Không sang trọng như những nhà hàng, khách sạn, "homestay" nhiều khi là chính ngôi nhà của đồng bào người Mông, người Tày, người Dao… Rất giản dị, mộc mạc, chỉ là một nếp nhà sàn được cải tạo, trang trí và sắm thêm những vật dụng trong gia đình để đón khách. Thế nhưng, dịch vụ này lại được nhiều du khách lựa chọn mỗi khi đến với các bản, làng vùng cao Sa Pa. Trước đây, thông thường các đoàn khách đi theo "tua", chủ yếu tham quan làng bản rồi lại lên xe về Sa Pa, nhưng bây giờ họ thích nghỉ lại ở bản hơn. Vừa được thưởng thức những món ăn dân dã, vừa được hoà mình vào không gian sống của người vùng cao, được tìm hiểu tập quán cũng như những phong tục truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số.
Chị Lù Thị Út, người Tày ở thôn Bản Dền, xã Bản Hồ (Sa Pa) tham gia mô hình du lịch cộng đồng gần 10 năm nay cho biết: "Homestay" của gia đình chị luôn có khách lưu trú qua đêm. Có những đoàn khách ở lại 3 - 4 ngày. Họ vừa tham quan cảnh sắc thiên nhiên, vừa tham gia lao động sản xuất, cùng ăn, ở tại nhà theo đúng nếp sống thường nhật của gia đình.
Không riêng gia đình chị Lù Thị Út, mà một số gia đình trong bản người Tày ở Bản Hồ như anh: Đào A Vinh, Đào A Thảnh, Đào A Sìn... cũng tham gia làm dịch vụ lưu trú tại gia. Nhà nào cũng có một ngôi nhà sàn rộng, đủ chăn, đệm cho khách ngủ qua đêm. Trong nhà luôn chuẩn bị sẵn các món ăn truyền thống của đồng bào Tày như thịt lợn hun khói, vịt nấu măng chua, cá suối lam ống nứa.
Không chỉ có thế, những "homestay" của đồng bào Tày Bản Hồ còn "níu" chân du khách bằng những điệu hát Then, những điệu xoè quạt, múa gậy mang bản sắc của dân tộc mình. Điều đặc biệt, không có sự "cạnh tranh" hay "tranh giành" khách như ở nhiều khu du lịch khác, những gia đình trong bản đã cam kết tham gia cùng đón khách. Nếu gia đình nào đón nhiều khách thì giới thiệu sang gia đình ít hơn và giúp nhau cùng làm dịch vụ cho tốt. Chị Hoàng Thị Đừa, người Tày ở Bản Hồ cho biết: Quan trọng là để du khách có một kỳ nghỉ ấn tượng, để họ thấy được thật thoải mái khi đến nghỉ tại đây. Vừa thấy được cuộc sống bình yên của bản làng vừa thấy được sự gắn kết tình làng nghĩa xóm cũng như nếp sống văn hoá của đồng bào Tày.
Cô Jackie Sale, một du khách đến từ Ôt -xtrây - li - a cho biết, cô thích nghỉ dưỡng ở những ngôi nhà dân dã của đồng bào, bởi sự thân thiện mến khách, bởi không gian sống gần gũi với môi trường thiên nhiên và điều thú vị là những món ăn của đồng bào rất ngon và hấp dẫn. Lần nào cũng vậy, mỗi khi có dịp đến Sa Pa thì "homestay" được cô chọn thay vì những khách sạn sang trọng.
Nằm yên bình bên dòng suối Mường Hoa là những nếp nhà gỗ truyền thống của người Mông được gia chủ cách điệu và trang trí để đón khách du lịch. Ngoài những món ăn do chính những người Mông trong gia đình chế biến, "homestay" của chị Thào Thị Máy, 30 tuổi, ở thôn Lao Hàng Chải, xã Lao Chải còn có đủ chỗ cho khách du lịch lưu trú qua đêm sau khi khám phá vẻ đẹp của bản làng. Chị Máy cho biết: Rất nhiều du khách đến Lao Chải đều chọn nghỉ tại đây. Chủ yếu là khách quốc tế, thỉnh thoảng cũng có khách Việt Nam, nhưng ít hơn. Từ dịch vụ "homestay" đã tạo việc làm cho các thành viên trong gia đình chị, có thêm thu nhập. Trong gia đình, chị còn đặt một khung dệt thổ cẩm và mở quầy hàng bán đồ lưu niệm nhỏ, chủ yếu là thổ cẩm do chính bàn tay mẹ và em gái của chị làm ra.
Không riêng bản, làng người Tày (Bản Hồ), người Mông (Lao Chải), người Dao đỏ (Tả Phìn), người Giáy, người Mông (Tả Van) cũng làm du lịch, mở dịch vụ “homestay” đón khách... Ông Hoàng Mục, người Giáy ở thôn Tả Van Giáy (xã Tả Van) cho biết: Tham gia làm du lịch cộng đồng, gia đình sửa lại nhà, sắm thêm những trang - thiết bị sinh hoạt cần thiết để đón khách. Từ hoạt động này, những thành viên trong gia đình, ngoài thời gian đi làm nương, tranh thủ tham gia các dịch vụ tiếp đón khách, mang lại nguồn thu nhập khá.
Ở bản người Dao Tả Phìn thì dịch vụ “homestay” còn “hút” khách bằng một “đặc sản” riêng, đó là được ngâm mình trong những thùng gỗ thông, trong hương vị thơm thơm, hắc hắc của lá rừng từ phương thuốc bí truyền của người Dao đỏ. Thế nên rất nhiều du khách đến đây muốn lưu trú tại gia và khám phá những “bí mật” trên núi cao này.
Chị Thuý Nga, một du khách đến từ Hà Nội hào hứng khoe: Năm nào lên Sa Pa, cả gia đình chị cũng xuống bản để ngủ. Bọn trẻ rất thích, vì chúng được tha hồ nghịch, khám phá những điều thú vị, mà thường ngày chúng chỉ ở trong bốn bức tường nhà, đến trường, chỉ quen với phố xá... Đến đây, chúng được thoải mái đi lại trong một không gian yên tĩnh.
Với anh chị Đào Văn Hưng - Tống Thị Lan (TP Hồ Chí Minh) thì việc chọn “homestay” làm nơi nghỉ tuần trăng mật thật lãng mạn và đầy ý nghĩa.
Những nếp nhà sàn, nhà tường trình của đồng bào các dân tộc Mông, Dao, Giáy, Tày... ở Sa Pa vốn bình yên, giờ trở nên tấp nập, sôi động hơn với những đoàn khách du lịch. Những bếp lửa đỏ mỗi chiều, những cột khói toả ra trên những mái nhà, mang theo hương vị ẩm thực của miền sơn cước đã làm say lòng biết bao du khách. Và những “homestay” bình yên ấy cùng với bản sắc văn hoá của đồng bào thiểu số đang làm nên một sản phẩm du lịch độc đáo, góp phần bảo vệ môi trường trong hành trình khám phá nét đẹp văn hoá bản làng Sa Pa.