Bảo vệ môi trường là giá trị phát triển doanh nghiệp

Cập nhật: 31/03/2011
Xã hội ngày càng phát triển, mối quan hệ giữa doanh nghiệp và xã hội ngày càng được quan tâm hơn. Mỗi doanh nghiệp đều có cách lựa chọn con đường phát triển cho riêng mình và để có được sự phát triển bền vững, liệu trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp có phải là câu trả lời…

Những thảm họa thiên nhiên liên tiếp trong một vài năm trở lại đây như động đất, sóng thần, núi lửa, bão lũ… đang đặt ra những thách thức lớn lao với con người trong xã hội hiện đại.

Rõ ràng song song với sự phát triển, chúng ta cũng đang phải đối mặt với nhiều vấn đề nan giải, đặc biệt là vấn đề môi trường, đói nghèo, tài nguyên và năng lương... Từ đó những giá trị về “trách nhiệm xã hội,” “phát triển bền vững” được nhắc đến nhiều hơn và trở thành một vấn đề thu hút sự quan tâm của báo chí và các doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp “khôn ngoan” đều lựa chọn cách phát triển bền vững, chia sẻ lợi ích từ công việc kinh doanh cho nhân viên, đối tác và đóng góp chung vào sự phát triển của cộng đồng. Trách nhiệm doanh nghiệp (CSR) giờ không chỉ đơn giản là những hoạt động từ thiện như xây nhà tình nghĩa, thăm trẻ em mồ côi, người già neo đơn… mà còn là lời cam kết của doanh nghiệp đóng góp cho việc phát triển kinh tế bền vững, bao gồm lời cam kết thân thiện với môi trường, quan tâm đến người lao động. Mỗi doanh nghiệp lại có cách khác nhau để thể hiện trách nhiệm xã hội của mình.

Có những doanh nghiệp hướng đến sự phát triển của xã hội như “Tôi yêu Việt Nam” của Honda, “Quỹ hỗ trợ tài năng sinh viên Việt Nam” của Sam Sung, “Vì thế hệ tương lai” của Canon hay chương trình khôi phục thị lực cho người khiếm thị của Ngân hàng Standard Chartered… Những hoạt động này thể hiện mối quan tâm của doanh nghiệp với những vấn đề bức xúc đang được xã hội quan tâm như nghèo đói, bệnh tật, giao thông…

Bên cạnh đó, cũng có không ít những doanh nghiệp thể hiện mối quan tâm của mình với cộng đồng thông qua những hoạt động bảo vệ môi trường. Đặc biệt là trong hoàn cảnh môi trường của chúng ta đang ngày càng bị đe dọa bởi sự phát triển nhanh của quá trình đô thị hóa, các nhà máy, các khu công nghiệp…

Các nhà khoa học trên thế giới và trong nước khẳng định Việt Nam là một trong năm nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng. Hiện nay nhiệt độ Trái Đất mới tăng lên khoảng 0,7 độ C, mực nước biển dâng lên khoảng 20cm, mà trong mấy năm qua, lũ lụt, hạn hán, bão tố ở Việt Nam đã xảy ra thường xuyên hơn với mức độ tàn phá nghiêm trọng hơn.

Những tác hại xấu của thiên tai trong những năm gần đây khiến cho mỗi chúng ta phải giật mình nhìn lại và hành động ngay lập tức vì môi trường.

Do đó, hàng loạt các chiến dịch về bảo vệ môi trường và tài nguyên đã được các tổ chức và doanh nghiệp khởi xướng như “Hành trình xanh” của Toyota, “Vì một Việt Nam xanh” của Canon, tiêu biểu là chiến dịch “Giờ Trái Đất" do Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) đề xướng kêu gọi mọi người tắt điện một giờ để thể hiện sự ủng hộ cho những nỗ lực ứng phó với tình trạng nóng lên trên toàn cầu.

Các doanh nghiệp cũng nhiệt tình hưởng ứng chiến dịch này, không chỉ đơn giản là hưởng ứng hành động tắt đèn trong một giờ, mà quan trọng hơn, là thể hiện trách nhiệm của doanh nghiệp với những hành động thiết thực để tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường.

“Vấn đề là các nguồn năng lượng Việt Nam dùng không phải là vô tận. Nếu không biết tối ưu hóa việc sử dụng năng lượng và tài nguyên, sự tồn tại của cộng đồng, địa phương nơi doanh nghiệp hoạt động sẽ bị đe dọa và kéo theo đó là sự tồn tại của chính doanh nghiệp. Ở thế kỷ 21, tiết kiệm năng lượng là hành động mang tính sống còn của mỗi doanh nghiệp,” ông Mario Lotti, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần bất động sản Hà Quang, đơn vị tài trợ cho "Giờ Trái Đất," tại Nha Trang năm 2011 nhấn mạnh.

Nhiều khách sạn tại Nha Trang cũng đã tích cực tham gia vào chương trình "Giờ Trái Đất" bằng cách khuyến khích khách tắt các thiết bị điện không sử dụng, tắt đèn và dùng nến trong nhà hàng và các khu vực công cộng, tắt đèn chiếu sáng mặt tiền… Đây đều là những hành động tượng trưng mang tính kêu gọi nhưng lại có tác động rất lớn đến việc giáo dục ý thức tiết kiệm năng lượng bảo vệ môi trường.

Như vậy rõ ràng mỗi doanh nghiệp đều có những cách riêng để thể hiện trách nhiệm xã hội của mình để cùng hướng tới sự phát triển chung về môi trường và về xã hội. Và dù lựa chọn cách thể hiện như thế nào, những hoạt động ấy, đều là một trong những nhân tố quan trọng tạo nên giá trị phát triển bền vững của doanh nghiệp, đặc biệt là trong một thế giới “phẳng” nhưng lại ẩn chứa nhiều nguy cơ về môi trường và biến đổi khí hậu như hiện nay.

 

Nguồn: Vietnam+