Tự hào các di tích về Chủ tịch Hồ Chí Minh

Cập nhật: 24/05/2010
Theo thống kê của Bảo tàng Hồ Chí Minh, có 292 di tích và địa điểm lưu niệm về Bác Hồ trên địa bàn Hà Nội sau khi được mở rộng địa giới hành chính từ tháng 8/2008. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ở và làm việc tại thủ đô Hà Nội trong nhiều năm. Giai đoạn đầu từ tháng 8/1945 – 12/1946. Giai đoạn sau từ tháng 10.1954 khi Người trở về Hà Nội sau chiến thắng Điện Biên Phủ đến khi từ trần, tháng 9/1969. Nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của nước ta gắn liền với cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Hà Nội.

Trong số 292 di tích và địa điểm lưu niệm về Bác Hồ trên địa bàn Hà Nội sau khi được mở rộng địa giới hành chính từ tháng 8.2008, Hà Nội (cũ) có 183, Hà Tây (cũ) có 109 di tích; 23 di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia, còn lại 269 là nơi ghi lại kỷ niệm về Bác Hồ, hầu hết là những nơi Người đến thăm hỏi, nói chuyện với đồng bào đang làm việc trên đồng ruộng, công trường, nhà máy, trường học, bộ đội trực chiến... hoặc chúc tết, phát động trồng cây nhân dịp đầu năm mới.

Ngày 23/8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh về đến thôn Phú Gia (Tây Hồ, Hà Nội). Ngày 25/8/1945, Bác vào nội thành. Các đồng chí lãnh đạo Đảng đón Người về ở nhà số 48 Hàng Ngang. Đây là lần đầu tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt chân lên Hà Nội.

Tại đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trì cuộc họp Thường vụ Trung ương Đảng để chuẩn bị cho việc ra mắt Chính phủ lâm thời vào ngày 2/9/1945. Căn phòng nhỏ Chủ tịch Hồ Chí Minh ở rộng khoảng 20m2, đồ đạc rất đơn giản. Chính tại căn phòng nhỏ bé này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khởi thảo bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, nay là nước Cộng hoà XHCN Việt Nam.

Di tích thứ hai về Bác Hồ ở Hà Nội là Bắc Bộ phủ. Sau Cách mạng Tháng Tám, ta đổi tên phủ Khâm sai Bắc Kỳ là Bắc Bộ phủ (nay là Nhà khách Chính phủ ở 12 phố Ngô Quyền), nơi làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ lâm thời. Tại đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trì phiên họp đầu tiên của Chính phủ ngày 3/9/1945, nêu lên ba nhiệm vụ trước mắt lúc đó là chống giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm. Cũng tại đây, Người đã ký nhiều sắc lệnh quan trọng, là nơi nhận và phát đi nhiều bức điện chỉ đạo cách mạng cả nước.

Trong những ngày khẩn trương chuẩn bị bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến ở và làm việc tại nhà ông Nguyễn Văn Dương (làng Vạn Phúc, Hà Đông) từ ngày 3 đến ngày 19/12/1946. Trong thời gian ở đây, Người đã cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng và Chính phủ giải quyết các nhiệm vụ cách mạng quan trọng.

Cuối năm 1954, Bác Hồ và Chính phủ từ chiến khu Việt Bắc trở về thủ đô Hà Nội. Nơi ở của Bác là Phủ Chủ tịch. Khu di tích Phủ Chủ tịch là sự kết hợp của kiến trúc phương Tây với kiến trúc dân dụng cổ truyền. Trong khu di tích Phủ Chủ tịch còn có ngôi nhà sàn, ao cá và lăng Bác Hồ, là những địa chỉ thân quen đối với nhiều thế hệ người Việt Nam và bạn bè quốc tế.

Nhà sàn được xây dựng năm 1958, đây là nơi ở và làm việc của Bác Hồ gồm có hai tầng: Tầng trên là nơi ở và phòng làm việc của Bác, tầng dưới là phòng để tiếp khách hoặc họp với các đồng chí trong Bộ Chính trị. Trong nhà sàn có những hiện vật đã gắn bó mật thiết với cuộc đời hoạt động của Bác: Một chiếc máy điện thoại màu xanh để Bác làm việc với Cục Tác chiến và Binh chủng Phòng không - Không quân; một chiếc máy chữ nhỏ là phương tiện để Bác tự tay đánh máy, một chiếc mũ Bác thường đội đi thăm đồng bào và chiến sĩ.

Tại Phủ Chủ tịch đã diễn ra nhiều cuộc họp của Chủ tịch Hồ Chí Minh với Bộ Chính trị về lãnh đạo công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và kháng chiến chống Mỹ trong cả nước.
Hà Nội tự hào có 292 di tích, địa điểm lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh mà các di tích trên chỉ là tiêu biểu. Đây chính là những bằng chứng đầy sức thuyết phục về những năm tháng hào hùng với nhiều chiến công oanh liệt của thủ đô. Hy vọng các di tích ấy luôn toả sáng trong sự nghiệp đổi mới đất nước và thủ đô.

 

Nguồn: Báo Lao động