Gọi là chinh phục vì phương tiện nhanh nhất lên cửu thác Tú Sơn (xã Tú Sơn, huyện Kim Bôi, Hòa Bình) - danh thắng “đệ nhất” xứ Mường - dài 6 km đường bộ và 1,3 km đường núi chỉ có xe máy. Còn thích chụp ảnh dọc đường thì lựa chọn duy nhất là cuốc bộ.
Hành trình chinh phục cửu thác Tú Sơn bắt đầu từ ngã ba Bãi Chạo (xã Tú Sơn) sau khi mất gần 3 giờ khởi hành từ Hà Nội bằng xe khách. Bảng chỉ dẫn khu danh thắng cho biết chỉ đi 2 km nữa là tới. Nhưng quãng đường có vẻ xa hơn khi phía trước là dốc Cun dài 12 km, một con dốc gấp khúc, bề mặt trải nhựa và sâu hun hút.
Dốc Cun chào đón
Hai bên dốc lưa thưa nhà dân với những ruộng mía, ruộng ngô xanh mượt… Xa xa có thể ngắm cảnh mây trắng bồng bềnh cuộn chặt những đỉnh núi, bản làng giống như một Sa Pa thu nhỏ huyền ảo. Tôi thênh thang trên cung đường, cảm nhận một chút quạnh quẽ lẫn vẻ thanh bình của mảnh đất xứ Mường.
Mường Rếch, còn gọi là làng văn hóa Quê Kho, nằm ngay dọc đường dốc Cun đơn sơ, với những ngôi nhà sàn gỗ thấp lè tè. Nhà nào cũng ăm ắp những bắp vàng phơi trước sân. Đang là ban trưa nên cả làng im ắng tiếng người, chỉ có dòng suối Vaitu chảy róc rách từng hồi.
Hai phụ nữ Mường đang giặt giũ dưới suối thấy người lạ chụp ảnh cứ xua tay tỏ vẻ ngại ngùng, nhưng miệng vẫn nhoẻn cười thân thiện.
Đúng như sự chỉ dẫn, đi tiếp 1 km thì cổng chào khu du lịch Cửu thác Tú Sơn hiện ra trước mắt. Nhưng chưa kịp mừng thì một tấm biển khác chỉ dẫn tiếp: đường đến Thác Bạc dài 4 km. Hỏi người dân mới rõ đây chỉ là địa phận xóm Củ. Thắt chặt chiếc balô trên vai và rửa mặt bằng nước suối, tôi tiếp tục lê bước qua con dốc cao 10 độ - cũng là thử thách đầu tiên của chặng đường đến thác Bạc.
Vượt dốc cao, ngắm thác Bạc
Độ dốc tăng dần từ 10, 11, 12 và cuối cùng là 13 độ, gợi nhớ đến câu thơ “Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm” (Tây tiến). Nhưng có lẽ cửu thác Tú Sơn không heo hút như Mường Lát hay Pha Luông bởi sự xuất hiện của những ngôi nhà sàn, con suối dọc đường, với những bông hoa đỏ thắm điểm tô, những tiếng lộc cộc vui tai phát ra từ cái mõ gỗ mà đồng bào Mường đeo cho mỗi con trâu...
Đây đó có thể nghe tiếng suối chảy rì rào, chim hót ríu rít thôi thúc bước chân lữ khách.
Rồi những dòng thác đầu tiên cũng hiện ra trước mắt: thác Tiên Tắm hùng vĩ và thơ mộng, thác hồ Âu Cơ huyền bí với hòn đá tảng khổng lồ giữa suối, thác Quan Lang trải chiếu bồng bềnh, êm ru như tình yêu quan lang lén lút hò hẹn với người tình bên dòng suối mà người xưa đã lưu lại thành truyền thuyết.
Choáng ngợp nhất là thác Bạc, cao hơn 20m, tựa như mái tóc của sơn nữ xứ Mường, được trang điểm cầu kỳ bằng thứ màu bạc lấp lánh. Dòng thác tấu lên những tiếng ầm ầm, ào ào nghe như bản hùng ca của núi rừng Tây Bắc. Chốc chốc hơi nước và ánh nắng lại hòa quyện vào nhau tạo thành những chiếc cầu vồng kỳ ảo.
Đi qua cây treo cầu rung rinh trước gió và gần 200 bậc thang đá là đặt chân tới khu vườn Thượng Uyển ở độ cao 1.000m so với mực nước biển. Khí hậu mát mẻ, dõi mắt về bốn phía là những cánh rừng già nguyên sinh, xanh thẳm mờ sương. Ven suối là những nhà sàn nhỏ xinh nằm im lìm bên những tảng đá như đàn voi đá tranh nhau tắm ngụp dưới dòng nước trong mát…
Khung cảnh nguyên sơ và thanh bình đúng như mấy câu dân ca người Mường:
Cửu thác thượng ngàn mơ không thấy
Long cung giếng Ngọc mấy ai hay
Đến rồi lòng ngẩn ngơ say
Bồng lai tiên cảnh đây rồi Tú Sơn.
Tôi kết thúc hành trình chinh phục cửu thác Tú Sơn bằng việc đi bộ ngược dốc Cun để đến Bãi Chạo. Trời về chiều, mọi thứ trở nên nhộn nhịp hơn. Màn sương đặc quánh dần bao phủ những dãy núi. Một đàn trâu mộng thong thả ra về. Xa xa, những cuộn khói phủ lấy những nếp nhà sàn báo hiệu một bữa cơm tối...
Trên cung đường gấp khúc chỗ cao - chỗ sâu, tôi gắng thu lại tầm mắt để ghi nhớ lại tất cả: những ngôi nhà sàn, ruộng mía, ruộng lúa, ruộng ngô, khuôn mặt bầu bĩnh của những đứa trẻ gặp ven đường…
Một Hòa Bình ăm ắp những hình ảnh và cảm xúc lạ lẫm ngập tràn!