Cây samu dầu ở vườn quốc gia Pù Mát (tỉnh Nghệ An) được Hội Bảo vệ Thiên nhiên&Môi trường Việt Nam đánh giá là cây cao nhất Việt Nam hiện nay.
Đúng vào ngày tỉnh Nghệ An đón nhận bằng chứng nhận Khu Dự trữ Sinh quyển miền Tây Nghệ An của Tổ chức Giáo dục Khoa học&Văn hóa của Liên Hiệp quốc (UNESCO) vào ngày 29/4/2011, Hội Bảo vệ Thiên nhiên&Môi trường Việt Nam tổ chức công nhận cây samu dầu là cây di sản Việt Nam.
Cây samu dầu là một trong những cây quý hiếm (Ảnh do vườn quốc gia Pù Mát cung cấp).
Cây samu dầu, nằm trong Khu Dữ trữ Sinh quyển miền Tây Nghệ An, được xác định cao khoảng trên 70 m, đường kính 5,5 m, chu vi thân 23,7 m. Cây samu dầu mọc ở thượng nguồn Khe Bu, xã Châu Khê, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An (ở tọa độ 0453300 - 2100600), Đồng bào dân tộc Thái tại địa phương gọi cây này là cây Mậy Pẹc. Cây Samu dầu nằm trên đường giông lên biên giới Việt- Lào gần cột mốc số 04.
Ông Trần Xuân Cường, Phó Giám đốc Vườn Quốc gia Pù Mát, cho biết địa điểm phân bố của cây samu dầu nằm cách xa trung tâm vườn quốc gia Pù Mát khoảng bốn ngày đi bộ, ngoài ra không có cách gì để tiếp cận được cây samu dầu này. Chính vì vậy đây là một thách thức không nhỏ đối với công tác quản lý cây di sản của vườn.
“Sau khi được vinh danh, Ban Giám đốc và Hạt Kiểm lâm Vườn Quốc gia Pù Mát đã yêu cầu Trạm Quản Lý bảo vệ Rừng Khe Thơi tăng cường công tác tuần tra, bảo vệ, đưa việc kiểm tra cây samu dầu vào kế hoạch kiểm tra hàng tháng của kiểm lâm viên”, ông Cường nói.
Hiện nay các nhà khoa học chưa tìm thấy loài cây này phân bố ở nơi khác trên lãnh thổ Việt Nam và sách đỏ Việt Nam năm 2007 xếp samu dầu ở cấp độ VU (loài sẽ nguy cấp). Qua một số nghiên cứu tại vườn quốc gia Pù Mát cho thấy, samu là loài cây quý hiếm, có phân bố hẹp, có nguy cơ đe dọa tuyệt chủng cao và cần được đưa vào danh sách loài thực vật được ưu tiên bảo tồn.
“Sau khi được công nhận là cây di sản thì việc quan tâm bảo vệ được tăng cường hơn, công tác tuyên truyền quảng bá hình ảnh và nâng cao ý thức bảo vệ của người dân và cán bộ được Vườn quan tâm hơn”, ông Cường cho hay.
Khu Dự trữ Sinh quyển miền Tây Nghệ An được chính thức công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới vào tháng 9/2007 với trung tâm là Vườn Quốc gia Pù Mát. Đây là khu sinh quyển có diện tích lớn nhất Việt Nam khoảng 1.303.285ha, thuộc địa bàn chín huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Thanh Chương, Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Quế Phong, Tân Kỳ, và Anh Sơn; trong đó Vườn Quốc gia Pù Mát làm trung tâm đang lưu giữ nhiều nguồn gene quý về động, thực vật với đầy đủ đại diện của 4/5 lớp quần hệ (rừng thưa, rừng kín, cây bụi, và cây thảo).