Bài học về bảo tồn di sản của nhân loại

Cập nhật: 22/02/2011
Theo các chuyên gia, hệ thống khu dự trữ sinh quyển (DTSQ) không chỉ là một khu bảo tồn mà nó bao trùm lên đó từ một đến nhiều khu bảo tồn mang đậm bản sắc văn hóa của dân tộc đại diện, đồng thời là di sản vô giá của nhân loại. Vì thế, mỗi khi được vinh danh, bên cạnh niềm tự hào, dân tộc đó còn phải gánh vác trách nhiệm bảo tồn di sản chung của nhân loại.

Du khách trong nước và quốc tế khám phá Cần Giờ

Bảo tồn để phát triển và phát triển để bảo tồn

Đến nay Việt Nam đã có 8 khu DTSQ nằm trên khắp các vùng miền cả nước gồm: Khu DTSQ Cần Giờ, Cát Tiên, Châu thổ sông Hồng, Cát Bà, Kiên Giang, Tây Nghệ An, Cù Lao Chàm – Hội An và Mũi Cà Mau. Hệ thống khu DTSQ này mang đậm bản sắc văn hóa và truyền thống của đất nước với những hệ sinh thái đặc trưng, cảnh đẹp nổi tiếng,... đây là tiềm năng quan trọng của đất nước, đặc biệt là để phát triển du lịch sinh thái, du lịch văn hóa – lịch sử, du lịch di sản... GS.TS Nguyễn Hoàng Trí cho biết, mô hình các khu DTSQ của Việt Nam được thế giới đánh giá khá cao, nhất là việc áp dụng tư duy hệ thống trong điều phối liên ngành, quy hoạch cảnh quan trong phân vùng để phát triển kinh tế chất lượng theo hướng bền vững. Trong đó, Khu DTSQ Rừng ngập mặn Cần Giờ (TP.HCM) được đánh giá là khu DTSQ được “khôi phục đẹp nhất Đông Nam Á”.

Trước đó, các chuyên gia quốc tế nhận định, Việt Nam phải mất ít nhất nửa thế kỷ mới khôi phục lại được Rừng ngập mặn Cần Giờ do sự tàn phá của chiến tranh. Thế nhưng, chỉ trong vòng chưa đầy một thập kỷ, Rừng ngập mặn Cần Giờ đã được khôi phục và trở thành khu rừng tái sinh cực kỳ quan trọng, là “lá phổi xanh” của TP.HCM và các khu vực lân cận. Hình ảnh của Cần Giờ đã đi vào tiềm thức của cộng đồng các khu DTSQ thế giới.

Bằng chứng là tại Hội nghị Quốc tế về các khu DTSQ thế giới năm 2008 tổ chức tại Madrid, Thủ đô Tây Ban Nha. Khu DTSQ Rừng ngập mặn Cần Giờ đã được Ban tổ chức chọn trình chiếu trong cuốn phim “Sinh quyển” để khai mạc hội nghị, qua đó góp phần nâng cao vị thế và niềm tự hào dân tộc. Điều này cho phép chúng ta lấy sự danh tiếng của bảo tồn để phát triển kinh tế, mặt khác kinh tế dựa vào bảo tồn để phát triển.

Kinh nghiệm cho các khu DTSQ ở Việt Nam

GS.TS. Nguyễn Hoàng Trí - Tổng thư ký Ủy ban Quốc gia “Chương trình Con người Sinh quyển” nhận định, Khu DTSQ Cần Giờ không thể phát triển bền vững như ngày nay nếu không có sự tham gia của người dân địa phương, các ban ngành, các nhà khoa học, văn nghệ sĩ...

Do đó, kinh nghiệm ở đây cho thấy việc bảo tồn các khu DTSQ để phát triển cần có sự chỉ đạo và điều phối thống nhất của các ngành chức năng liên quan. Công tác bảo tồn, các hoạt động du lịch, nuôi trồng và đánh bắt thủy hải sản, các hoạt động cụ thể khác trong Khu DTSQ Cần Giờ đều mang tính liên ngành dưới sự chỉ đạo và điều phối thống nhất của UBND TP.HCM. Điều này đã góp phần phát triển kinh tế và nâng cao mức sống của người dân trong vùng theo hướng bền vững, các giá trị văn hóa cũng được bảo tồn và nâng cao giá trị.

Theo kỹ sư Lý Văn Nhạn – Phó Trưởng ban Quản lý Khu DTSQ Mũi Cà Mau, vấn đề này phải có sự đóng góp của tất cả người dân, các ban ngành nhằm tránh sự tách biệt giữa DTSQ với khu dân cư và các cơ sở kinh tế khác.

Đồng thời để tuyên truyền, giáo dục và nâng cao ý thức của người dân trong vùng tích cực tham gia bảo vệ môi trường sinh thái trước những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, chung tay góp phần bảo tồn bản sắc của văn hóa bản địa.

Thạc sĩ Trần Văn Mùi, Giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên – văn hóa Đồng Nai, Trưởng Ban điều hành Khu DTSQ Cát Tiên cho rằng, giữa các khu DTSQ nên xây dựng mạng lưới liên kết nhằm hỗ trợ nhau trong xây dựng kế hoạch quản lý điều hành, liên kết hệ thống tour du lịch, quảng bá tiềm năng, xây dựng cổng thông tin điện tử chung cho các khu DTSQ...

Ngoài ra, việc bảo vệ và lưu giữ các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương như các làng nghề, lễ hội, phong tục tập quán, trò chơi dân gian,... cần phải được gắn liền với việc xây dựng đời sống văn hóa cơ sở trong các khu DTSQ.

Hoàng Hải

 

Nguồn: Báo Văn hóa