Đến nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã vận động tài trợ và thực hiện 20 chương trình, dự án quốc tế với tổng kinh phí hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) 64 triệu USD, góp phần đáng kể trong việc tạo nên nguồn đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường.
Coi trọng hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng chiến lược vận động các nước, các nhà tài trợ quốc tế hỗ trợ Việt Nam ưu tiên giải quyết các vấn đề môi trường phục vụ mục tiêu phát triển bền vững.
Các hoạt động của Bộ tập trung vào hai mục tiêu chính. Một là định hướng các hoạt động khơi nguồn tài chính, tiếp nhận và thực hiện hiệu quả, minh bạch mọi nguồn viện trợ song phương và đa phương hỗ trợ cho công tác bảo vệ môi trường. Hai là tăng cường năng lực hội nhập quốc tế, tham gia cùng cộng đồng quốc tế ứng phó với các thách thức toàn cầu về biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường.
Bộ tiếp tục củng cố và phát triển các mối quan hệ truyền thống với các nước Thụy điển, Đan Mạch, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và các tổ chức quốc tế và khu vực như Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF), Ngân hàng Thế giới (WB), Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP), tổ chức phát triển công nghiệp của Liên Hợp Quốc, ASEAN; đồng thời mở rộng các mối quan hệ với các đối tác mới như Hoa Kỳ, Séc, Hung ga ri, Na Uy, Phần Lan và các tổ chức phi chính phủ như Tổ chức lương thực thế giới(FAO), Quỹ quốc tế phát triển nông nghiệp (IFAD) , Quỹ Rosa Luxumburg…
Trong khuôn khổ Hội nghị Môi trường toàn quốc lần thứ 3 sẽ được tổ chức vào cuối tháng 11, Bộ tổ chức hội nghị chuyên đề về xúc tiến đầu tư trong lĩnh vực bảo vệ vôi trường, công bố danh mục các lĩnh vực trọng tâm ưu tiên về bảo vệ môi trường của Chính phủ, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư tiếp cận, lựa chọn các lĩnh vực đầu tư hiệu quả nhất.
Thao Lan