Du lịch biển đang là thế mạnh của ngành du lịch Việt Nam. Do đó, chúng ta cần phải có giải pháp bảo vệ và hạn chế tối đa mức độ ô nhiễm.
Bờ biển dài trên 3.000 km, hàng nghìn hòn đảo lớn nhỏ, một loạt bãi tắm cát trắng, nước trong xanh là những điều kiện thuận lợi giúp du lịch biển Việt Nam phát triển. Du lịch biển đang trở thành một chiến lược phát triển của ngành du lịch, nhằm phát triển kinh tế, tăng thu nhập cho người dân, tăng nguồn ngân sách Trung ương và địa phương.
Du lịch biển cần có những biện pháp bảo vệ môi trường để phát triển.
Trong giai đoạn từ 2006 đến 2010, khách du lịch quốc tế đến tham quan, nghỉ dưỡng tại các tỉnh ven biển chiếm trên 70%. Riêng thu nhập từ du lịch biển đảo đã chiếm tới 70% doanh thu của ngành. Du lịch biển cũng được khẳng định là một trong 5 hướng đột phá về phát triển kinh tế biển và ven biển. Tuy nhiên, thực tế, một trong những yếu tố gây cản trở sự phát triển ngành này là vấn nạn ô nhiễm.
Dọc bờ biển Việt Nam có khoảng 125 bãi biển, thuận lợi cho việc phát triển du lịch, trong đó, hơn 30 bãi biển đã được đầu tư và khai thác. Nhưng, trong vài năm gần đây, tại vùng biển Nam Trung Bộ, đặc biệt là tại Khánh Hoà, Ninh Thuận, ven bờ biển xuất hiện các lớp nhầy màu xám đen dày cả gang tay, trộn với xác chết của sinh vật, gây ô nhiễm nghiêm trọng.
Tại Bình Thuận, chất thải từ đất liền theo bảy dòng sông lớn đổ ra biển rồi bị sóng đánh tấp vào bờ gây ô nhiễm các bãi tắm, khu du lịch. Đặc biệt, tại vịnh Phan Thiết, chất thải từ sông Cà Ty và sông Cái đổ ra ứ đọng dài ngày với nhiều loại rác sinh hoạt, sản xuất, chế biến thủy sản. Bãi biển Thuận An đang dần trở thành một “bãi rác” lớn. Dọc bãi biển có rất nhiều các loại rác thải, từ túi nilon, bao bì, vỏ bánh kẹo đến vỏ bánh lọc, vỏ hoa quả, hộp sữa… Rác thải ra đã gây ô nhiễm nghiêm trọng bờ biển, gây ấn tượng không tốt cho du khách đến tham quan.
Những nguyên nhân dẫn đến tình trạng ô nhiễm này là: các cơ sở kinh doanh du lịch chưa có hệ thống xử lý nước thải; du khách vứt rác tùy tiện; những người bán hàng rong không thu nhặt thức ăn thừa khách vứt trên bãi cát... Ngoài ra, lượng chất thải sinh hoạt tăng nhanh, phần lớn chưa được xử lý, hoặc xử lý bằng phương pháp chôn lấp, vì vậy ảnh hưởng rất lớn đến cảnh quan, môi trường tự nhiên, chất lượng các nguồn nước. Hệ thống xử lý nước thải, rác thải sinh hoạt tại các điểm du lịch, bãi tắm hiện yếu kém. Nhiều điểm du lịch chưa làm hệ thống xả nước bẩn, không có thùng đựng rác công cộng.
Một nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới năm 2008 dự báo, mỗi năm, Việt Nam đang mất đi ít nhất 69 triệu USD thu nhập từ ngành du lịch do hệ thống xử lý vệ sinh kém. Ô nhiễm môi trường cũng làm giảm đi sức thu hút khách của ngành du lịch.
Để khắc phục, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, du lịch biển cần sự tham gia của các cấp, các ngành và mọi thành phần của xã hội. Tuy nhiên, trong bài viết nay, người viết muốn đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp phải ý thức và xem chống ô nhiễm như một hình thức cạnh tranh.
Các địa phương trọng điểm về du lịch cần tăng cường chiến dịch truyền thông, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho doanh nghiệp kinh doanh lữ hành, cơ sở lưu trú du lịch và đội ngũ cán bộ, nhân viên nhà hàng, khách sạn trong việc bảo vệ môi trường sinh thái, sử dụng tiết kiệm tài nguyên và giảm thiểu tác động đến môi trường.
Đi đôi với việc khuyến khích, các cơ sở lưu trú du lịch chú trọng sử dụng nguồn năng lượng sạch và có hệ thống xử lý rác thải phù hợp. Ngoài ra, địa phương cần có biện pháp “mạnh tay” hơn đối với các nhà hàng, khách sạn, resort, khu vui chơi, giải trí gây ô nhiễm môi trường.
Dưới đây, tôi xin đề cập một số giải pháp cụ thể:
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục bảo vệ môi trường biển dưới nhiều hình thức cho những người làm du lịch và du khách tham quan
- Các cơ sở dịch vụ du lịch phải hoàn thiện xử lý nước thải trước khi đưa vào hệ thống thải chung của thành phố. Các đơn vị phải có thùng rác nắp đậy phân loại chất thải rắn.
- Khuyến khích và dán nhãn du lịch môi trường cho những doanh nghiệp, tăng cường trồng cây xanh tại các cơ sở kinh doanh du lịch, tạo cảnh quan sinh thái phát triển hình thức du lịch sinh thái
- Có chính sách ưu tiên, ưu đãi đối với các dự án du lịch sinh thái, du lịch biển và các đơn vị áp dụng công nghệ môi trường
- Quy định trách nhiệm bảo vệ môi trường cho các cá nhân, tổ chức trong quá trình kinh doanh dịch vụ du lịch.