Việc quản lý rừng đặc dụng và các Vườn Quốc gia hiện nay đang gặp nhiều bất cập. Các dự án đầu tư phát triển du lịch sinh thái tại các Vườn quốc gia đã bắt đầu bộc lộ những hạn chế, gây nguy cơ phá vỡ hệ sinh thái rừng đặc dụng. Ngày 1/3, Nghị định 117/CP của Chính phủ về tổ chức quản lý hệ thống rừng đặc dụng trong cả nước có hiệu lực nhằm đưa vấn đề quản lý Vườn quốc gia và các Khu bảo tồn thiên nhiên đi vào nề nếp, hiệu quả hơn.
Phóng viên báo GD&TĐ Online đã có cuộc phỏng vấn ông Trần Thế Liên- Vụ trưởng Vụ Bảo tồn thiên nhiên, Tổng cục lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn về vấn đề này.
Quản lý hệ thống rừng đặc dụng: bắt đầu từ việc quản lý các dự án đầu tư
PV: Thưa ông, ông có thể cho biết những bất cập nảy sinh trong các dự án tại các Khu bảo tồn và Vườn quốc gia hiện nay là gì ?
Ông Trần Thế Liên: Hiện nay vấn đề phát triển du lịch sinh thái đang rất nóng nhất là ở các khu Vườn quốc gia và Khu bảo tồn, nếu không có định hướng rõ ràng thì nó sẽ phá vỡ kết cấu. Ví dụ như Vườn Quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng. Năm 2010 lượng khách du lịch đến, phí và lệ phí là trên 11 tỷ đồng. Như vậy là rất lớn, thế nhưng nếu như chúng ta không quy hoạch rõ thì cả Vườn quốc gia ấy sẽ bị phá vỡ hoàn toàn.
Chúng tôi đã thẩm định một số dự án ở Phong Nha Kẻ Bàng như động Thiên Đường. Họ chiếm dụng cả hơn 50 héc ta ở đây làm du lịch sinh thái. Tuy nhiên việc đánh giá tác động môi trường, xây dựng dự án đầu tư không đáp ứng được yêu cầu. Họ cũng không nói rõ thời hạn được thuê, rồi trách nhiệm của doanh nghiệp này đối với các Ban quản lý Vườn Quốc gia nên đề án quy hoạch này không đáp ứng được yêu cầu.
Ngoài ra chúng tôi cũng tham gia thẩm định dự án phát triển du lịch sinh thái ở Vườn Quốc gia Bến En. Họ cũng thuê môi trường du lịch. Nhưng quan trọng nhất là xây dựng rất nhiều cơ sở hạ tầng trong Vườn Quốc gia.
Cái thứ hai là không theo quy định, mở đường rất rộng- hơn 20m, không đảm bảo tiêu chí về du lịch sinh thái ở những rừng đặc dụng. Chúng tôi quy định rất rõ trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt: chỉ được lập các tuyến đường mòn, các điểm dừng chân tối đa 1,5m, phân khu vực rừng sinh thái thì những đường theo quy định không tối đa quá 4,5 m. Hiện nay các chủ đầu tư không theo quy định, không đáp ứng tiêu chí phục vụ cho công tác bảo tồn.
PV: Việc phối hợp với chính quyền địa phương để bảo vệ vườn quốc gia và các khu bảo tồn thiên nhiên hiện nay có hiệu quả như thế nào, thưa ông?
Ông Trần Thế Liên: Công tác bảo vệ rừng của các Vườn Quốc gia, Khu bảo tồn được gắn với địa phương rất chặt chẽ. Điển hình là một số Vườn Quốc gia, Khu bảo tồn phía Băc. Chẳng hạn như ở Ba Vì, qua một năm tổng kết đánh giá kết quả công tác bảo vệ rừng tôi thấy rằng việc xử lý vi phạm chỉ xử lý 8 vụ vi phạm/ năm.
Như vậy bảo vệ rừng không có gì bất cập. Rõ ràng sự phối hợp giữa ban quản lý Vườn quốc gia, Khu bảo tồn với chính quyền địa phương rất tốt. Họ biết rằng trách nhiệm của họ với vấn đề bảo vệ các khu rừng đặc dụng này.
Thế nhưng đối với Vườn quốc gia và rừng đặc dụng ở phía Nam thì thực chất đây là vấn đề nan giải và chính quyền địa phương thực chất cũng chỉ giải quyết một số vụ việc lâu dài, thường xuyên vẫn còn lỏng lẻo.
Ví dụ như tại Vườn quốc gai Yok Đôn, mặc dù chính quyền địa phương đã ra tay phối hợp với vườn nhưng thực chất áp lực dân số quá lớn cho nên hiện nay vẫn còn nổi cộm ở một vài vườn quốc gia như Yok Đôn, Cát Tiên và một số vườn quốc gia khác có tài nguyên đa dạng sinh học cao thì sự phối hợp này cần phải chặt chẽ hơn nữa.
Tạo hành lang pháp lý quản lý rừng đặc dụng
PV: Chính phủ ban hành nghị định 117/CP về tổ chức và quản lý rừng đặc dụng, có hiệu lực từ ngày 1/3. Vậy trong năm 2011, việc triển khai nghị định này sẽ được thực hiện ra sao để công tác quản lý, bảo vệ rừng đặc dụng tại Việt Nam đạt hiệu quả, thưa ông ?
Ông Trần Thế Liên: Chúng tôi đã cố gắng hết mình, đã cùng với ban soạn thảo trình chính phủ ban hành nghị định 117 về quản lý hệ thống rừng đặc dụng Việt Nam. Đây là cái gậy rất tốt cho Ban quản lý các khu rừng đặc dụng Việt Nam. Sau gần 50 năm chúng ta mới có một loại văn bản quan trọng như vậy. Nội dung của văn bản thể hiện trong vấn đề quy hoạch và sắp sếp lại bộ máy tổ chức, phát triển nguồn nhân lực.
Nghị định 117 có hiệu lực từ ngày 1/3/2011, góp phần tạo hành lang pháp lý thống nhất về tổ chức quản lý hệ thống rừng đặc dụng trong cả nước, góp phần khắc phục sự chồng chéo trong việc quản lý rừng đặc dụng. Việc tổ chức du lịch sinh thái tại các khu rừng đặc dụng phải được lập thành dự án đầu tư trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
Ngoài ra vấn đề xây dựng một số văn bản quy phạm pháp luật như sửa đổi nghị định 32 về danh mục động thực vật hoang dã quý hiếm cũng đã lâu rồi. Và còn xây dựng một số thông tư liên quan đến nghiên cứu khoa học về bảo tồn thiên nhiên, chúng tôi cũng sẽ tập trung xây dựng.
Tuy nhiên để có các khu rừng đặc dụng hiện nay có định hướng phát triển lâu dài, chúng tôi đã cùng với Bộ Kế hoạch đầu tư để trình chính phủ về quyết định của Thủ tướng Chính phủ về chính sách đầu tư cho các khu rừng đặc dụng. Phải có một chính sách riêng. Trên cơ sở như vậy thì các Ban quản lý mới có thể phát triển được.
Cái thứ ba là chiến lược quản lý hệ thống khu bảo tồn thiên nhiên Việt Nam đến năm 2010 đã kết thúc. Dự kiến năm 2011- 2012 chúng tôi trình Thủ tướng Chính phủ ban hành chiến lược quản lý hệ thống khu bảo tồn thiên nhiên giai đoạn 2011-2020 trình Chính phủ.
Thời gian tới đây chúng tôi cũng đề nghị làm sao có những dự án rõ ràng để chủ đầu tư tuân theo các quy định và khuyến khích các chủ đầu tư có những chính sách ưu đãi rõ ràng để phát triển du lịch sinh thái ở các vườn quốc gia, khu bảo tồn.
Xin cảm ơn ông!