Hà Nội là Thành phố gắn liền với những dòng sông, trong đó sông Hồng là con sông lớn nhất. Trong tâm thức người Hà Nội, sông Hồng đã tạo ra cả không gian văn hóa, bề dày lịch sử của đất nước, sự phồn thịnh của kinh thành Thăng Long xưa và Hà Nội ngày nay.
Kết thúc bài viết kỳ trước, chúng tôi đã nêu vấn đề việc mở rộng không gian phát triển cho TP. Đà Lạt trong tầm nhìn khai phóng đến tương lai 3 thập niên tới là một chiến lược vô cùng cần thiết và là yếu tố vô cùng quan trọng cho tương lai xa hơn. Tuy nhiên, đô thị hiện hữu với những giá trị của hệ thống di sản, những bản sắc văn hóa - một trong những cốt lõi làm nên thương hiệu Đà Lạt, đang cần chúng ta bảo tồn và phát huy một cách có trách nhiệm.
Với tình yêu xứ sở, đành chịu mang tiếng là người bảo thủ khi ngồi nhẩn nha nhớ về "Đà Lạt ngày xưa" và cố biện minh cho những hoài niệm tiếc nuối. Khi mọi người cứ tự hào theo kiểu "văn hóa làng" thì chúng ta cũng cùng nhau "ăn mòn" sự khác biệt. Đó là những cụm từ quen miệng kiểu: Chiếc máy lạnh khổng lồ; phố trong rừng - rừng trong phố; những hồ, thác rồi thông và sương. Tự hào về nó, sống nhờ nó nhưng lại không ngừng đe dọa sự tồn tại của nó…
Gần 130 năm qua, Đà Lạt được tạo dựng, đắp bồi những hệ thống giá trị khác biệt bởi biết bao trí tuệ, tâm sức và cả máu xương của nhiều thế hệ. Nhưng hiện tại, với sự bùng nổ dân số và nhiều vấn đề khác, Đà Lạt đang đứng trước những “vấn nạn đô thị”. Thực tế đó đòi hỏi chúng ta cần tập trung trí tuệ, nguồn lực, tâm huyết để điều chỉnh, nắn những dòng thủy lưu tiêu cực giúp mở ra không gian phát triển mới, mở ra những hướng đầu tư phát triển kinh tế, xã hội xứng tầm. Bên cạnh giữ gìn giá trị di sản, bản sắc văn hóa, bảo lưu những dòng hoài niệm đẹp đẽ của một thành phố lãng mạn, độc đáo cũng phải dự báo một cách chính xác, khoa học, mở tầm khai phóng cho sự phát triển đô thị mai sau. Đã đến lúc cần thiết lập và thực thi một hệ thống giải pháp căn cơ để trả lại cho Đà Lạt những gì sang trọng, thanh lịch từng có và kiến tạo những giá trị gia tăng cho tương lai thành phố …