Khám phá thủy động
Mặc cho nhiệt độ ngoài trời lên tới trên 40 độ C, nắng chói chang đổ ập xuống mặt sông nhưng khi chiếc thuyền từ từ lướt vào hang thì nhiệt độ xuống còn khoảng 20 độ C.
Dường như bốn mùa trong năm đi qua đây. Hang Tối tạo ra cảm giác ẩm ướt của mùa xuân khi những mạch nước ngầm li ti từ trên vách hang chảy xuống. Hang Sáng vòm cao hơn, thoáng đãng rõ rệt, du khách sẽ thấy se lạnh như những ngọn gió đầu đông.
Ngoài ra, ngồi thuyền xuyên qua gần chục hang động là trải nghiệm dễ chịu và bất ngờ. Hang Sáng long lanh những nhũ đá óng ánh kỳ lạ. Đi sâu vào hang, có những đoạn lòng hang rộng như bể bơi cỡ lớn trong nhà. Và như tên gọi của hang, những vệt sáng loang loáng, phản chiếu từ mặt nước khiến hang không tối âm u nên mọi người có thể chiêm ngưỡng những nhũ đá lộng lẫy khác thường.
Hang Nấu Rượu và hang Cơm gần đó gắn liền với truyền thuyết ông khổng lồ nấu rượu ở đây, mang rượu và cơm ra núi ngồi ăn. Tương truyền, tại hang này, người xưa đã vào lấy nước để nấu rượu tiến vua. Cách đây vài năm, khi nạo vét lòng hang các nhà khảo cổ đã phát hiện rất nhiều bình gốm, hũ, vại và các dụng cụ để nấu rượu.
Vòng qua hang núi Cơm, sang hang Vồng, ở đây có cây si cổ thụ rễ chùm cả miệng hang. Từ đây sang hang Láng là hang Ao Trai có lòng hang phình ra khoảng 30m.
Khám phá Tràng An là hành trình khép kín. Ðiều diệu kỳ ở đây là các hồ được nối liền với nhau bởi các động xuyên thủy. Những hang, động này chuyển tải nước đối lưu chảy thông từ khe núi này đến khe núi kia.
Có thể hình dung, núi ở Tràng An giống như những ô bàn cờ, giữa các ô bao giờ cũng có lối thông, chính là hệ thống các hang. Đến nay đã có 31 thung và 48 hang được nạo vét, tôn tạo. Thung lớn nhất là thung Bậc Bài, rộng trên 366 nghìn m2, hang dài nhất có tên là Địa Linh, dài 1.500m, cùng gần 2 chục hang có chiều dài 200-400m.
Núi giăng thành luỹ bao bọc quanh hồ nước và ở giữa nổi lên khu đất với rừng cây mọc thành đảo. Các dãy núi, hồ nước và hang động tạo thành một thế trận liên hoàn. Mỗi hồ là một bức tranh thủy mặc khác nhau về thế núi, dáng núi và hồ nước.
Tràng An, mây trời, non xanh, nước biếc hòa quyện với nhau, thoắt ẩn, thoắt hiện.
Gạch nối giữa Hoa Lư và Thăng Long
Ông Nguyễn Ngọc Luyên, Phó giám đốc Sở Văn hóa Thể thao Du lịch Ninh Bình cho hay khu du lịch Tràng An mới chỉ khai trương vào tháng 4/2008.
Vào cuối năm 2008, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Bình, Hội Di sản Văn hóa Việt Nam đã tổ chức hội thảo khoa học về “Giá trị di sản văn hoá Cố đô Hoa Lư và khu du lịch Tràng An” nhằm tiến tới đề nghị Unesco công nhận Cố đô Hoa Lư là Di sản Văn hóa Thế giới và khu sinh thái hang động Tràng An là Di sản Thiên nhiên Thế giới.
Ông Luyên cho biết việc phát lộ ra hệ thống hang động Tràng An đã dần hé mở ra sự đúng đắn của việc định đô của vua Đinh Tiên Hoàng tại Hoa Lư vào thời kỳ đầu của một Nhà nước phong kiến tập quyền.
Khoảng cách đây 10 năm, khi nạo vét ở các hang động phát hiện được các di tích từ thế kỷ thứ 10. Có khu vực với rất nhiều phế tích quan trọng khẳng định đó cũng là nơi sinh hoạt của các phân quyền ngày xưa ở thế kỷ thứ 14, nhà Trần như nồi gốm, các bát đĩa cổ.
Khi đó, các chuyên gia khảo cổ học đã đưa ra nhận định, các phế tích này rất giống với các phế tích tìm thấy ở Hoàng thành Thăng Long.
“Đây là cái gạch nối giữa Hoa Lư và Thăng Long, làm cho nhân dân Việt Nam có sự hồi tưởng lại những diễn biến lịch sử đã diễn ra ở kinh thành Hoa Lư và sự nối tiếp ở kinh thành Thăng Long cho đến Hà Nội sau đó," ông Luyên đưa ra nhận định.
Du khách có nhu cầu tìm về những miền quê có cảnh đẹp như miền cổ tích thì Tràng An có khả năng thõa mãn phần tâm thức sâu kín trong mỗi con người. Những vẻ đẹp ngàn năm hư ảo bụi thời gian nay gợi dậy tâm thức thiêng liêng trong cảm nhận của hậu thế. Tràng An như sự thân thuộc trong cái nhìn tươi mới của lòng người, khám phá mới về những điều huyền bí, kì diệu đã có từ lâu./.