Năm 2011, du lịch Quảng Nam viết tiếp câu chuyện cổ tích khi đưa du khách đến không gian của làng sinh thái cùng sản phẩm lưu niệm đậm nét văn hóa vùng - miền…
Không ít vùng đất khô cằn, hoang hóa, cũ xưa hoặc bị bỏ quên trên dọc đường thiên lý... đã bất ngờ sống lại nhờ “phép màu” có tên du lịch. Nếu “phép màu” đến chậm 10, 20 năm, sẽ ít ai biết rằng Mỹ Sơn, Hội An nằm ở đâu trên bản đồ du lịch. Những căn nhà cổ bị thời gian và mối mọt gặm nhấm từng ngày, có thể đổ sập bất cứ lúc nào dưới mưa nắng thất thường miền Trung và một Mỹ Sơn sẽ mãi khuất chìm giữa bụi cỏ thời gian, vắng những cuộc khai quật, trùng tu. Một Cù Lao Chàm đầy gió lộng như một viên ngọc thô, cách biệt với dòng chảy giao thông, mỗi ngày chỉ một chuyến đò vào ra ngày biển lặng, sẽ mãi ngửa mặt nhìn về đất liền như những giàn rớ mỏi mòn, chờ đợi. Hoặc chỉ nhìn thấy gió thổi qua những căn nhà trống, cơ cực mùa biển động giữa những làng chài xác xơ hay nắng qua những rặng phi lao giữa mênh mông đồi cát…
Giờ đây, di sản Hội An được đánh giá là một thành phố có tiềm lực kinh tế, môi trường du lịch vào loại nhất nước. Những mái ngói âm dương rã nát, giếng nước đầu con phố dài hun hút gió len giữa những ngôi nhà kín cửa, im lặng hàng thế kỷ đến những con hẻm chật chội, rêu xanh phong kín thời gian… đã biết bày cuộc vui. Người dân cù lao giàu lên với danh phận Khu dự trữ sinh quyển thế giới, đã gần hơn theo những chuyến tàu cao tốc ghé đảo mỗi ngày. Vùng đất hoang vu như sa mạc dọc biển đã trở thành một “con đường”, “thành phố” đầy những khu nhà nghỉ dưỡng cao cấp. Và một Mỹ Sơn từng ngày thao thức trong giấc mơ bảo tồn.
Nhưng, “cơn bão” du lịch cũng đã làm thay đổi, biến dạng đời sống. Cuộc “ăn mày dĩ vãng” nào cũng đi đến hồi kết. Dù các nhà quản lý du lịch đã lên tiếng rằng, lượng du khách đến Hội An và Mỹ Sơn chưa đạt đến mức “kỷ lục” để gây ra sự đảo lộn, hoặc tạo ra áp lực cho công cuộc bảo tồn. Rằng phát triển hiện tại vẫn chưa ảnh hưởng đến các di tích lịch sử, chưa đến mức độ báo động hủy loại tài nguyên thiên nhiên và lệch đi các giá trị văn hóa… Chính quyền sở tại cũng loan báo: phố cổ vẫn thân thiện, mến khách, tiếp tục “gìn vàng giữ ngọc”, vẫn biết “giữ lễ cho đời sống”… Nhưng trên thực tế, biển đã “kín chỗ”, phố đã chật chội, hẹp đi không gian hoài niệm và ắp đầy “mùi vị” bán buôn. Nụ cười hoa hậu hay nguyên thủ các nước, “Ngày không túi ni lon” hằng năm hoặc “Giờ trái đất” mỗi tháng… cũng không thể cứu nổi “phần hồn di sản” đang từng ngày bị phai nhạt.
Một “Hành trình di sản” đã bị ngừng. Những lễ hội dân gian, các cuộc tế lễ làng nghề, khuất chìm dưới đáy thời gian bỗng dưng thức dậy rất nhiều trong mấy năm qua cũng đã vội vàng “rũ xiêm áo”, phai nhạt dần sức hấp dẫn. Vài làng văn hóa du lịch, sinh thái “bày” ra vội vã như Bờ Hôồng (Đông Giang), Phú Ninh hay Lộc Yên (Tiên Phước) chưa kịp hồi sinh đã bị bỏ quên vì cách trở giao thông hay thiếu sự quảng bá, đầu tư… Con số 2,4 triệu lượt khách đến tham quan, lưu trú năm 2010 hay một lễ chào mừng vị khách thứ 4 triệu tới mua vé tham quan phố cổ vẫn không thể “che đậy” được nỗi lo lắng của các nhà quản lý khi chỉ 29,5% khách quốc tế du lịch Việt Nam tìm tới Hội An, Quảng Nam.
Nỗi lo sợ đánh mất vị thế Quảng Nam trên bản đồ du lịch Việt Nam đã buộc các nhà quản lý, chính quyền sở tại không thể mãi tự ngắm mình. Việc chọn năm 2011 là năm bảo tồn di sản, phát huy các giá trị văn hóa, xây dựng sản phẩm, hướng dòng khách về vùng thiên nhiên xanh sạch để ngăn ngừa áp lực vào di sản, du lịch Quảng Nam đã tự biết chọn một con đường, một lối đi riêng để có thể viết tiếp câu chuyện cổ tích còn dang dở. “Du lịch Quảng Nam mang thiên hướng văn hóa, sinh thái. Bảo tồn văn hóa không chỉ vì bảo tồn cái hay, đẹp của nó mà là giữ gìn tính kế thừa của văn hóa từ thế hệ này sang thế hệ khác. Đời sống dân dã, phong vị đồng quê cùng nghề nghiệp truyền thống, sức hấp dẫn của làng ven sông Trường Giang, vùng đông Quảng Nam là lựa chọn số 1” - ông Đinh Hài, Giám đốc Sở VH-TT&DL , nói.
Một cuộc thi tạo mẫu sản phẩm lưu niệm du lịch được tổ chức sau gần 20 năm làm du lịch và vài cuộc thi khác sẽ được mở nay mai, đã mở ra “con đường sáng” cho làng nghề tiếp cận thị trường khách du lịch. Những sản phẩm “phần hồn di sản” được tuyển chọn có cơ hội đặt hàng như tranh tre, gỗ và gốm…, bước đầu đã có thể theo chân du khách gần xa. Bởi một điều đơn giản, cái du khách cần là tri thức dân gian trong từng sản phẩm đặc trưng văn hóa, mà chỉ đến tận nước bản địa hay vùng miền thì mới có và hiểu được.
Nếu ý tưởng đưa ra được thực hiện hoàn tất, đúng như dự định, cùng với sự đầu tư lớn cho công tác xúc tiến và hợp tác mạnh mẽ giữa cộng đồng du lịch… thì doanh thu 970 tỷ đồng từ 2,48 triệu lượt khách, dự định thu hút trong năm 2011 sẽ là con số khiêm tốn!