Việc triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm quản lý, bảo vệ hệ sinh thái biển và đất ngập nước ở nước ta giữ vai trò quan trọng trong bảo tồn tính toàn vẹn của đa dạng sinh học. Trong đó, việc nghiên cứu thúc đẩy cơ chế chi trả dịch vụ hệ sinh thái biển và đất ngập nước được đánh giá là giải pháp quan trọng.
Ứng phó với biến đổi khí hậu, hành động bảo vệ các vùng đất ngập nước giàu tài nguyên và đa dạng sinh học của Việt Nam luôn được Đảng, Nhà nước xác định là một trong những mục tiêu phát triển bền vững của đất nước.
Các vùng đất ngập nước đóng một vai trò quan trọng trong việc ổn định khí nhà kính và giảm bớt các tác động của biến đổi khí hậu.
Với diện tích khoảng 12 triệu ha, vùng đất ngập nước ở Việt Nam đang góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, chất lượng đa dạng sinh học của các hệ sinh thái đất ngập nước đang đối mặt với nguy cơ suy thoái ngày một nghiêm trọng, nhất là các hệ sinh thái vùng biển triều, thảm cỏ biển, rừng ngập mặn và các loài thủy hải sản có giá trị kinh tế cao.
Xác định tầm quan trọng của hệ sinh thái tại các vùng đất ngập nước, thời gian qua tỉnh Thừa Thiên Huế đã triển khai đồng bộ các giải pháp giữ gìn đa dạng sinh học tại vùng đất ngập nước cửa sông Ô Lâu.
UBND tỉnh vừa ban hành văn bản số 4143 /UBND –VP về việc Triển khai thực hiện Kế hoạch hành động Bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước trên địa bàn tỉnh đến năm 2030.
Ngày 24/11/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1975/QĐ-TTg về Kế hoạch hành động quốc gia về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước (ĐNN) giai đoạn 2021 - 2030.