Nhắc tới địa danh Con Cuông (Nghệ An), du khách gần xa thường nghĩ ngay tới Vườn quốc gia Pù Mát, một thắng cảnh vừa hùng vĩ, vừa nên thơ cùng món đặc sản “Cơm Mường Quạ, cá sông Giăng” được lưu truyền từ bao đời nay. Đặc biệt, vừa qua tổ chức UNESCO chính thức công nhận Khu dự trữ sinh quyển thế giới Tây Nghệ An, trong đó Vườn quốc gia Pù Mát là khu vực trung tâm. Đây chính là cơ hội để huyện Con Cuông thúc đẩy phát triển tiềm năng du lịch.
Lâu nay, du khách vẫn tìm đến với Con Cuông để khám phá những thắng cảnh tuyệt đẹp như thác Khe Kèm, đập Phà Lài, sông Giăng và các loài sinh vật quý hiếm khác. Điều dễ nhận thấy là các tour du lịch khám phá Pù Mát, thời lượng của các tour du lịch ở đây đều không quá một ngày.
Bởi một phần vì thiếu các cơ sở lưu trú, phần khác vì “không còn gì hơn để khám phá” như lời một du khách đến từ Hà Nội. Nhìn nhận một cách khách quan, quả thật du khách đến với Pù Mát chỉ để tham quan một vài thắng cảnh, xem một số loài thú, vào tắm thác Khe Kèm và hóng mát ở đập Phà Lài xem như kết thúc tour.
Nhiều du khách muốn du thuyền dọc sông Giăng để thưởng ngoạn vẻ đẹp hùng vĩ và thơ mộng của phong cảnh đại ngàn, vào đầu nguồn dòng sông để khám phá cuộc sống của tộc người Đan Lai nhưng khi thấy những chiếc thuyền gỗ đơn sơ lại tỏ ra e ngại. Có du khách lại muốn lưu lại vùng Môn Sơn- Lục Dạ để tìm hiểu phong tục và bản sắc văn hóa của bà con dân tộc Thái nhưng không biết phải liên hệ như thế nào...
Trước thực tế vừa nêu, chính quyền địa phương đang đẩy nhanh việc quy hoạch và xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ nhu cầu ăn nghỉ, vui chơi và khám phá của du khách. Xu hướng phát triển du lịch hiện nay là kết hợp du lịch sinh thái- cộng đồng và tâm linh. Nghĩa là bên cạnh việc bảo vệ các danh lam, thắng cảnh và các loài sinh vật quý hiếm cần đẩy mạnh công tác bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc, đồng thời tiến hành trùng tu, tôn tạo và phục dựng hệ thống các công trình văn hóa tâm linh.
Vùng Mường Quạ (xã Môn Sơn và Lục Dạ) là nơi cư trú lâu đời của bà con dân tộc Thái. Đây là một lòng chảo khá rộng lớn và trù phú, người dân nơi đây vẫn còn lưu giữ được ít nhiều nét đẹp văn hóa cổ truyền. Từ phong tục cưới hỏi, lễ tết, trang phục đến những làn điệu dân ca mượt mà, sâu lắng vẫn được bà con quan tâm bảo tồn, gìn giữ.
Từ những năm trước, ở Con Cuông đã thành lập được một số CLB Dân ca - Nhạc cụ dân tộc Thái với mục đích bảo tồn bản sắc âm nhạc dân tộc và triển khai xây dựng một số làng văn hóa thuần Thái với mục đích bảo tồn không gian văn hóa Thái.
Đồng thời, nghề dệt thổ cẩm của chị em phụ nữ Thái cũng bước đầu đã được hồi sinh ở Con Cuông. Đó chính là những điều kiện thuận lợi để kết hợp phát triển du lịch cộng đồng. Như đã nói, Mường Quạ là vùng đất cổ, các cụ già cho biết nơi đây từng có nhiều ngôi đền linh thiêng, gắn liền với truyền thuyết về những con người khai bản, lập mường và bảo vệ nhân dân trước thiên tai và giặc dã. Trải qua những bước thăng trầm của lịch sử, nay những ngôi đền không còn nữa. Có thể nói, việc tìm hiểu, nghiên cứu và phục dựng các ông trình văn hóa tâm linh là điều cần thiết, trước hết là để giáo dục truyền thống và cũng là một “điểm đến” của du khách.
Huyện Con Cuông đang hình thành các tour để du khách vừa có điều kiện khám phá vẻ đẹp thiên nhiên, vừa có điều kiện tìm hiểu cuộc sống và phong tục thông qua việc tổ chức giao lưu với các CLB Dân ca - Nhạc cụ dân tộc và các làng nghề dệt thổ cẩm, đồng thời phục dựng các công trình văn hóa tâm linh để du khách có cơ hội tìm về truyền thống và cội nguồn văn hóa địa phương và thỏa mãn nhu cầu tâm linh.