Hải Phòng tăng cường bảo tồn đảo Cát Bà

Cập nhật: 22/06/2011
Thành phố Hải Phòng đang tăng cường công tác bảo tồn đa dạng sinh học khu Dự trữ sinh quyển Cát Bà theo phương châm “Bảo tồn để phát triển, phát triển để bảo tồn” nhằm sớm đưa Cát Bà trở thành trọng điểm du lịch, Di sản thiên nhiên thế giới và Công viên địa chất toàn cầu…

Vẻ đẹp thanh bình ở khu sinh quyển Cát Bà

Cát Bà có tầm quan trọng quốc gia và quốc tế về các giá trị đa dạng sinh học với 3154 loài động và thực vật. Trong đó có tới 60 loài thực vật và 22 loài động vật quí hiếm. Cát Bà có khu vực biển, đảo rộng lớn với hơn 20.000ha đã được Thủ tướng phê duyệt là một trong 16 khu bảo tồn biển có tầm quan trọng quốc gia và quốc tế. Vùng biển Cát Bà, nhất là khu vực vịnh Lan Hạ (rộng hơn 9000ha thuộc khu Dự trữ sinh quyển) là một trong những khu vực có đa dạng sinh học cao nhất vịnh Bắc Bộ. Vịnh Lan Hạ là nơi có nhiều hệ sinh thái tiêu biểu như rạn san hô, thảm cỏ biển, với nhiều loài quí hiếm như vích, đồi mồi, cá heo lớn… Đặc biệt, nơi đây vẫn còn lưu giữ được các khu vực nguyên sơ như Hang Cá, Hang Tối, Hồ Ba Hầm, Vụng Vua, Tùng Giỏ. Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cát Bà còn là nơi hội tụ của đảo đá vôi lớn nhất ven biển Việt Nam. Nhiều dãy núi trùng điệp xen lẫn các đảo và các hang động huyền bí, kỳ ảo như Thiên Long, Trung Trang, Đá Hoa và nhiều bãi tắm đẹp thơ mộng như Cát Cò, Cát Tiên, Cát Dứa, Cát Vàng. Cát Bà còn lưu trữ nhiều giá trị văn hóa – khảo cổ – lịch sử độc đáo như di chỉ Cái Bèo, đền thờ Cát Bà, đình Hoàng Châu, thành Nhà Mạc và nhiều lễ hội văn hóa đặc sắc. Hàng năm, Cát Bà thu hút hàng triệu lượt khách du lịch trong nước và quốc tế.

Với những yếu tố nêu trên, Cát Bà hội đủ các điều kiện của một Công viên địa chất tầm cỡ thế giới và khu vực, đáp ứng đầy đủ các tiêu chí về địa chất, địa mạo, văn hóa, sinh thái... Trong năm 2011, Hải Phòng đang tích cực xúc tiến đề xuất UNESCO công nhận Cát Bà là Di sản thiên nhiên thế giới và Công viên địa chất toàn cầu.

Kể từ khi được công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới, các hoạt động bảo tồn tại quần đảo Cát Bà được TP. Hải Phòng quan tâm sâu sát hơn và có sự tham gia của cộng đồng địa phương. 6 xã và 1 thị trấn trên đảo đã thành lập các Ban chỉ đạo quản lý bảo vệ rừng và tổ tuần tra bảo vệ rừng của cộng đồng.

Quần đảo Cát Bà cũng nhận được sự hỗ trợ tích cực của các tổ chức quốc tế cho hoạt động bảo tồn và phát triển cộng đồng như Dự án Bảo tồn Voọc Cát Bà của ZGAP và Vườn thú Muenster (Đức), Chương trình Bảo tồn Di sản thiên nhiên khu vực (RNHP) của quỹ Australia vì nhân dân châu Á và Thái Bình Dương (AFAP). Tuy nhiên, công tác bảo tồn hiện nay ở Cát Bà cũng đang đối mặt với một số thách thức từ sự biến đổi khí hậu và áp lực phát triển nóng về du lịch, thủy sản. Vì vậy, bên cạnh sự nỗ lực của địa phương trong việc đề xuất Cát Bà là Di sản và công viên địa chất thế giới, Cát Bà thực sự rất cần sự trợ giúp của các nhà khoa học, các nhà tài trợ trong và ngoài nước.

Lê Hiệp

 

Nguồn: DLO