Sông tàn, sông chết
Phát biểu trong hội thảo khoa học “Nghìn năm môi trường Hoa Lư – Thăng Long – Hà Nội” ngày 10/8 ở Ninh Bình, PGS.TS Nguyễn Đình Hòe từ Hội Bảo vệ Thiên nhiên&Môi trường Việt Nam nói vùng đất Hoa Lư – Thăng Long – Hà Nội ngày nay có hàng loạt dòng sông đã tàn hay đã chết như sông Bùi, sông Con, sông Đáy, sông Tô Lịch, sông Hoàng Long, v.v…
Lưu vực sông Nhuệ - Đáy có diện tích tự nhiên 7.665km2, chảy qua Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, và Ninh Bình. Hiện nay, phần lớn nước ở lưu vực đã bị ô nhiễm hữu cơ, có nơi ở mức nghiêm trọng với các chỉ tiêu BOD5, COD, NH4, coliform,... cao hơn quy chuẩn môi trường nhiều lần.
Chất lượng nước sông Nhuệ (Hà Nội) bị ô nhiễm nặng nhất do phải tiếp nhận nước thải của sông Tô Lịch-hiện đang gánh chức năng cống thải của thành phố. Nước thải của các hoạt động sản xuất công nghiệp, y tế, tiểu thủ công nghiệp ở các làng nghề, nước thải sinh hoạt không được xử lý đã xả trực tiếp vào các con sông.
Hiện trên lưu vực sông Nhuệ - Đáy có hơn 4000 doanh nghiệp nằm trong tám khu công nghiệp, cụm công nghiệp, 266 cơ sở ngoài khu công nghiệp, cụm công nghiệp, và hơn 450 làng nghề. Hoạt động sản xuất của các cơ sở này đang phát sinh nhiều chất thải. Ước tính lượng nước sinh hoạt được đưa vào môi trường nước lưu vực sông Nhuệ - Đáy là vào khoảng 15.000 tấn/ngày.
Trong khi đó, nước thải sinh hoạt – chiếm 56% tổng lượng nước thải – của hơn 10 triệu cư dân không được xử lý đều đổ thẳng vào các sông, hồ trong lưu vực. Đây là nguyên nhân chính làm gia tăng ô nhiễm.
Theo Sở Tài nguyên&Môi trường Hà Nội, tình trạng ô nhiễm môi trường ở thành phố Hà Nội đang có xu hướng gia tăng và ngày càng trở nên nghiêm trọng, nhất là đối với chất thải rắn, nước thải, và không khí.
Theo số liệu quan trắc của Sở Tài nguyên&Môi trường Hà Nội thì hiện tại không khí ở hầu hết các khu vực dân cư nội đô đều bị ô nhiễm.
Trong số 750 tấn chất thải rắn công nghiệp thải ra mỗi ngày, Hà Nội mới thu gom được từ 85%-90% và xử lý được khoảng 50%; lượng nước thải sinh hoạt khu vực nội thành, nội thị khoảng 700.000m3/ngày đêm nhưng chỉ xử lý được chưa đến 7%. Số còn lại được xả thẳng ra mương, ao, hồ, sông. Hiện nay tổng khối lượng nước thải công nghiệp trên địa bàn thành phố vào khoảng từ 100.000 đến 120.000m3/ngày đêm.
Ông Hòe nói: “Sông Nhuệ là “dòng sông dịch tả” bởi vì xét nghiệm mẫu nước con sông này ở bất cứ thời điểm nào cũng có phẩy khuẩn tả”.
Sức ép từ phát triển kinh tế
Phó Giám đốc Sở Tài nguyên&Môi trường tỉnh Ninh Bình, ông Chu Thanh Hà, cho rằng sự phát triển nhanh chóng kinh tế - xã hội đã và đang tạo nên sức ép với môi trường: chất thải nông nghiệp, công nghiệp, sinh hoạt đô thị đã làm cho môi trường không khí, nước, đất trở lên ô nhiễm. Sự khai thác tài nguyên khoáng sản đã phá vỡ cảnh quan môi trường mà không thể phục hồi.
Nước sông Vân và các hồ nội thành thành phố Ninh Bình đang bị ô nhiễm và có chiều hướng gia tăng do toàn bộ lượng nước thải của thành phố chưa được xử lý đổ ra.
Ngoài ra, “Trong quá trình khai thác đá, nhiều doanh nghiệp thải khói bụi gây ô nhiễm môi trường xung quanh. Thời gian qua, tám doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường đã phải di dời ra khỏi các khu du lịch của tỉnh Ninh Bình”, ông Thanh Hà nói.
Bên cạnh đó, thành phố Ninh Bình đang ở thời kỳ phát triển nhanh nên vấn đề xây dựng cơ sở hạ tầng và giao thông vận tải cũng là nhân tố ảnh hưởng xấu đến chất lượng môi trường của khu vực.
Ông Hà đưa ra ví dụ, khu vực phía đông bắc thành phố (phường Thanh Bình, phường Bích Đào, phường Đông Thành, phường Vân Giang) bị ô nhiễm bụi khá nặng do ảnh hưởng của các cơ sở sản xuất công nghiệp và các hoạt động giao thông vận tải.
Trong khi đó, môi trường nước mặt có biểu hiện ô nhiễm cục bộ tại một số khu vực như nước sông Đáy đoạn cầu Non Nước - thành phố Ninh Bình, đoạn đò Độc Bộ - huyện Yên Khánh, đoạn thượng Kiệm Kim Sơn;... các hồ nội thành thành phố Ninh Bình hồ Lâm Nghiệp, Biển Bạch; nước mặt khu vực làng nghề chế biến bánh đa, bún Yên Ninh, huyện Yên Khánh,...
Thành phần gây ô nhiễm chủ yếu là các chất bẩn hữu cơ, phân động vật, vi khuẩn; một số nơi nước bị ô nhiễm bởi chất thải công nghiệp.
Môi trường biển ven bờ huyện Kim Sơn cũng chịu tác động mạnh của nguồn nước sông Đáy, nguy cơ bị ô nhiễm do nước sông Đáy rất lớn do tiếp nhận toàn bộ lưu lượng nước thải của các tỉnh thuộc lưu vực sông Nhuệ - Đáy: Thành phố Hà Nội, Hà Nam, Hoà Bình, Nam Định và Ninh Bình và đổ ra biển qua cửa Đáy.
Độ mặn cũng biến đổi mạnh theo lưu lượng nước sông Đáy: độ mặn cao về mùa khô và thấp về mùa mưa; độ mặn tăng từ phía đông sang phía tây.
Chất lượng môi trường đất có dấu hiệu ô nhiễm cục bộ tại một số khu vực gần nhà máy sản xuất có nước thải ra môi trường bởi độ pH thấp, hàm lượng các yếu tố vi lượng cao không phù hợp cho sự phát triển của cây trồng và các vi sinh vật trong đất như khu vực tiếp nhận nước thải của Công ty Thực phẩm Xuất khẩu Đồng Giao tại thị xã Tam Điệp,...
Trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, do chưa có trạm xử lý nước thải sinh hoạt tập trung, toàn bộ lượng nước thải không được xử lý triệt để, gây ô nhiễm cho nguồn tiếp nhận. Chất lượng nước mặt tự nhiên khu vực thành phố Ninh Bình bị ô nhiễm bởi các chất hữu cơ, đoạn sông Vân hàm lượng chất rắn lơ lửng gấp từ 1,55-1,65 lần quy chuẩn môi trường cho phép, hồ Lâm nghiệp gấp 1,24-1,28 lần quy chuẩn, hồ Máy Xay gấp 1,15- 1,25 lần quy chuẩn, v.v...
Vẫn theo ông Hà, các ngành khai thác vật liệu xây dựng (đá vôi, đá xẻ, cát sỏi) nếu không được quy hoạch và quản lý chặt chẽ sẽ phá hủy cảnh quan kỳ thú của thiên nhiên và gây ô nhiễm môi trường ở Ninh Bình.
Chung sức bảo vệ môi trường
Các nhà bảo vệ môi trường cho rằng, do chung một hệ thống sông Nhuệ - Đáy, Ninh Bình và Hà Nội có nhiều tiếng nói chung và cần nhiều nỗ lực chung trong sự nghiệp bảo vệ môi trường.
Kỷ niệm nghìn năm môi trường Hoa Lư – Thăng Long – Hà Nội, cộng đồng thủ đô, Ninh Bình cùng cả nước nỗ lực khắc phục những yếu kém, phát huy ưu điểm và thế mạnh, trong đó có các mô hình tiên tiến bảo vệ môi trường để làm cho môi trường Hoa Lư – Thăng Long – Hà Nội mãi mãi trong lành, góp phần phát triển bền vững vùng đất lịch sử văn hiến.
GS.TS Vũ Hoan, Chủ tịch Hội Liên hiệp Khoa học Kỹ thuật Hà Nội, cho rằng truyền thông môi trường cung cấp kiến thức về pháp luật bảo vệ môi trường, hiểu biết về môi trường, tình trạng ô nhiễm môi trường đang xảy ra ở các địa phương, tác động của ô nhiễm môi trường tới sức khỏe con người, từ đó thức tỉnh ý thức trách nhiệm giữ gìn và bảo vệ môi trường từ trong mỗi người đến từng thành phố.
Việc giải quyết có kết quả những vấn đề đặt ra và đạt được những mục tiêu to lớn, làm cho môi trường nghìn năm Hoa Lư – Thăng Long – Hà Nội mãi tươi đẹp, đòi hỏi nhiều nguồn lực, nhiều sáng kiến, nhiều hợp tác và rất nhiều cố gắng và xả thân.
Tổng cục Môi trường cho biết hầu hết các tỉnh, thành trên lưu vực sông Nhuệ - Đáy trong những năm qua đã chú trọng đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường, đặc biệt là đầu tư xây dựng hệ thống quan trắc.
Theo báo cáo của các địa phương, nguồn đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường đều bằng hoặc lớn hơn 1% chi ngân sách. Tuy nhiên việc sử dung nguồn chi ngân sách này còn chưa đúng nội dung chi sự nghiệp môi trường. Chẳng hạn Nam Định sử dụng phần lớn kinh phí sự nghiệp môi trường để hỗ trợ các dự án xây dựng công trình xử lý rác, nước thải, rác thải bệnh viện.
Ông Hòe nói chúng ta cần nhanh chóng tăng cường hệ thống quản lý môi trường ở Hà Nội và Ninh Bình, cả về số lượng, chất lượng, thể chế và phối hợp. Đáng nói là hệ thống quản lý môi trường ở đây cần chú trọng đúng mức và khai thác tối đa sự tham gia và trách nhiệm của cộng đồng trong bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
- Theo GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng, Chủ tịch Hội Môi trường Xây dựng Việt Nam, đồ án “Quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050” chưa coi trọng đúng mức quy hoạch đô thị trung tâm (TP Hà Nội) trở thành đô thị “Xanh – văn minh – văn hiến và hiện đại”, quy hoạch còn thiếu cụ thể một số phương án quy hoạch đến năm 2030 chỉ là định hướng, trong đó có một số định hướng không hợp lý, đặc biệt là chưa có các giải pháp đầy đủ và cụ thể để giải quyết các vấn đề nổi cộm và bức bách về môi trường.
Ông Phạm Ngọc Đăng nói: “Chúng tôi thấy cần phải nhấn mạnh tiêu chí xanh, là không gian cây xanh và môi trường xanh (không khí sạch, nước sạch và đất sạch), cũng như phải đảm bảo môi trường sống có chất lượng cao và phát triển đô thị bền vững, còn tiêu chí hiện đại thì chỉ nên ở mức phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của nước ta”
- Đề án tổng thể bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - Đáy đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2009 nhằm xử lý ô nhiễm, khôi phục lại hiện trạng môi trường thiên nhiên xanh, sạch, đẹp vốn có của các dòng sông và lưu vực sông Nhuệ - Đáy.