Khu sinh thái Vàm Sát - Cần Giờ: Phát triển đi đôi với bảo vệ môi trường

Cập nhật: 22/06/2011
Khu sinh thái Vàm Sát - Cần Giờ là một quần thể rừng ngập mặn nằm trong khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ, huyện Cần Giờ, TP.HCM đang thu hút sự chú ý của du khách, đặc biệt là khách nước ngoài qua những hành trình khám phá cả bằng đường thuỷ lẫn bộ.

Hoang sơ

Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, nơi đây đã từng một thời là vùng đất chết, bởi bom đạn và chất hoá học do chiến tranh gieo rắc… Hơn 30 năm sau, mảnh đất ấy đã hồi sinh, tràn đầy sức sống và trở thành một trong những rừng dự trữ sinh quyển lớn trên thế giới với diện tích 602ha. Trong đó, vùng lõi là 126ha, vùng đệm 476ha.

Hiện nay, Vàm Sát có hơn 26 loài chim, trong đó có 11 loài chim nước, 9 loài có nguồn gốc tự nhiên là: cò trắng, cò đen, cò xám, điên điển… và 2 loài nuôi là giang sen và già đãy. Tổng đàn chim là trên 7.000 con. Theo lời các cụ thâm niên nơi đây kể lại thì Sân Chim đã từng xuất hiện hơn 100 năm về trước, nhưng sau này do chiến tranh, rừng bị tàn sát nên chim, cò cũng biến mất. Sân Chim chỉ mới dần quy tụ lại từ những năm đầu thập kỷ 90 và phát triển đông đúc cả về số lượng và chủng loại từ năm 2000.

Nhiều du khách đến nơi này không thể nào bỏ quên Đầm Dơi với phong cảnh thiên nhiên đẹp như tranh vẽ. Đi sâu vào trong Đầm Dơi chúng ta sẽ bắt gặp những đàn dơi quạ ẩn mình bên trong tán lá trên ngọn đước cao. Chúng là loài khá nhạy cảm với môi trường, chỉ nơi nào thực sự an toàn chúng mới tới cư ngụ.

Ngoài Sân Chim, Đầm Dơi, Vàm Sát còn có khu bảo tồn động vật hoang dã như: nai, heo rừng, trăn, kỳ đà… nhằm giúp du khách hiểu thêm về vùng đất này.

Tháng 7/2003, Tổ chức Du lịch Thế giới UNWTO đã công nhận KDL sinh thái rừng ngập mặn Vàm Sát là một trong hai KDL sinh thái bền của thế giới tại Việt Nam.

Phát triển cần đi đôi với bảo vệ môi trường

Bài học mà con người ngày nay đang phải trả giá khá đắt chính là sự tàn phá thiên nhiên. Đối với rừng Vàm Sát cũng vậy, khi nơi này trở thành tâm điểm thu hút lượng khách ngày càng đông, đi kèm với các loại hình dịch vụ du lịch giải trí thì những “lo lắng” trên không phải là không có cơ sở.

Mặc dù, hình thức du lịch sinh thái đã được đẩy mạnh từ nhiều năm qua, nhưng những ý kiến xung quanh vấn đề này vẫn còn nhiều bàn cãi. Có người cho rằng, không nên phát triển hình thức du lịch sinh thái ở đây, nhưng cũng có nhiều ý kiến cho rằng, với những tiềm năng vốn có như Vàm Sát mà không khai thác được du lịch sinh thái thì thật là lãng phí, chúng ta phải thông qua đó để góp phần quảng bá về hình ảnh của du lịch Việt Nam không chỉ có môi trường du lịch thân thiện mà còn có quần thể sinh vật phong phú, đa dạng.

Ông Nguyễn Văn Mỹ, Giám đốc Công ty Du lịch Lửa Việt cho biết, nhiều nước không có những lợi thế như chúng ta nhưng họ đã tận dụng xây dựng được những loại hình du lịch nghỉ dưỡng rất hiệu quả, ví dụ như ở Singapore, chỉ với một đoạn sông ngắn, khoảng hơn 500m nhưng người ta đã tạo ra một KDL sầm uất trên bến dưới thuyền. Chúng ta có rừng Vàm Sát với những tiềm năng lớn mà không biến nó trở thành KDL sinh thái thì quả là lãng phí.

Đại diện Sở VHTTDL TP.HCM cũng cho rằng, việc tận dụng lợi thế tự nhiên để phát triển du lịch sinh thái đã được nhiều nước trên thế giới làm rất tốt. Ở Việt Nam cũng đã gặt hái được những kinh nghiệm đáng kể, nhưng bên cạnh đó vẫn có những nỗi lo việc tự nhiên bị xâm hại, vì chúng ta vẫn thiếu một quy chế quản lý nghiêm ngặt. Đồng thời, ý thức của người dân cũng chưa cao trong việc coi trọng nguồn tài nguyên tự nhiên. Đây là nguồn “vàng trắng” mà chúng ta khai thác phải đi đôi với việc tu bổ, để dành cho thế hệ mai sau.

Thực tế thì sau một thời gian đi vào khai thác phục vụ cho phát triển du lịch, Vàm Sát cũng đang bị ảnh hưởng theo chiều hướng tiêu cực. Một số khu rừng bị xẻ ngang, xẻ dọc phục vụ cho việc làm đường, ngăn đập tích nước nuôi tôm… đã khiến rừng ngập mặn bị thu hẹp gần 50ha; môi trường sống của các loài động vật cũng bị thu hẹp, đó là chưa kể chúng sẽ bị tác động khi có sự xuất hiện ngày nhiều của khách tham quan.

Theo TS. Viên Ngọc Nam, Chi cục Phát triển lâm nghiệp, Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn TP.HCM, điều lo ngại trước mắt là rừng đước ở Vàm Sát đang bị già hóa, tuổi thọ trung bình của cây đước là 22 tuổi, trong khi đó, rừng đước ở đây phần lớn quá tuổi từ 2-5 năm, nên nguy cơ rừng già hàng loạt đương nhiên xảy ra. Mối lo lâu dài chính là việc nếu nơi đây trở thành KDL sinh thái nghỉ dưỡng cao cấp, khi đó sự xuất hiện của hệ thống dịch vụ nhà hàng, biệt thự… sẽ xé nát rừng đước. Do đó, việc khai thác rừng Vàm Sát gắn với du lịch sinh thái cần phải cân nhắc, không được phát triển loại hình dịch vụ nghỉ dưỡng ở đây, hạn chế phát triển những dịch vụ đi kèm càng tốt. Bên cạnh đó, việc tu bổ, trồng mới nhằm trẻ hóa rừng phòng hộ cần phải được đẩy mạnh hơn nữa.

Khi Vàm Sát càng được nhiều du khách biết tới cũng đồng nghĩa với nỗi lo và trách nhiệm bảo vệ rừng sác của Ban quản lý rừng phòng hộ Cần Giờ càng nặng nề hơn. Điều quan trọng nhất là khai thác du lịch phải đi đôi với những biện pháp bảo vệ hiệu quả để rừng không mất đi mà du khách cũng có dịp được chiêm ngưỡng, thưởng thức những giá trị do rừng đem lại.

Nguyễn Thành

 

Nguồn: DLO