Pù Luông mong chính sách 

Cập nhật: 06/08/2012
Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông (Thanh Hóa) thành lập vào tháng 4/1999 đã tạo ra cơ hội lớn để người dân nơi đây phát triển thương mại, dịch vụ và du lịch nhưng cũng đặt ra những thách thức do thiếu đất canh tác, không được tận thu những nguồn lợi từ rừng mang lại… vì vậy đời sống người dân hiện đang gặp rất nhiều khó khăn.

Cuộc sống người dân vùng lõi của Khu Bảo tồn còn gặp nhiều khó khăn

Bộn bề những khó khăn

Những năm qua mặc dù được hưởng các chính sách, chương trình, dự án đầu tư vào khu bảo tồn, tuy nhiên đời sống của người dân cũng không mấy sáng sủa. Hơn 2.000 người trong vùng lõi của khu bảo tồn vẫn hàng ngày phải gồng mình để bám trụ lại làng, bản, cũng không ít trường hợp phải bỏ xứ để đến vùng đất mới lập nghiệp. Không được khai thác nguồn lợi từ rừng vốn dĩ đã khó khăn, nay diện tích đất trồng lúa ngày càng bị thu hẹp (185,7m2/người), đất đai bị bạc màu khiến cuộc sống người dân lại càng trở nên cực nhọc.

Anh Lò Văn Hiệp, thôn Âm, xã Cổ Lũng (Bá Thước) tâm sự: "Gia đình tôi có 7 người nhưng hiện nay chỉ có hơn 3 sào ruộng, năm nào được mùa thì được hơn 1 tấn lúa cũng chỉ đủ ăn cho 6-7 tháng, còn lại là ăn đong. Ngoài làm ruộng chúng tôi không còn nguồn thu nào khác. Ngày trước, Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông chưa được thành lập ngoài trồng lúa, mỗi năm gia đình còn thu nhập được vài tấn sắn và nguồn lợi tận thu từ rừng, nay thì khó khăn trăm bề”. Hoàn cảnh gia đình anh Hiệp cũng là tình cảnh chung của nhiều hộ gia đình khác nằm trong Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông.

Ông Hà Văn Chung – Phó Chủ tịch UBND xã Cổ Lũng, huyện Bá Thước cho biết: "Các dự án đầu tư vào vùng lõi để nâng cao đời sống người dân đều vướng phải những quy định trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, nên đều khó triển khai. Trình độ nhận thức của bà con còn nhiều hạn chế - đây cũng là nguyên nhân khiến vấn đề phát triển kinh tế ở địa phương còn nhiều khó khăn. Mặt khác, kết cấu hạ tầng và giao thông đi lại của xã còn khó khăn, ảnh hưởng tới việc giao lưu mua bán của nhân dân. Muốn đưa những loại vật nuôi có giá trị kinh tế cao như: như vịt, gà... vào nuôi cũng khó tiêu thụ, bởi giá thành sản phẩm làm ra cao hơn các vùng khác. Chính vì thế, tỷ lệ hộ nghèo của xã đang ở mức cao 50,55%, có thôn hộ nghèo chiếm tới 57,89%”.

Cần có chính sách đặc thù hỗ trợ

Việc nâng cao đời sống cho người dân vùng lõi Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với công tác bảo vệ rừng, cũng như việc phát triển tiềm năng du lịch cộng đồng nơi đây. Hiện tại, vấn đề nên di dời các hộ dân sống trong vùng lõi Khu Bảo tồn hay xây dựng một cơ chế đặc thù để người dân có điều kiện phát triển kinh tế đang là bài toán chưa có lời giải đối với hai huyện Bá Thước và Quan Hóa. Ông Nguyễn Văn Quy, Chủ tịch UBND huyện Bá Thước cho biết: "Hiện tại đời sống bà con vùng lõi của Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông gặp rất nhiều khó khăn. Để giải quyết những khó khăn trước mắt, huyện đã có những chính sách đặc biệt đối với người dân vùng lõi như: Ưu tiên thực hiện trước những chương trình, dự án của Nhà nước cho các xã. Tuy nhiên, trong thời gian tới, huyện rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước để thực hiện chính sách di dân theo nguyện vọng của nhân dân. Đồng thời có chính sách đặc thù, quan tâm hơn nữa đối với những hộ ở lại để họ có điều kiện phát triển kinh tế. Chú trọng nâng cao dân trí, đầu tư, hỗ trợ và định hướng cho bà con nơi đây phát huy hết lợi thế, tiềm năng du lịch góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống”.

Căn cứ theo Quyết định số 186/2006/QĐ - TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc Ban hành quy chế quản lý rừng nêu rõ: Trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của Vườn Quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên, nghiêm cấm các hoạt động làm thay đổi, ảnh hưởng đến cảnh quan và đời sống tự nhiên của các loài động vật, thực vật. Chính vì vậy, để bà con vùng lõi của Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông tích cực tham gia vào công tác bảo vệ và phát triển vốn rừng cuộc sống ngày càng được cải thiện, trước hết tỉnh cần quy hoạch thêm đất sản xuất, cho người dân thụ hưởng các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng, tạo điều kiện để phát triển kinh tế, thu hút người dân tham gia các hoạt động trong khu rừng đặc dụng. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng nên tập trung các nguồn lực để giúp các xã và người dân sống trong vùng lõi của Khu Bảo tồn phát triển kinh tế, hỗ trợ người dân phát triển nông nghiệp đặc biệt là trồng lúa nước, đảm bảo vấn đề lương thực, đẩy mạnh phát triển dịch vụ du lịch, tiếp tục cấp kinh phí cho công tác giao khoán, quản lý bảo vệ rừng cho người dân để hạn chế tình trạng phá rừng; tạo cơ chế thông thoáng hơn đối với những dự án được đầu tư vào đây...

Nâng cao chất lượng cuộc sống người dân vùng lõi Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông là "nút thắt” cần được các cấp, các ngành chức năng tháo gỡ.

Lê Tuấn Linh - Nguyễn Vĩnh Lộc

 

Nguồn: daidoanket.vn