Cát Bà - khu dự trữ sinh quyển thế giới; Cát Bà- vườn quốc gia. Hai danh hiệu cũng như giá trị thiên nhiên hoang sơ, kỳ thú được bảo tồn và khai thác tương đối hiệu quả nơi đây làm nên sự hấp dẫn du khách. Thành phố và huyện Cát Hải xác định phát triển bền vững du lịch Cát Bà theo hướng tăng cường quản lý, bảo tồn các giá trị thiên nhiên để sớm đưa Cát Bà trở thành di sản thiên nhiên thế giới và công viên địa chất toàn cầu.
Tài nguyên thiên nhiên vô giá
Cát Bà là quần đảo có tới 366 đảo lớn, nhỏ, trong đó đảo chính Cát Bà rộng khoảng 100km² tiếp nối với vịnh Hạ Long, tạo nên một quần thể đảo và hang động trên biển làm mê hồn du khách. Ở đây phát hiện nhiều di tích khảo cổ học thuộc thời kỳ đồ đá mới, những di tích văn hóa Hạ Long và dấu vết của người Việt cổ. Cát Bà tự hào có vịnh Lan Hạ với hơn 100 bãi tắm lớn nhỏ, tuyệt đẹp như: Cát Cò 1, Cát Cò 2, Ðá Bằng, Bến Bèo, Cô Tiên...
Vườn Quốc gia Cát Bà bảo tồn hệ sinh thái rừng nhiệt đới nguyên sinh. Diện tích vườn được quy hoạch bảo vệ 15.200ha, trong đó có 9.800ha rừng, 4.200ha biển. Ðịa hình vườn đa dạng, chủ yếu là dãy núi đá vôi với nhiều hang động kỳ thú và xen kẽ là những bãi cát trắng mịn màng. Các ngọn núi đá vôi có độ cao trung bình 150m, cao nhất là đỉnh Cao Vọng 322m so với mặt biển. Biển Cát Bà có tới 300 loài cá biển, 500 loài thân mềm và giáp xác, trong đó nhiều loại có thể dùng làm nguyên liệu sản xuất hàng mỹ nghệ quý như đồi mồi, tôm rồng, trai ngọc, san hô, vỏ trai, ốc biển...
Vườn Quốc gia Cát Bà vừa có rừng, vừa có biển với nguồn tài nguyên phong phú, cảnh quan đẹp và nhiều loại động thực vật quý hiếm. Theo Giám đốc Vườn Quốc gia Cát Bà Hoàng Văn Thập, rừng Cát Bà thuộc loại rừng nhiệt đới với các kiểu phụ thổ nhưỡng đặc biệt. Rừng trên núi đá vôi chiếm diện tích lớn nhất, xen kẽ là những khu rừng mọc tự nhiên trên núi đất, đặc biệt có khu rừng kim giao mọc tự nhiên. Hệ thực vật ở đây có 620 loài, thuộc 123 họ có giá trị như chó đãi, trai lý, lát hoa, đinh, kim giao... Ðây là những loại cây cần được bảo vệ và phát triển. Hệ động vật ở đây cũng rất phong phú với 20 loài thú, 69 loài chim, 20 loài bò sát và lưỡng cư. Hang động trên đảo Cát Bà cũng rất phong phú, mỗi hang có một vẻ đẹp khác nhau, tạo ra những bức tranh thiên nhiên kỳ vĩ, sống động khiến người xem như lạc vào cõi tiên. Tiêu biểu nhất là hang Luồn, động Trung Trang, động Gia Luận, động Thiên Long... với những nhũ đá muôn hình, muôn vẻ, rất đẹp mắt.
Mỗi người đều có trách nhiệm bảo tồn
Cát Bà là một cụm du lịch thiên nhiên, sinh thái không thể tách rời. Cát Bà hiện vẫn còn đó dáng vẻ nguyên sơ, giữ được sức hấp dẫn với khí hậu trên đảo rất mát mẻ, trong lành, thích hợp cho du lịch nghỉ dưỡng. Chủ tịch UBND huyện Cát Hải Bùi Trung Nghĩa khẳng định: Cát Bà là nơi bảo tồn sự đa dạng sinh học, giữ nguyên vẹn, tổng thể tài nguyên rừng, biển và nước. Do vậy, việc bảo tồn cần thiết và phải có sự tham gia của các cấp, ngành, trong đó phát huy vai trò trung tâm trong bảo vệ rừng và tài nguyên thiên nhiên của người dân. Mỗi người cần có trách nhiệm bảo tồn giá trị thiên nhiên, nguồn gen quý hiếm và đặc biệt là loài voọc Cát Bà đang có nguy cơ tuyệt chủng.
Gần đây, nhờ có sự quản lý và bảo vệ chặt chẽ của các ngành, lực lượng kiểm lâm và sự phối hợp của người dân, nạn chặt phá gỗ, săn, bẫy động vật hoang dã giảm nhiều. Nhưng do lợi nhuận cao, nhu cầu đi kèm với sự phát triển du lịch và nhiều người dân quen sống phụ thuộc vào rừng và công việc săn bắt nên hoạt động này vẫn diễn biến rất phức tạp. Do vậy, theo Giám đốc Vườn Quốc gia Cát Bà Hoàng Văn Thập: “Ngoài tạo việc làm, chuyển đổi nghề nghiệp cho người dân thông qua các dự án du lịch, việc quản lý, bảo tồn giá trị thiên nhiên cần đặt cộng đồng người dân là lực lượng chính. Cụ thể bằng việc giao các hộ dân bảo vệ, được hưởng lợi từ rừng, tài nguyên thiên nhiên để gắn bó, trách nhiệm hơn”. Để nâng cao ý thức, niềm tự hào của người dân, trước hết gắn trách nhiệm, thay đổi nhận thức của lãnh đạo địa phương, cấp trực tiếp có vai trò quan trọng trong công tác vận động, tuyên truyền sâu rộng đến người dân trên địa bàn.