Lễ hội đình làng Hải Châu lần thứ IV-2012 sẽ chính thức diễn ra vào ngày 30 và 31/3 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch) với nhiều hoạt động nhằm gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa, hướng về cội nguồn.
Ngôi đình giữa lòng thành phố
Theo gia phả tộc Nguyễn Văn, một trong 43 tộc họ của làng Hải Châu, các bậc tiền hiền khai khẩn, hậu hiền khai canh làng Hải Châu vốn có nguồn gốc từ làng Hải Châu (thuộc huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa) đã theo vua Lê Thánh Tông vào Nam khai phá đất đai, lập nên làng Hải Châu và dừng chân tại vùng đất này vào cuối thế kỷ 15.
Năm Gia Long thứ 5 (1804), các hương chức làng Hải Châu xin vua Gia Long lập đình thờ Thành Hoàng làng và các vị tiền hiền, hậu hiền của làng (lần thứ nhất) tại khu đất Nghĩa Lợi bên bờ sông Hàn. Đến năm 1858, đình bị hư hại nặng do chiến tranh. Năm 1860, nhân dân xây dựng lại đình (lần thứ 2) tại khu đất nay là Trường Cao đẳng Y tế Trung ương. Đến năm 1903, do nạn dịch đậu mùa, người Pháp sử dụng ngôi đình làm nơi điều trị bệnh nhân. Năm 1904, theo đơn của dân làng, người Pháp trả lại đình. Tuy nhiên, dân làng Hải Châu cho rằng, đình làng đã bị ô uế nặng nên làm đơn dâng lên vua Thành Thái xin cho xây dựng lại ngôi đình tại vị ví hiện nay (tổ 3, phường Hải Châu 1, quận Hải Châu). Đình tồn tại đến ngày nay bao gồm: đình làng, nhà thờ tiền hiền, nhà thờ 43 Chư phái tộc, Miếu Bà (thờ Thánh mẫu Thiên Y Ana), cổng tam quan và một hồ sen.
Qua bao biến thiên, thăng trầm của lịch sử, đình làng Hải Châu đã được Bộ VH-TT&DL công nhận là Di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia vào năm 2001. Đến năm 2005, việc tu sửa với quy mô lớn nhất (tại thời điểm lúc bấy giờ) đã làm ngôi đình có một số thay đổi nhưng vẫn giữ được kiến trúc ban đầu và bảo đảm tuổi thọ lâu dài cho di tích này. Hiện nay, trong đình còn rất nhiều hoành phi và liễn đối bằng chữ Hán, được sơn son thếp vàng, có niên đại hàng trăm năm. Trong đó, sớm nhất là bức hoành phi vào năm Gia Long thứ 17 (1818) với 4 chữ “Vạn Cổ Anh Linh”, 3 tấm bia bằng đá cẩm thạch, khắc các bài ký bằng chữ Hán. Một bia được lập vào năm Tự Đức thứ 14 (1861). Hai bia còn lại được lập vào năm Bảo Đại thứ I (1925)… Những hiện vật còn lại là những tư liệu quý, là minh chứng lịch sử cho những nhà nghiên cứu và du khách hiểu thêm về lịch sử, văn hóa của địa phương.
Hướng về cội nguồn
Sau hơn 30 năm vắng bóng, 4 năm gần đây, lễ hội đình làng Hải Châu được khôi phục với quy mô ngày càng lớn. Năm nay, bên cạnh các phần lễ chính (theo nghi lễ truyền thống) như lễ Vọng, lễ Chánh tế…, phần hội cũng sẽ được tổ chức sôi nổi với các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao như múa lân, thả chim bồ câu, hội thi làm lồng đèn; liên hoan nghệ thuật quần chúng, bao gồm: Hát múa dân ca, thời trang các dân tộc Việt Nam… Ngoài ra, trong phần hội còn diễn ra thi đấu các môn thể thao dân tộc như thi kéo co, đẩy gậy, nhảy bao bố tiếp sức, cờ tướng…
Ông Mai Công Nghị, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin quận Hải Châu, cho biết việc khôi phục và duy trì lễ hội đình làng Hải Châu vừa nhằm thỏa mãn đời sống văn hóa tinh thần cho người dân Hải Châu, qua đó bổ sung, làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần của người dân thành phố Đà Nẵng. Đây còn là cơ hội để kêu gọi, phát huy trách nhiệm xã hội, trách nhiệm cộng đồng trong công tác bảo tồn các di sản văn hóa, từng bước đưa lễ hội đình làng Hải Châu trở thành sản phẩm du lịch văn hóa độc đáo, hướng về cội nguồn, góp phần hình thành môi trường du lịch lành mạnh để phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nếp sống văn hóa - văn minh đô thị./.
Sở VH,TT&DL Đà Nẵng