Phát triển du lịch xanh, bền vững, thân thiện với môi trường được nhiều nước trên thế giới áp dụng. Mô hình này cũng đã được triển khai ở nước ta nhưng khó nhân rộng vì sự nhận thức chưa đầy đủ.
Hướng phát triển tất yếu
Trước tình trạng gia tăng dân số, ô nhiễm môi trường đến mức báo động, sự tăng trưởng xanh theo hướng bền vững, thân thiện với môi trường là yêu cầu bức thiết đối với mọi ngành kinh tế. Du lịch không phải ngoại lệ bởi ngành này phải khai thác vẻ đẹp của tự nhiên và chiều sâu của lịch sử, văn hóa để phát triển. Với mong muốn gìn giữ nét đẹp cổ kính cho đất Cố đô, tỉnh Thừa Thiên Huế đã chủ động xây dựng một số điểm đến xanh như làng cổ Phước Tích, hoa giấy Thanh Tiên, khám phá Tam Giang… Khách đến làng cổ Phước Tích phải gửi xe ở khu vực bên ngoài và đi bộ tham quan, tìm hiểu về làng; khách muốn khám phá phá Tam Giang bắt buộc phải đi xe đạp, trồng một cây xanh. Tỉnh cũng đang xây dựng dự án cải tạo sông Ngự Hà, hệ thống ao hồ trong Kinh thành, giải tỏa dân cư trên Thượng Thành, giảm mật độ dân số khu vực Thành Nội... góp phần xây dựng môi trường du lịch bền vững.
Hà Nội cũng đã áp dụng mô hình du lịch xanh, như đưa du khách khám phá phố cổ, dạo quanh hồ Tây bằng xe điện, bố trí cho khách đi tìm hiểu phong tục, tập quán, văn hóa, ẩm thực của làng cổ Đường Lâm bằng xe đạp... Ngành du lịch Thủ đô cũng sắp trình làng một số sản phẩm "du lịch xanh" mới như homestay, du lịch sinh thái (Sóc Sơn), du lịch tâm linh, ăn nghỉ tại nhà dân (huyện Ba Vì)… "Những dự án du lịch xanh này đi vào hoạt động sẽ đem lại lợi ích kép cho Hà Nội, vừa giúp Thủ đô phát triển kinh tế lâu dài, bền vững, vừa tạo nên một hình ảnh Hà Nội thật đẹp trong mắt du khách, điều mà du lịch thành phố đang rất cần hiện nay", ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL Hà Nội khẳng định.
Không chỉ có các địa phương, Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 xác định rõ: "Tập trung đầu tư phát triển các loại hình, sản phẩm du lịch có thể là thế mạnh về tài nguyên du lịch của đất nước và của từng địa phương. Ưu tiên phát triển loại hình du lịch gắn với biển, hải đảo; nhấn mạnh yếu tố văn hóa và sinh thái đặc sắc trong sản phẩm du lịch. Tập trung phát triển các khu du lịch biển tầm cỡ, chất lượng cao, tạo thương hiệu và có sức cạnh tranh trong khu vực và trên thế giới". Như vậy, việc phát triển sản phẩm du lịch biển xanh đã được đặt ra nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch biển Việt Nam.
Nhưng khó nhân rộng
Du lịch xanh là hướng đi tất yếu của ngành du lịch Việt Nam và hiệu quả của mô hình này cũng đã được chứng minh trên thực tế, nhưng rất khó để nhân rộng.
Ông Phan Tiến Dũng, Giám đốc Sở VH,TT&DL tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng: "Ngành du lịch xanh chỉ có thể tăng trưởng khi nhận được sự quan tâm từ nhiều phía (người dân, các công ty kinh doanh du lịch và các cơ quan quản lý nhà nước). Vậy nhưng, công tác quy hoạch, phát triển sản phẩm du lịch của tỉnh Thừa Thiên Huế chưa đề cập đến mô hình du lịch xanh dù nó đang có xu hướng gia tăng, chưa có chính sách khuyến khích người dân, doanh nghiệp tham gia chương trình xây dựng sản phẩm du lịch xanh. Các mô hình du lịch xanh đang triển khai trên địa bàn tỉnh là nhờ sự hỗ trợ của tổ chức SNV (Hà Lan) nên mô hình này khó có thể duy trì khi dự án kết thúc. Không những thế, các điểm du lịch xanh đang gặp khó khăn về hạ tầng cơ sở, năng lực hoạt động của người dân, dịch vụ lưu trú". Đây cũng là điểm yếu của ngành du lịch Thủ đô trên lộ trình hướng tới sự bền vững.
Nghiên cứu về mô hình du lịch biển xanh, ông Phạm Trung Lương, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch khẳng định: Tài nguyên du lịch biển Việt Nam có những đặc tính để phát triển thành sản phẩm xanh đặc thù, nhưng trên thực tế nó đã không được khai thác hợp lý, thậm chí còn bị "biến dạng" bởi những "ý tưởng" thiếu căn cứ khoa học. Ví dụ điển hình là du lịch biển Hạ Long - nơi cảnh quan tự nhiên được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới đã bị biến dạng bởi sự phát triển của những bãi biển nhân tạo, bởi sự thu hẹp không gian vịnh do các công trình dịch vụ du lịch, bởi hệ thống chiếu sáng trong các hang động... Hơn nữa, tính "xanh" trong các dịch vụ du lịch (vận chuyển khách trên vịnh, dịch vụ lưu trú...) chưa được các doanh nghiệp quan tâm và lồng ghép vào các tour du lịch.
"Sự cạnh tranh về du lịch giữa các quốc gia chưa bao giờ mạnh mẽ như hiện nay và Việt Nam đang trở thành điểm đến của thế giới. Vì thế, du lịch Việt Nam muốn phát triển bền vững phải dựa vào sự bền vững, tức là phải chuyển sự tăng trưởng từ nóng sang xanh, từ sự thiếu bền vững sang bền vững, từ sự tăng trưởng bề rộng sang bề sâu", ông Thái Quang Trung, Chủ tịch Hệ thống Thế Giới Xanh nhận định.