Tham dự cuộc họp về phía Tổng cục Môi trường có ông Bùi Cách Tuyến, Tổng cục trưởng và Thủ trưởng một số đơn vị trực thuộc: Cục Thẩm định và Đánh giá tác động Môi trường, Cục Bảo tồn Đa dạng sinh học, Văn phòng Tổng cục và Thanh tra Tổng cục. Về phía UBND tỉnh Bắc Kạn có ông Hoàng Ngọc Đường, Phó chủ tịch thường trực, ông Nguyễn Văn Du, Phó Chủ tịch và đại diện Lãnh đạo các Sở trực thuộc: Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Xây dựng, Văn hóa - Thể Thao - Du lịch và Lãnh đạo Vườn quốc gia Ba Bể.
Vườn quốc gia Ba Bể được thành lập theo Quyết định số 83/TTg ngày 10/11/1992 của Thủ tướng Chính phủ là một vườn quốc gia, rừng đặc dụng, khu du lịch sinh thái của Việt Nam, nằm trên địa phận tỉnh Bắc Kạn, với trung tâm là hồ Ba Bể có diện tích rộng 500 ha, có hệ thống rừng nguyên sinh trên núi đá vôi với 417 loài thực vật, 299 loài động vật có xương sống, trong hồ có 49 loài cá nước ngọt. Năm 1995 Hồ Ba Bể đã được Hội nghị Hồ nước ngọt thế giới, tổ chức tại Mỹ công nhận là một trong 20 hồ nước ngọt đặc biệt của thế giới cần được bảo vệ. Cuối năm 2004, Vườn quốc gia Ba Bể được công nhận là Vườn di sản ASEAN và đang trình UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới.
Phát biểu khai mạc tại cuộc họp, ông Hoàng Ngọc Đường mong muốn Tổng cục Môi trường có những ý kiến góp ý giúp UBND tỉnh Bắc Kạn phát huy được thế mạnh du lịch sinh thái của Vườn quốc gia Ba Bể đồng thời không làm ảnh hưởng đến hệ sinh thái của vườn.
Ông Mai Thanh Dung, Cục trưởng Cục Thẩm định và Đánh giá tác động Môi trường, Tổng cục Môi trường đã thông tin về công tác thẩm định và đánh giá tác động môi trường đối với các dự án nhằm phát triển du lịch sinh thái của Vườn quốc gia Ba Bể đã được căn cứ vào các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành và thực tế tại Vườn.
Phát biểu tại cuộc họp, bà Lê Thanh Bình Quyền Cục trưởng Cục Bảo tồn Đa dạng sinh học, Tổng cục Môi trường lưu ý việc phát triển du lịch sinh thái đặc biệt phải quan tâm đến hệ sinh thái chung của của cả Vườn vì ảnh hưởng không chỉ tại địa điểm khai thác du lịch mà còn ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Đồng thời, bà Bình cũng cho biết Tổng cục Môi trường mà trực tiếp là Cục Bảo tồn Đa dạng sinh học đang khẩn trương xúc tiến các thủ tục để Vườn được công nhận là khu đất ngập nước theo công ước Ramsar nhằm xây dựng và giới thiệu hình ảnh của Vườn ra thế giới. Theo bà Bình, Vườn quốc gia Ba Bể xứng đáng được công nhận vì đã đáp ứng được 07 tiêu chí trong 09 tiêu chí của Ramsa. Trong khi đó, chỉ cần có 01 tiêu chí là được công nhận.
Công ước Ramsar về các vùng đất ngập nước là một hiệp ước liên chính phủ với sứ mạng "bảo tồn và sử dụng khôn khéo các vùng đất ngập nước thông qua hành động của địa phương, của khu vực, của quốc gia và hợp tác quốc tế nhằm góp phần đạt được mục tiêu phát triển bền vững trên toàn thế giới". Năm 1989, Việt Nam tham gia Công ước Ramsar. Tính đến tháng 4 năm 2010 đã có 159 quốc gia tham gia Công ước này.
Tại cuộc họp, đại diện Lãnh đạo của UBND tỉnh Bắc Kạn và các sở trực thuộc đã góp ý về các dự án phát triển du lịch sinh thái tại Vườn. Theo đó, việc đầu tư vào Vườn còn có nhiều khó khăn như giao thông cách trở,.. do vậy tỉnh cũng rất muốn thu hút các nhà đầu tư nhằm phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm,... tuy nhiên việc đầu tư cần phải tuân thủ các trình tự pháp lý, phải có tính khả thi và giữ được cân bằng của hệ sinh thái.
Ông Nguyễn Thế Diễn, Giám đốc Vườn Quốc gia Ba Bể cho rằng cần phải quan tâm tới tính khả thi của các dự án phát triển du lịch sinh thái, như: khả năng thi công, vận chuyển nguyên vật liệu xây dựng, sự cân bằng của hệ sinh thái,…và đề nghị Tổng cục Môi trường giúp cả về chuyên môn và tạo nguồn kinh phí để tiến hành điều tra đánh giá đa dạng sinh học của Vườn quốc gia Ba Bể giai đoạn 2011 đến 2015.
Phát biểu kết luận tại cuộc họp, Ông Bùi Cách Tuyến, Tổng cục Trưởng, Tổng cục Môi trường cho biết: Xu hướng của các vườn quốc gia trên thế giới là đưa du lịch vào để phát triển kinh tế của địa phương, tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước, tạo công ăn việc làm cho người dân và đặc biệt là có kinh phí để bảo tồn và phát triển vườn. Tuy nhiên, trong qua trình khai thác tiềm năng du lịch sinh thái cần phải lưu ý 02 vấn đề, đó là: Kiểm soát ô nhiễm trong quá trình phát triển kinh tế xã hội và Bảo tồn tự nhiên thiên trong đó có đa dạng sinh học. Đồng thời, ông cho rằng một dự án đầu tư muốn thành công phải xem xét trên các mặt: Hiệu quả kinh tế, khả thi về kỹ thuật, được chấp nhận về mặt xã hội, thân thiện với môi trường. Do vậy, các dự án đầu tư nhằm phát triển du lịch sinh thái của Vườn quốc gia Ba Bể cần phải được xem xét, đánh giá theo các mặt trên.
Ông cũng cho biết: sau cuộc họp này, Tổng cục Môi trường sẽ có văn bản gửi UBND tỉnh Bắc Kạn về các vấn đề của cuộc họp hôm nay và mời các chuyên gia tham gia góp ý cho UBND tỉnh Bắc Kạn về phát triển bền vững du lịch sinh thái của Vườn quốc gia Ba Bể./.