Quan Hóa có hai khu bảo tồn thiên nhiên lớn của quốc gia là Pù Luông và Pù Hu. Đây là nơi sinh sống của nhiều hệ động vật và thực vật quý hiếm, trong đó có nhiều loài nằm trong Sách đỏ của Việt Nam và thế giới.
Với hệ thống hang động, sông hồ đa dạng, phong phú Quan Hóa có điều kiện thuận lợi để phát triển các dịch vụ du lịch thưởng ngoạn và khám phá thiên nhiên. Đây còn là vùng đất có nhiều di tích, lịch sử mang dấu ấn tâm linh, là nơi để con người tìm về với cội nguồn, cầu mong sự phồn thịnh cho đất nước, bình an cho mỗi gia đình như đền thờ Lò Khăm Ban, Đức Ông, Đức Bà,... Không chỉ có vậy, Quan Hóa còn là miền đất sinh sống hàng trăm năm nay của các dân tộc Thái, Mường, Mông, Kinh, Hoa với nhiều nét truyền thống văn hóa, nhiều lễ hội, phong tục, tập quán đặc sắc. Có thể kể đến như lễ hội Mường Ca Da, nhà sàn truyền thống, các điệu xòe, điệu khặp, khua luống... của dân tộc Thái; các món ăn truyền thống mang hương vị thiên nhiên, núi rừng của dân tộc Thái, Mường, Hoa... Những điều nêu trên chính là thế mạnh để Quan Hóa phát triển du lịch cộng đồng kết hợp với du lịch thám hiểm và thưởng ngoạn thiên nhiên.
Về Quan Hóa, trước tiên bạn hãy đến với một địa danh du lịch nổi tiếng đó là Hang Ma – nơi đang được chính quyền địa phương quy hoạch thành khu du lịch sinh thái. Quần thể thiên nhiên Hang Ma – Hang Lụng Mu (hang Hòm) là nơi còn giữ hầu như nguyên vẹn hiện trạng hệ sinh thái cổ, bao gồm các thành phần: Thạch, thổ, thủy, sinh quyển với nhiều địa điểm hấp dẫn, kỳ thú do tạo hóa ban tặng. Đặc biệt, tại hang Lụng Mu, cách đây vài năm các nhà khảo cổ đã phát hiện các mộ phần của người bản xứ, có niên đại hơn 700 năm trên các hang động ở độ cao hàng chục mét. Nhiều câu chuyện huyền bí, linh thiêng về tục huyền táng xưa sẽ là một điểm nhấn khó quên khi du khách thưởng ngoạn quần thể sinh thái này.
Những năm gần đây, Đảng bộ và chính quyền huyện Quan Hóa đã và đang khai thác những tiềm năng nội lực trong phát triển kinh tế rừng và phát triển ngành dịch vụ du lịch cộng đồng nhằm thúc đẩy kinh tế – xã hội phát triển. Năm 2001, Chính phủ Thụy Điển đã hỗ trợ địa phương xây dựng thí điểm Khu Du lịch sinh thái cộng đồng liên núi đá vôi Pù Luông – Cúc Phương tại một số bản của xã Phú Lệ, Phú Thanh. Tại những nơi này, người bản xứ là dân tộc thiểu số làm du lịch đã và đang hình thành và nơi đây cũng đang dần manh nha ngành “công nghiệp không khói”, mang lại thu nhập cao cho người dân và góp phần phát triển kinh tế – xã hội địa phương.
Tại bản Hang, xã Phú Lệ, nhờ dự án phát triển du lịch cộng đồng, nhiều gia đình người Thái đã được đầu tư sửa chữa, nâng cấp nhà sàn truyền thống làm nơi ăn nghỉ, phục vụ khách tham quan, du lịch. Mỗi năm có hàng trăm lượt khách quốc tế đã về với bản Hang. Phần lớn du khách rất ấn tượng và thích thú khi thưởng ngoạn cảnh sắc thiên nhiên và khám phá những nét văn hóa mang đậm sắc thái dân tộc.
Theo điều tra, khảo sát của các ngành có liên quan, hiện Quan Hóa có hàng chục danh lam, thắng cảnh, di tích lịch sử, cộng đồng làng bản văn hóa... có thể khai thác để phát triển thành các dịch vụ du lịch cộng đồng. Tiềm năng để phát triển ngành dịch vụ du lịch ở Quan Hóa đã rõ, tuy nhiên, vấn đề khai thác, sử dụng những tiềm năng này thành ngành kinh tế mũi nhọn vẫn rất khó khăn. Làm gì để du lịch ở Quan Hóa phát triển xứng tầm? Đầu năm 2009, UBND tỉnh đã có quyết định phê duyệt quy hoạch phát triển cơ sở hạ tầng du lịch Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hu, Pù Luông giai đoạn 2008 – 2015. Trong đó, ưu tiên cho việc phát triển không gian du lịch xung quanh các khu bảo tồn, bao gồm: Kinh doanh lữ hành, lưu trú, nghỉ dưỡng, ăn uống, vận chuyển du lịch, vui chơi, giải trí... Tuy nhiên, vì kinh phí thực hiện lên đến hàng chục tỷ đồng, cho nên, việc huy động vốn đầu tư từ các nhà thầu rất khó khăn. Một mặt, địa phương cũng chưa có sự quảng bá mạnh mẽ, các hạng mục cơ sở hạ tầng như đường giao thông, điện, thông tin liên lạc còn hạn chế... cũng là nguyên nhân làm cho việc thu hút vốn gặp trở ngại. Hiện nay, vẫn chưa có công ty lữ hành du lịch nào chọn Quan Hóa là tour du lịch thường xuyên để du khách đến tham quan và nghỉ dưỡng. Nếu có chiến lược quảng bá bài bản, Quan Hóa hoàn toàn có thể phát triển mạnh về du lịch như các địa phương khác có cùng điều kiện và các vùng lân cận ngoài tỉnh như Hòa Bình, Ninh Bình...
Để khai thác và sử dụng tiềm năng du lịch tại các khu du lịch sinh thái Hang Ma – Hang Lụng Mu, khu du lịch sinh học Pha Phanh, khu thắng cảnh hồ Pha Đay, hồ sinh thái Vinh Quang – Mó Tôm Pha Phứng... một cách hiệu quả, có rất nhiều việc phải làm, nhưng trước hết huyện Quan Hóa đang rất cần sự quan tâm đầu tư của các cấp, các ngành có liên quan, trong đó có việc đầu tư cơ sở hạ tầng, tuyên truyền, hướng dẫn, nâng cao nghiệp vụ du lịch cho người dân. Có như vậy, tiềm năng du lịch ở Quan Hóa mới được khai thác có hiệu quả, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội ở địa phương phát triển một cách bền vững.