Việc phát triển, mở rộng các khu du lịch sinh thái gắn với các ngôi nhà cổ đã đưa Tiền Giang trở thành tỉnh có tỷ lệ khách quốc tế tăng cao của vùng ĐBSCL với mức tăng trên 10%/năm (từ 323.053 lượt khách năm 2000 đã lên đến 960.991 lượt khách năm 2010, trong đó có tới 472.839 lượt khách quốc tế).
Theo lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tiền Giang, chính sự gắn kết giữa du lịch sinh thái sông nước và những ngôi nhà cổ đã mang đến cho du lịch Tiền Giang một diện mạo mới. Hiện nay, cùng với xu thế phát triển du lịch trong vùng và cả nước, Tiền Giang đang tiếp tục đầu tư phát triển, mở rộng các khu du lịch nhưKhu du lịch biển Tân Thành, Khu du lịch cù lao Thới Sơn, Khu du lịch chợ nổi Cái Bè…, để đến năm 2020 Tiền Giang thực sự là hình mẫu lý tưởng trong việc phát triển loại hình du lịch sinh thái sông nước gắn với các nhà cổ của du lịch ĐBSCL.
Để thực hiện được mục tiêu này, tỉnh Tiền Giang đang có dự án quy hoạch và đầu tư xã Đông Hòa Hiệp thuộc huyện Cái Bè trở thành làng cổ để hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.
Sở dĩ Đông Hòa Hiệp được chọn để bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống vùng Nam bộ vì nơi đây được bao bọc bởi sông Cái Bè, nhiều kênh rạch và các khu vườn cây ăn trái đặc sản nổi tiếng. Đặc biệt, với vị thế nằm trong Dự án phát triển du lịch cộng đồng thuộc Dự án phát triển du lịch Mê Kông, có bến tàu thủy du lịch Cái Bè, nằm cạnh tỉnh Vĩnh Long và Bến Tre nên Đông Hòa Hiệp rất phù hợp để nối tuyến liên kết phát triển du lịch. Hơn thế, nơi đây còn có rất nhiều ngôi nhà cổ có niên đại hàng trăm năm với lối kiến trúc độc đáo như nhà cổ ông Cai Huy, ông Ba Đức, ông Trần Tuấn Kiệt… Trong đó, ngôi nhà cổ của ông Kiệt đã được Tổ chức Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ 1,8 tỷ đồng trùng tu năm 2002. Ngôi nhà cổ này rộng trên 1.000 m2, gồm 5 gian, cất theo hình chữ đinh với trên 100 cây cột bằng gỗ quý, được các nhà khảo cổ Nhật Bản xếp vào loại “cửu đại mỹ gia” ở Việt Nam.Các ngôi nhà cổ ở Đông Hòa Hiệp - huyện Cái Bè là điểm đến quan trọng trong hành trình khai thác tour của nhiều công ty kinh doanh du lịch lữ hành hiện nay. Hiện đã có công ty lữ hành thiết kế tour tham quan miền quê, sông nước, cánh đồng lúa mênh mông và nghỉ đêm tại các ngôi nhà cổ ở Đông Hòa Hiệp, thu hút được khá đông khách du lịch, đặc biệt là khách quốc tế.
Để phát huy hơn nữa hiệu quả của loại hình du lịch này, theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tiền Giang, với cảnh quan sông nước, vườn cây trái mênh mông của vùng nông thôn Nam bộ, cần quy hoạch, xây dựng làng cổ Đông Hòa Hiệp trên cơ sở bảo tồn, phát triển những ngôi nhà cổ gắn với vườn cây ăn trái của địa phương. Trong đó, coi trọng nét đặc thù, mang tính độc đáo riêng của làng cổ vùng Nam bộ; đồng thời nâng cao nhận thức cho cộng đồng về bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng trong quá trình thực hiện quy hoạch xây dựng làng cổ, gắn xây dựng với phát triển du lịch; nâng cao đời sống cộng đồng dân cư và góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Như vậy sẽ làm cho người dân có nhận thức đầy đủ hơn trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển làng cổ gắn với phục vụ khách du lịch.
Tỉnh Tiền Giang nói chung và Đông Hòa Hiệp nói riêng với đặc thù là nhiều kênh rạch, vườn cây ăn trái nên việc đầu tư cơ sở hạ tầng nhỏ như nạo vét kênh rạch, xây dựng cầu tàu, đường giao thông nội bộ… rất quan trọng để thúc đẩy, hỗ trợ cộng đồng trong việc giữ gìn, trùng tu, tôn tạo, sửa chữa các ngôi nhà cổ, kết hợp với phát triển vườn cây ăn trái để tạo ra sản phẩm du lịch đặc trưng, riêng biệt cho địa phương. Thêm vào đó, cần tăng cường giới thiệu, quảng bá làng cổ để thu hút du khách, khai thác gắn với phát triển du lịch sông nước miệt vườn… Chính những điều đó sẽ góp phần xây dựng nên những sản phẩm du lịch mới, đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách, góp phần tích cực thúc đẩy phát triển du lịch bền vững ở Tiền Giang./.