thức khoa học tới người dân, du khách là cách duy nhất để bảo tồn, phát huy các giá trị của Công viên Địa chất cao nguyên đá Đồng Văn.
Muốn khai thác công viên địa chất cần hài hòa lợi ích của các bên tham gia, đặc biệt là người dân bản địa. Bởi giá trị của công viên địa chất rõ ràng không thể tách rời với đời sống sinh hoạt mang đậm "văn hóa đá" của người dân ở đây.