Nhắc đến vườn chim người ta thường nghĩ ngay đến những cánh rừng xứ miệt vườn Nam bộ, nhưng thật thú vị khi giữa miền Bắc lại có một vườn cò thứ thiệt. Gần 20 năm “vô công rồi nghề” âm thầm canh giấc ngủ cho đàn cò hàng vạn con, anh Bùi Thanh Bảy ở xã Thụy Liên (Thái Thụy, Thái Bình) đã được người dân nơi đây phong cho chức “vua cò nghèo” vì anh nghĩ và làm chẳng giống ai trong làng, ngoài xã.
Đất lành cò đậu
Về thăm khu vườn chim đặc biệt giữa đồng bằng Bắc bộ vào một ngày đầu đông se se lạnh, chúng tôi như ấm lại khi ngắm nhìn cánh đồng lúa vàng óng đang vào mùa. Con đường nhỏ như dải lụa mềm mại vắt ngang cánh đồng trong nắng sớm dẫn chúng tôi về xã Thụy Liên, nơi có “nhà” của hàng vạn con cò . Thật yên bình khi thấp thoáng những cánh cò trắng dập dờn bay đi kiếm ăn trên ruộng lúa xa xa.
Hỏi thăm đường về khu vườn cò, từ người già đến trẻ con ở đây ai cũng thêm vào câu trả lời “ông Bảy cò khùng à” nên chúng tôi nhanh chóng đến được tư dinh của ông vua cò nghèo. Hiện ra trước mắt chúng tôi là “khu sinh thái” rộng hơn 7 ha rừng bạch đàn và dừa xanh tốt rợp bóng lên ao cá. Tư dinh của ông “vua cò” là một căn nhà lợp mái phi brôximăng thấp tè trên nền đất có hàng ghạch xếp thành lối đi nhỏ trước sân.
Thấy có khách lạ ông chủ rào trước “các bác đến chơi thăm vườn cò thì quý chứ nếu có ý mua cò thì xin lỗi, tôi không bán”. Người đàn ông độ ngũ tuần chân chất, tính cách có phần âm thầm nhưng kiên quyết, có lẽ vì vậy nên đàn cò đã chọn anh làm người “đỡ đầu” cho mình. Sau khi chúng tôi phân trần, anh vui vẻ kể về chuyện đời và cái duyên gắn với những cánh cò trắng.
Năm 1989, Hợp tác xã Thụy Liên cho đấu thầu khu bãi đất ngập mặn, kém hiệu quả để chuyển đổi mục đích kinh tế. Lúc đó anh Bảy vừa lập gia đình đã có một quyết định táo bạo khi bàn với vợ nhận thầu hơn 7ha để lập trang trại nuôi chí thoát nghèo.
Anh Bẩy cho biết: “Ngày trước đây là vùng đất bãi cửa sông bỏ hoang lâu năm do chịu ảnh hưởng của triều cường. Nước ngập nên có muốn nuôi trồng cây, con gì cũng chịu”. Nhưng với quyết tâm và nghị lực của bản thân, anh và vợ đã từng ngày lặng lẽ hồi sinh “vùng đất chết”.
Anh Bẩy đào đất đắp thành những bờ cao vững chắc để ngăn thủy triều xâm nhập. Hệ thống bờ bao dài hàng cây số ngăn chia khu đầm bãi thành các ô nhỏ để nuôi thủy sản. Tại đây, anh cũng trồng hơn 5000 cây bạch đàn và gần nghìn gốc dừa tạo nên một khu rừng sinh thái đẹp mắt.
Điều thú vị hơn, từ năm 1991, từng đàn cò bắt đầu đến khu rừng của anh, ngày càng nhiều, cò đậu trắng cả một khoảng rừng. Lúc đầu trăm con rồi hàng vạn con... Anh Bẩy kể: “ngày đó thấy cò về nhiều tôi cũng lo chúng ăn hết cá và tôm vừa thả. Nhưng ban ngày chúng bay đi kiếm ăn chỗ khác, tối mới bay về”.
Cũng từ đây anh Bảy nghĩ cò đã chọn mình, không lẽ nào mình lại phụ cò. Nghĩ là làm anh tình nguyện bảo vệ đàn cò trước những kẻ săn bắn. Anh trồng thêm nhiều cây mong ngày càng có nhiều cò về, để những cánh cò bay lả bay la không đi vào cổ tích.
Cò như con…
Dẫn chúng tôi vào thăm vườn cò anh Bảy dặn: “Các chú nhẹ chân kẻo nghe tiếng động lớn và thấy người lạ làm chúng sợ”. Điều thú vị là dường như đàn cò đã quen hơi bén tiếng với anh nên dù có khách lạ, hàng vạn cánh cò vẫn đậu trắng cả một vùng trời, thật yên bình lạ.
Chỉ tay về phía khu vườn những cây bạch đàn 15 năm tuổi anh Bảy tâm sự: “Túng thiếu, nhiều lần vợ bàn bán cây đi. Trằn trọc nhiều đêm, bán cây thì lấy chỗ đâu cho cò về, rồi những khi trời mưa bão, thương cò nên tôi không đành”.
Cũng bởi thương và mong muốn bảo vệ đàn cò, đã không ít lần anh Bảy phải đối mặt với hiểm nguy do kẻ xấu tìm cách săn bắt trộm. Đợt bão vừa qua, gió giật mạnh khiến nhiều cò bị thương, gãy cánh. Anh Bảy lại đưa chúng về chăm sóc đợi khi chúng hồi sức, hết bão mới dám thả ra.
“Chim trời, cá nước”, dân làng nhiều lời dị nghị bảo anh dở người, cò đấy không biết bắt bán lấy tiền hay làm thịt. Cũng mấy phen anh Bảy bị dân “la làng” và bắt đền vì lũ cò ăn hết hạt giống ở ruộng vừa mới gieo. Trong khi đó, cuộc sống hằng ngày của anh còn nhiều khó khăn, thu nhập từ ao cá không đáng là bao, diện tích thầu khoán hầu như để trồng rừng hết nên hiệu quả rất thấp.
Tuy nhiên, khi chúng tôi hỏi nếu có ai mua vườn cò bạc tỷ có bán không. Anh nở nụ cười chân thật đáp: “Dù có nghèo mấy mình cũng nhất định không bán. Mình nguyện bảo vệ chúng đến khi nào chúng không ở với mình nữa thì thôi”. Và mong muốn lớn nhất của anh bây giờ là ó thể vay vốn để xây dựng trang trại trở thành điểm du lịch sinh thái đem lại hiệu quả kinh tế, nhằm phát triển bền vững vườn cò.
Chia tay vườn cò, khi ánh chiều đã xuyên dài qua tán rừng hắt những vệt nắng trải trên mặt nước yên bình, chúng tôi vẫn thấy dáng anh Bảy đứng hồi lâu ngước lên trời ngóng từng cánh cò bay về tổ ấm.