Vườn quốc gia Bạch Mã: Nổ mìn, xây chùa trong rừng cấm

Cập nhật: 15/10/2010
Thời gian qua, nhiều nhà khoa học cũng như giới bảo tồn thiên nhiên bất bình về việc ngôi nhà bát giác Hải Vọng Đài – đài vọng cảnh dùng làm tháp canh rừng trong Vườn Quốc gia Bạch Mã bị “trùng tu” thành chùa cùng với việc một bộ phận người dùng mìn mở đường trong rừng cấm Bạch Mã.

Ngôi nhà bát giác Hải Vọng Đài – lầu gác rừng bị biến thành chùa. (Ảnh: Báo Tuổi trẻ).

 

Vườn Quốc gia Bạch Mã đóng cửa gần 2 năm nay để xây dựng. Và những gì diễn ra trong khu rừng này đang dấy lên mối lo ngại ở những nhà bảo tồn khi ở đây đang chặt rừng bạt núi để mở rộng con đường lên Bạch Mã. Gỗ rừng được chặt thành một đống, xếp thành hàng dài ven đường.

Ông Huỳnh Văn Kéo - Giám đốc Vườn Quốc gia Bạch Mã, cho biết dự án mở rộng đường lên đỉnh Bạch Mã bắt đầu từ tháng 8-2009, tổng vốn 80 tỉ đồng, dự kiến hoàn thành cuối năm 2012. Theo ông, không thể tránh khỏi việc nổ mìn phá đá để làm đường.

Cho rằng không nên mở rộng không gian du lịch ở Vườn Quốc gia Bạch Mã, Tiến sĩ Phạm Khắc Liệu – Trưởng khoa Môi trường, Đại học Khoa học Huế nói: “Việc nổ mìn phá đá trong vườn quốc gia chắc chắn sẽ làm xáo động không gian sống của các loài động vật hoang dã vốn rất nhạy với tiếng ồn”.

Vườn Quốc gia Bạch Mã nằm cuối dãy Trường Sơn Bắc, là trung tâm của dãy rừng xanh tự nhiên còn lại duy nhất của VN kéo dài từ biển Đông đến biên giới Việt - Lào, được công nhận là một trong những trung tâm đa dạng sinh học của khu vực Đông Dương. Đến nay, Bạch Mã được ghi nhận có 1.493 loài động vật và 2.147 loài thực vật, trong đó có 68 loài động vật và 86 loài thực vật có nguy cơ tuyệt chủng được ghi vào Sách đỏ Việt Nam.

 

Nguồn: ThienNhien.Net