Khám phá Vườn Quốc gia Pù Mát

Cập nhật: 23/08/2010
Nằm trên địa phận thuộc huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An, đã từ lâu Vườn Quốc gia (VQG) Pù Mát luôn là địa chỉ hấp dẫn, thu hút nhiều đối tượng khách đến tìm hiểu, khám phá và tham gia các loại hình du lịch.

Đa dạng tiềm năng du lịch

Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Mát được thành lập vào năm 1995, sau chuyển thành VQG Pù Mát. Tháng 9/2007, khu dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An gồm VQG Pù Mát, khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống và khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt được UNESCO chính thức công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới. VQG Pù Mát có diện tích 94.804,4ha nằm trên sườn Đông của dãy Trường Sơn, dọc theo biên giới Việt – Lào có hệ sinh vật rất đa dạng và phong phú. Đây là một trong những khu vực được đánh giá là điểm nóng có tính đa dạng sinh học cao nhất của Việt Nam, nổi bật nhất là việc phát hiện các loài thú lớn như: Sao La, Mang lớn, Mang Trường Sơn, Thỏ vằn Trường Sơn. Anh Nguyễn Đình Dương - Phó Trưởng phòng Giáo dục môi trường và Du lịch sinh thái - VQG Pù Mát cho biết: “Pù Mát có 2.494 loài thực vật, 938 loài động vật; trong đó có 68 loài thực vật và 139 loài động vật quý hiếm bị đe dọa ở mức quốc gia và toàn cầu, VQG Pù Mát nằm trên địa hình dãy núi đá vôi kết nối nhau, có đỉnh Pù Mát cao 1.841m. Nơi đây có cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ,có nhiều thác nước, hang động đẹp, nhiều khu rừng thuần loài khá hấp dẫn, lý thú như: Thác Khe Kèm, thác Làng Yên, Khe nước mọc “Rốn Cô Tiên”, hang Ốc, đỉnh Pơ mu, đỉnh Pù Mát… là tiềm năng để phát triển nhiều loại hình du lịch, đặc biệt là du lịch thám hiểm, khám phá”.

Thác Khe Kèm

 

Hấp dẫn các tour và loại hình du lịch

Theo sự hướng dẫn của Anh nhân viên VQG Pù Mát, du khách bắt đầu chuyến tham quan, tìm hiểu ngay tại quần thể khu vực hành chính, về tính đa dạng sinh học của hệ sinh thái rừng nhiệt đới và á nhiệt đới điển hình nhất ở khu vực Bắc Trường Sơn thông qua mô hình, hiện vật, hình ảnh trưng bày giới thiệu hết sức độc đáo và ấn tượng; tham quan Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã, những động vật thu gom từ các nơi về được nhân viên của VQG chăm sóc, nuôi dưỡng trước khi thả chúng về với môi trường tự nhiên. Cách không xa có vườn thực vật ngoại vi, vườn ươm... là nơi để chăm sóc, nhân giống và phát triển các loại thực vật cho VQG.

Rời khu hành chính, du khách đến tham quan Khu du lịch thác Khe Kèm. Cách chừng 700m, du khách đã nghe tiếng nước đổ. Theo con đường nhỏ hai bên đường có rất nhiều lá dong, dẫn vào thác, hình ảnh của thác Khe Kèm dần dần hiện ra, trông như một dải lụa đào, tung bọt trắng xoá, giữa núi rừng hùng vĩ. Xung quanh khu vực đỉnh thác có những cánh rừng Pơ mu, Sa mu thuần loài rất đẹp, nhiều cây có đường kính từ 3-4m. Không chỉ có vậy, khi đến đây, tại những bãi đất trống gần chân thác là nơi cắm trại dã ngoại, đốt lửa trại, hòa mình trong làn nước trong xanh của thác Khe Kèm. Trong không gian hữu tình, nên thơ du khách sẽ cùng nhau thưởng thức các món ẩm thực độc đáo do người dân địa phương chế biến; phục vụ như: Cơm lam, gà nướng, các món nộm hoa chuối rừng, rau rừng… thật thú vị biết bao.

Khám phá đi thuyền

 

Ấn tượng và hấp dẫn nhất đối với du khách nhất là du khách là chương trình du lịch sinh thái, khám phá đi thuyền, vượt thác trên sông Giăng. Từ thác Khe Kèm sau khi di chuyển bằng ô tô khoảng 20km, du khách lên thuyền máy bắt đầu ngược sông Giăng. Dòng sông uốn lượn theo những gấp khúc quanh co của núi, cảnh sắc hai bên bờ sông thật đẹp. Trong chặng hành trình du khách sẽ được khám phá về sự kỳ bí của thiên nhiên trước sự dữ dội nhưng cũng thật hiền hoà của Khe nước mọc “Rốn Cô Tiên”, Khe Khặng, thả hồn mình giữa khung cảnh yên bình, thơ mộng. Du khách được đến thăm, tìm hiểu và khám phá về phong tục, tập quán, nét sinh hoạt văn hóa của người Đan Lai với tục ngủ ngồi độc đáo.

Anh Nguyễn Đình Dương cho biết: “Mặc dù VQG Pù Mát có nhiều tiềm năng và thế mạnh để phát triển các loại hình du lịch, tuy nhiên lượng khách mới chỉ đạt 7 nghìn - 8 nghìn khách/năm”. Cũng trong thời gian tới, VQG sẽ từng bước đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng phục vụ khách ở các tuyến đã mở, nghiên cứu mở rộng tour du lịch lên biên giới Việt - Lào, đi chợ cửa khẩu Nậm Cắn... đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá nhằm nâng cao nhận thức của người dân cũng như du khách cùng chung sức bảo vệ rừng, phát triển du lịch cộng đồng, góp phần để VQG Pù Mát là địa chỉ du lịch hấp dẫn đối với các đối tượng khách trong và người nước”.

Mạnh Sơn

 

Nguồn: Báo Du lịch