Các hệ sinh thái tự nhiên, nhân tạo và nguồn lợi tài nguyên sinh vật có những đóng góp lớn cho nền kinh tế quốc gia. Đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất nông lâm nghiệp và thủy sản, là cơ sở đảm bảo an ninh lương thực đất nước, duy trì nguồn gen, tạo giống vật nuôi, cây trồng và cung cấp các vật liệu cho xây dựng, các nguồn nhiên liệu, dược liệu. Việt Nam có khoảng 25 triệu người sống trong hoặc gần rừng và 20% thu nhập của họ từ lâm sản ngoài gỗ. Nghề thủy sản đem lại nguồn thu nhập chính cho 8 triệu người và một phần thu nhập cho khoảng 12 triệu người khác.
Theo Viện Điều tra Quy hoạch rừng, nếu như năm 1945 nước ta có tới 14 triệu ha rừng, chiếm hơn 42% diện tích tự nhiên, thì đến năm 1989 chỉ còn lại 6,5 triệu ha. Diện tích có trữ lượng gỗ tương đối cao còn 4,9%. Nhờ việc đẩy mạnh việc trồng rừng sản xuất theo Chương trình 5 triệu ha rừng, đến năm 2010 tỷ lệ che phủ rừng của cả nước đã tăng lên 39,5%.
Nhiều địa phương đã tiến hành khai thác kinh doanh tổng hợp, phát triển chế biến lâm sản. Trong đó gỗ là sản phẩm chủ yếu của hầu hết các loại hình rừng, là nguồn nguyên liệu quan trọng có quan hệ chặt chẽ đến các nhu cầu xây dựng, giao thông, đồ dùng gia dụng, công nghệ giấy sợi, công cụ cầm tay...
Qua nghiên cứu kết quả sản xuất của ngành Lâm nghiệp giai đoạn 2000-2010 cho thấy, khả năng cung cấp gỗ từ rừng tự nhiên và rừng trồng trong nước cho nhu cầu rất lớn. Năm 2000 với khối lượng khai thác 1.130.000m3, trong đó có 800.000m3 là khai thác từ rừng trồng, 330.000m3 từ rừng tự nhiên. Đến năm 2008 đã lên tới 4.300.000m3 ( từ 4.000 rừng trồng-300 rừng tự nhiên), tăng gấp 3 lần chỉ trong vòng 8 năm. Điều này chứng tỏ khả năng khai thác gỗ phục vụ cho các ngành ngày càng cao, chủ yếu là khai thác từ rừng trồng (tăng gấp từ 3-10 lần so với khai thác rừng tự nhiên).
Kết quả nêu trên đã chứng tỏ Chiến lược phát triển phát triển Lâm nghiệp Việt Nam đến năm 2020 đang đạt được những kết quả khả quan, vừa nâng độ che phủ của rừng, vừa đáp ứng được nhu cầu tăng nguồn cung cấp gỗ cho sản xuất trong nước và xuất khẩu. Đây chính là thành công của Chương trình 5 triệu ha rừng và các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước đối với nông đân, đang phát huy tác dụng hữu hiệu về bảo vệ và phát triển rừng.
Phát triển hài hòa giữa các hệ sinh thái
Việt Nam đã xác định được 39 kiểu đất ngập nước, trong đó có trên 60 vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc gia và quốc tế. Trong thủy sản, nghề khai thác tự nhiên trong nội địa và biển thì đánh bắt xa bờ đang phát triển nhanh. Ước tính tổng số tàu thuyền đánh bắt hải sản có 140.000 chiếc với tổng công suất 5.400.000 CV, trong đó tàu thuyền có công suất 90 CV trở lên chiếm 11%. Hoạt động khai thác đang có xu hướng chuyển dần ra xa bờ, sử dụng các phương tiện, máy móc hiện đại như máy tầm ngư, định vị nhằm tăng hiệu quả đánh bắt.
Nhờ đó, sản lượng khai thác thủy sản của nước ta đều tăng qua các năm. Cụ thể năm 2000 đạt 1.660.904 tấn, trong đó khai thác biển chiếm 1.530.904 tấn, khai thác nội địa 130.000 tấn; đến năm 2009 đạt 2.310.000 tấn, khai thác biển là 2.126.000 tấn, khai thác nội địa 167.000 tấn. Điều đáng ghi nhận là diện tích nuôi trồng thủy sản nhanh chóng gia tăng theo hướng đa loài, đa loại hình, đa phương thức và thân thiện với môi trường. Năm 2000 mới có 641.900 ha, nhưng đến năm 2008 lên đến 1.051.600ha. Sản lượng nuôi trồng năm 2000 mới đạt 589.595 tấn, đến năm 2010 đã đạt 2.600.000 tấn và cao hơn hẳn so với sản lượng khai thác tự nhiên.
Nhưng theo đánh giá của Tiến sĩ Lê Văn Hưng, Cục Bảo tồn Đa dạng sinh học - Tổng cục Môi trường: Khả năng cung cấp nguồn lợi thủy sản của biển Việt Nam còn rất cao so với thực tế khai thác hiện nay, phần lớn các vùng chưa khai thác chiếm 50% so với khả năng cung cấp. Đơn cử như vùng biển Đông Nam Bộ có trữ lượng 908.879 tấn cá, tôm các loại nhưng mới khai thác được 415.952 tấn. Đây là nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú cần được khai thác trong thời gian tới.
Theo Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2020, kinh tế thủy sản đóng góp 30-35% GDP trong khối nông-lâm-ngư nghiệp, tốc độ tăng giá trị sản xuất của ngành thủy sản từ 8-10%/năm. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 8-9 tỷ USD. Tổng sản lượng thủy sản đạt 6,5-7 triệu tấn, trong đó nuôi trồng chiếm 65-70% tổng sản lượng. Như vậy, việc khai thác hệ sinh thái tự nhiên và hệ sinh thái nhân tạo trong ngành thủy sản và lâm nghiệp, đã và đang được Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi, nhằm đáp ứng nhu cầu khai thác, sử dụng tài nguyên sinh vật trong hệ sinh thái tự nhiên và nhân tạo một cách hài hòa bảo đảm cho yêu cầu phát triển bền vững.