Chuyển đến nội dung
Thứ 4, ngày 21/05/2025
|
English
  • Trang chủ
  • Tin tức, sự kiện
  • Du lịch xanh
  • Biến đổi khí hậu
  • Văn hoá, di sản
  • Chương trình dự án
  • Mô hình, kinh nghiệm
  • Phóng sự ảnh
  • Video
  • Trang chủ
  • Tin tức, sự kiện
  • Du lịch xanh
  • Biến đổi khí hậu
  • Văn hoá, di sản
  • Chương trình dự án
  • Mô hình, kinh nghiệm
  • Phóng sự ảnh
  • Video
  • Trang chủ
  • /
  • Vẻ đẹp Việt
  • /
  • Khe Song – Thác Bạc Yên Tử (Quảng Ninh) ngày hè

Khe Song – Thác Bạc Yên Tử (Quảng Ninh) ngày hè

Cập nhật: 03/07/2024

Tạm rời xa thành phố ồn ã người xe, bụi mịn để hòa mình với thiên nhiên, hòa mình vào dòng nước mát lạnh của Khe Song - Thác Bạc Yên Tử, tỉnh Quảng Ninh.

Những cơn mưa lớn của tháng 6 mùa hè như bàn tay thần kỳ gột rửa đất trời. Trời như cao hơn, mây trắng hơn cứ bồng bềnh tự tại trôi nổi trên bao la mênh mông vòm trời xanh ngằn ngặt. Cây lá nhờ mưa mà xanh mướt, mỡ màng.

Thời điểm này là thời điểm tạm rời xa thành phố với đèn màu nhức mắt, ồn ã người xe, khói đen, bụi mịn để hòa mình với thiên nhiên, hít thở bầu không khí trong lành, cũng như hòa mình vào dòng nước mát lạnh từ thác cao dội xuống của Khe Song - Thác Bạc Yên Tử.

Dòng nước mát lạnh từ thác cao dội xuống. Ảnh: Nhật Quang

Dãy Yên Tử hùng vĩ nằm sừng sững che cả góc trời vùng Đông Bắc với cả quần thể chùa chiền, di tích lịch sử, điểm du lịch tâm linh, nhưng bên cạnh đó có nhiều khung cảnh tự nhiên quanh khu vực chân núi rất hấp dẫn với cảnh sắc hòa quyện giữa sự kỳ vĩ của rừng già với khe núi, thác nước với nguồn nước thanh mát ngọt lành.

Trên đường vào khu du lịch Yên Tử - Uông Bí - Quảng Ninh, từ quốc lộ 18 đi vào đến ngã tư điểm rẽ trái sang Ngọa Vân - Đông Triều, tầm vài trăm mét là đến điểm sinh thái Khe Song - Thác Bạc thuộc Khe Sú 2, xã Thượng Yên Công.

Chạy xuyên con đường nhỏ quanh co giữa cánh đồng, phía trước mặt là trập trùng rừng núi xanh xanh, khung cảnh thật yên bình, thư thái. Qua cánh đồng là đến với điểm du lịch sinh thái Khe Song, qua cây cầu bước qua dòng suối là tới khu vườn với cỏ hoa bình dị, nếp nhà mái lá hiền lành nép bóng dưới tán cây. Rồi rảo bước men theo dòng suối róc rách chảy là ngược lên với thác. Đồi núi vùng này không thuộc Vườn quốc gia Yên Tử nên người dân trồng keo kín các triền đồi, vậy mà lối lên thác vẫn còn nhiều cây cối tự nhiên rậm rạp.

Ngay lối lên là mái vòm bằng tre trúc uốn cong che nắng cho du khách cũng như che cho con suối róc rách chảy luồn qua đá sỏi, nét tự nhiên hoang sơ vẫn còn khá nguyên vẹn vì điểm du lịch này quy mô không lớn và ở bãi xe, biển xe ngoài tỉnh Quảng Ninh không nhiều. Từng cấp, từng cấp được xây tường ngăn lại để thành các bể bơi tự nhiên tự tràn như bể bơi vô cực.

Nước suối dồn tụ về trong veo, mát lạnh. Ảnh: Nhật Quang

Nước suối nguồn dồn tụ về đây trong veo mà mát lạnh, khác hẳn nước bể bơi nồng nặc mùi sunfat đồng cũng như clo làm sạch nước hồ bơi. In bóng cây cối mây trời, tiếng suối róc rách, tiếng chim lích chích chuyền cành thật sự cho du khách cảm giác nhẹ nhõm, thư thái.

Bậc đá lên thác không quá dốc, không đòi hỏi tiêu tốn thể lực mà hoàn toàn có thể nhẩn nha rong chơi trên đường thưởng lãm cảnh vật núi non cây cỏ… Có đến 10 bể bơi rải rác trên đường lên thác, mà người thì ít, nên phần lớn là mặt hồ vắng lặng. Có những mái lá vách tre làm điểm dừng chân, thay quần áo cho khách giản dị mà thân thiện với môi trường. Không khí cũng thật sạch sẽ, trong veo như dòng nước thoang thoảng trong gió mùi rêu đá lành lạnh, có chỗ thì thoảng hương thơm của loài hoa rừng nào đó mà chẳng biết tên.

Tiếng nước ào ào càng ngày càng nghe rõ, thác càng lúc càng gần. Qua khúc rẽ ngẩng lên đã thấy màn nước từ trên cao đổ xuống từ vách đá dựng đứng cao hàng vài chục mét, nước chạm đá bắn tung lên bọt nước li ti làm cả khoảng không gian quanh đó mát lạnh.

Ngắm nghía chụp ảnh với thác chán chê thì dầm mình xuống nước giữa ngày hè nóng mà nước mát lạnh. Phải từ từ hạ người làm quen với nước mãi mới ngụp được cả người xuống dưới. Nhưng ngâm được mình xuống rồi thì cảm giác dễ chịu, mát lạnh không muốn lên bờ. Thỏa thuê bơi lội ngâm mình trong bể bơi ở chân thác, men lên tận sát chân thác để dòng nước xối thẳng lên đầu, lên người như được ai tẩm quất, mát-xa cảm giác nhẹ nhõm cơ thể từ trong ra đến bên ngoài.

Tắm xong thì xuống nhà hàng với nhiều món ăn lạ của vùng rừng núi như trứng kiến, nhộng ong, đặc biệt là canh cá suối nấu lá giang chua. Ăn có vị ngọt của cá tự nhiên, vị chua chua thanh thanh của lá giang làm dịu đi cái nắng nóng trưa hè. Trứng kiến béo ngậy ăn kèm lá lốt sống, nhộng ong chiên giòn thơm thơm. Ăn ở đây có cả hương vị núi rừng giữa khung cảnh thiên nhiên hiền hòa tươi đẹp.

Dạo quanh khu du lịch, du khách có thể vòng qua ghé thăm những ngôi làng gần đó như làng Thổ Cư, làng Đồ Sứ… khám phá cuộc sống sinh hoạt của người Dao Thanh Y ở nơi đây với những trải nghiệm về việc làm bánh chưng, ngâm rượu mơ, có cả các sinh hoạt cộng đồng với những trò chơi dân gian. Hãy đến và trải nghiệm tắm thác cho dịu bớt nóng nực mùa hè.

Nhật Quang

Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp – diendandoanhnghiep.vn – Đăng ngày 3/7/2024
Từ khóa: Khe Song, Quang-Ninh, Thác Bạc Yên Tử

Tin liên quan

Phú Yên: phát triển du lịch biển đảo gắn với bảo vệ môi trường sinh thái

(TITC) – Với bờ biển dài, nhiều vịnh đẹp và danh thắng tự nhiên đặc sắc, Phú Yên đang nổi lên như một điểm đến hấp dẫn trên bản đồ du lịch Việt Nam. Song song với phát triển du lịch biển đảo, tỉnh đặc biệt chú trọng đến việc

Quần thể thông hai lá dẹt ở Vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà được công nhận Cây Di sản Việt Nam

Mới đây, tại huyện Lạc Dương (tỉnh Lâm Đồng), Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam phối hợp với Vườn Quốc gia Bidoup – Núi Bà, long trọng tổ chức lễ công nhận quần thể 108 cây thông hai lá dẹt là Cây Di sản Việt Nam.

Hà Nội: Nêu cao trách nhiệm người đứng đầu trong bảo tồn, quản lý di tích

Quảng Nam: Trà Nhiêu ‘thức giấc’ nhờ du lịch cộng đồng

Phát triển du lịch gắn với di sản: Cần bài bản và trách nhiệm

Xem tiếp

Tin nổi bật

Phú Yên: phát triển du lịch biển đảo gắn với bảo vệ môi trường sinh thái

Vườn Quốc gia Cát Tiên – Điểm sáng trong công tác bảo vệ đa dạng sinh học

Doanh nghiệp và cộng đồng chung tay trồng rừng tại Hòa Bình vì một tương lai xanh

Bộ VHTTDL hưởng ứng Tuần lễ quốc gia không thuốc lá 25-31/5

Để tín chỉ carbon làm tài sản bảo đảm

Xem nhiều nhất

Bình Định: Triển khai các giải pháp bảo tồn đa dạng sinh học
Enchanting journey to Binh Chau Beach
Kiên Giang: Bảo tồn động vật hoang dã ở Vườn quốc gia U Minh Thượng
Biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng lớn đối với Việt Nam
Bình Định: Bảo tồn đa dạng sinh học để phát triển bền vững
No posts found

Cơ quan chủ quản: CỤC DU LỊCH QUỐC GIA VIỆT NAM

Đơn vị thực hiện: TRUNG TÂM THÔNG TIN DU LỊCH

Địa chỉ: Số 33, ngõ 294/2 đường Kim Mã, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội

Chịu trách nhiệm nội dung: Trung tâm Thông tin du lịch

Giấy phép số: 78/GP-TTĐT cấp ngày 29 tháng 5 năm 2020

Lượt truy cập:

79038570

DANH MỤC CHÍNH

  • Trang chủ
  • Tin tức, sự kiện
  • Du lịch xanh
  • Biến đổi khí hậu
  • Văn hoá, di sản
  • Chương trình dự án
  • Mô hình, kinh nghiệm
  • Phóng sự ảnh
  • Video
  • Trang chủ
  • Tin tức, sự kiện
  • Du lịch xanh
  • Biến đổi khí hậu
  • Văn hoá, di sản
  • Chương trình dự án
  • Mô hình, kinh nghiệm
  • Phóng sự ảnh
  • Video
nentangso
ic-dulichvn-org
ic-vietnam-travel
ic-moitruogndulich-vn
© TITC