Thành phố Hồ Chí Minh đã khôi phục và phát triển hơn 30.000ha rừng tại vùng đất ngập mặn Cần Giờ, trong đó có gần 19.000ha rừng trồng và 11.500ha rừng tự nhiên khoanh nuôi.
Tại hội nghị tổng kết 30 năm khôi phục rừng ngập mặn Cần Giờ ngày 9/8/2008 tại Thành phố Hồ Chí Minh, nhiều nhà khoa học quốc tế đánh giá vùng đất ngập mặn có độ đa dạng sinh học bậc nhất Đông Nam Á này không chỉ là tài sản riêng của Việt Nam mà đã trở thành tài sản của nhân loại trong mạng lưới các Khu dự trữ sinh quyển của thế giới.Nhờ những nỗ lực bảo vệ và khôi phục rừng của Thành phố, rừng ngập mặn Cần Giờ đã được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển của thế giới từ tháng 1/2000.Tuy nhiên, các nhà khoa học cũng cảnh báo rằng, trong thời gian gần đây, rừng ngập mặn Cần Giờ đã xuất hiện một số hiện tượng phát triển không bình thường như: sâu bệnh, cây ốm yếu, gãy đổ do trồng dầy (10.000 cây/ha) và phát triển kém do dòng chảy đến chân rừng bị hạn chế do công trình đường giao thông và việc người dân đắp đầm nuôi tôm.Để tiếp tục bảo vệ diện tích rừng hiện có và nâng cao vai trò của rừng ngập mặn Cần Giờ, các đại biểu đã đề xuất một số giải pháp như: thí điểm mô hình chăm sóc rừng, điều chỉnh mật độ rừng đước trồng phù hợp với độ tuổi và điều kiện đất, loại trừ cây sâu bệnh, già yếu hoặc gãy đổ, làm vệ sinh rừng kết hợp xúc tiến tái sinh tự nhiên, khai thông các dòng chảy tự nhiên.Các nhà khoa học cũng đề nghị từng bước chuyển hóa rừng đước trồng thành những khu rừng ngập mặn có nhiều loài cây, nhiều tầng tán, đồng thời tăng cường giám sát, đảm bảo các hoạt động lâm nghiệp, thủy sản và du lịch được thực hiện theo đúng Luật bảo vệ và phát triển rừng bền vững.