Chuyển đến nội dung
Thứ 2, ngày 19/05/2025
|
English
  • Trang chủ
  • Tin tức, sự kiện
  • Du lịch xanh
  • Biến đổi khí hậu
  • Văn hoá, di sản
  • Chương trình dự án
  • Mô hình, kinh nghiệm
  • Phóng sự ảnh
  • Video
  • Trang chủ
  • Tin tức, sự kiện
  • Du lịch xanh
  • Biến đổi khí hậu
  • Văn hoá, di sản
  • Chương trình dự án
  • Mô hình, kinh nghiệm
  • Phóng sự ảnh
  • Video
  • Trang chủ
  • /
  • Tin tức, sự kiện
  • /
  • Khuyến khích sử dụng sản phẩm thân thiện môi trường

Khuyến khích sử dụng sản phẩm thân thiện môi trường

Cập nhật: 18/03/2025

Khoảng 5 năm trước, cùng với việc đẩy mạnh phong trào hạn chế các sản phẩm nhựa gây ô nhiễm, nhiều sáng kiến, giải pháp thay thế đã được ứng dụng và từng bước đi vào cuộc sống. Tuy nhiên, những sản phẩm thân thiện môi trường được làm từ tre, nứa, xơ dừa, bèo tây, cói, lá chuối, giấy, vải cotton… ngày càng “vắng bóng” trên thị trường.


Sự “trở lại” của các sản phẩm túi nilon, hộp nhựa khó phân hủy tiềm tàng mối nguy hại đối với môi trường.

Theo ước tính, mỗi năm Việt Nam sử dụng và thải ra môi trường khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa, trong đó có khoảng 30 tỷ chiếc túi nilon. Lượng rác thải nhựa làm ảnh hưởng nghiêm trọng và lâu dài đối với môi trường bởi đặc tính của chất liệu nhựa rất khó tiêu hủy.

Kể từ khi phát động chiến dịch bảo vệ môi trường, hạn chế sử dụng rác thải nhựa, rất nhiều siêu thị, trung tâm thương mại, cơ sở sản xuất trên cả nước đã sử dụng các sản phẩm thân thiện môi trường như một giải pháp thay thế túi đựng bằng nilon.

Ý thức sử dụng sản phẩm không gây ô nhiễm cũng nhận được sự hưởng ứng của nhiều khu chợ dân sinh và người dân. Thế nhưng, theo thời gian, việc sử dụng các sản phẩm tự nhiên để bảo quản, chứa đựng hàng hóa tại các cơ sở bán hàng dần phai nhạt. Người dân mua hàng cũng “quên” luôn việc hạn chế sử dụng túi nilon để bảo vệ môi trường.

Ghi nhận tại một số siêu thị, trung tâm thương mại tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh… hầu hết các cơ sở đều sử dụng túi nilon để sẵn cho khách chứa đồ khi mua hàng. Sản phẩm sau khi thanh toán cũng đều được nhân viên cho vào túi… nilon để giao cho khách hàng. Không có nơi nào sử dụng túi cotton, túi cói, túi giấy khổ lớn để giao đồ như vài năm trước.

Anh Lê Thái Hằng, quản lý đầu vào của hệ thống siêu thị T. cho biết: Chúng tôi nhập hàng từ nhà cung ứng đều là hàng để trần, sau đó nhân viên sẽ phân loại, xử lý theo yêu cầu.

Ðối với các sản phẩm thân thiện môi trường, đã lâu rồi siêu thị không sử dụng do nhu cầu tiêu thụ thấp, giá cao, ảnh hưởng tới lợi nhuận hoặc giá sản phẩm. Một số cách như dùng lá chuối bọc rau, giỏ tre, nứa đựng trứng, dây lạt buộc… cũng không được ưa chuộng do bất tiện và dễ làm hỏng hàng hóa.

Chị Hà Thủy, Giám đốc một công ty chuyên sản xuất bao bì cho biết: 4 năm trước, tôi đầu tư dây chuyền sản xuất túi giấy thân thiện môi trường. Thời gian đầu, hàng hóa bán rất tốt, nhưng sau 2 năm chúng tôi đã phải chuyển hướng do không tìm được đầu ra. Các siêu thị, chợ truyền thống không nhập nữa vì giá thành cao và khách hàng không chuộng túi giấy vì khó để đồ, dễ đứt quai, rách, thủng…

Ðại diện cung ứng thực phẩm sạch của V. Food, một trong những đơn vị tiên phong trong sử dụng lá chuối bọc rau, giỏ cói, tre, xơ dừa, bèo tây để đựng thực phẩm cho biết, từ lâu đơn vị không còn sử dụng các phương pháp nêu trên để giao hàng. Việc dùng các sản phẩm thân thiện môi trường là tốt, nhưng nó bất tiện và làm cho hàng hóa dễ hỏng. Hơn nữa nguồn cung các sản phẩm này rất hạn chế, không thường xuyên.

Theo tìm hiểu của phóng viên, tại các hệ thống siêu thị lớn đều khuyến khích và hướng dẫn nhân viên cũng như khách hàng sử dụng các sản phẩm thân thiện môi trường, hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa, túi nilon dùng một lần. Tuy nhiên, các sản phẩm thay thế hiện có chưa đáp ứng được nhu cầu và mục đích sử dụng của khách hàng, dẫn đến việc sử dụng còn khá hạn chế.

Không chỉ vậy, tình trạng sử dụng túi nilon ở các chợ truyền thống là rất phổ biến. Hầu như các quầy hàng không có vật dụng thân thiện môi trường để chứa, đựng đồ cho khách. “Bất tiện, không có, chẳng ai dùng…” là câu trả lời của giới tiểu thương khi được hỏi về các sản phẩm này.

Vì sao những sản phẩm thân thiện môi trường không còn là lựa chọn hàng đầu trong các hoạt động thương mại truyền thống? Câu trả lời có lẽ rất rõ ràng, đó là giá thành, sự tiện dụng cũng như sự thờ ơ của các cơ quan quản lý và người dân trong nhiệm vụ bảo vệ môi trường, hạn chế rác thải nhựa.

Theo một số cán bộ quản lý thị trường thành phố Hà Nội, hiện không có chế tài hay quy định nào cụ thể trong việc bắt buộc sử dụng các sản phẩm thân thiện môi trường hoặc không được sử dụng sản phẩm túi nilon. Vì vậy, cơ quan chức năng không thể can thiệp được.

Chị Nguyễn Thị Liễu, một người dân ở quận Ðống Ða (Hà Nội) thẳng thắn: Tôi đi siêu thị chỉ thấy họ dùng túi nilon cho khách đựng hàng. Nói thật là nó rất tiện dụng, đựng cái gì cũng được. Về việc ô nhiễm, vấn đề không chỉ do dùng nhiều mà còn có trách nhiệm của bên thu gom, phân loại và xử lý rác.

Ðến nay, các sản phẩm thân thiện môi trường có dấu hiệu chững lại, thậm chí không còn được sử dụng nhiều trong hoạt động thương mại truyền thống. Thay vào đó là sự “trở lại” của các sản phẩm túi nilon, hộp nhựa khó phân hủy.

Số lượng khổng lồ các sản phẩm loại này cũng như mối nguy hại do chúng mang lại sau khi thải ra môi trường cho thấy cần phải có giải pháp cụ thể, hữu hiệu từ cơ quan quản lý nhà nước; xây dựng chế tài đủ mạnh đối với sản phẩm từ nhựa; hạn chế sản xuất, sử dụng sản phẩm từ nhựa; khuyến khích, tạo điều kiện cho nghiên cứu, sản xuất, sử dụng các sản phẩm thân thiện môi trường; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động doanh nghiệp, cá nhân hoạt động thương mại và người dân sử dụng sản phẩm thân thiện môi trường...

Bài và ảnh: Trần Thường

Báo Nhân dân – nhandan.vn – Đăng ngày 17/3/2025
Từ khóa: bảo vệ môi trường, giải pháp thay thế, rác thải nhựa, sản phẩm thân thiện môi trường, túi nilon

Tin liên quan

Bộ VHTTDL hưởng ứng Tuần lễ quốc gia không thuốc lá 25-31/5

(TITC) – Ngày 14/5, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành văn bản số 2134/BVHTTDL-PC về việc tăng cường thực thi hiệu quả Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá (PCTHTL), triển khai Chiến lược quốc gia về PCTHTL và Nghị quyết số 173/2024/QH15 của

Để tín chỉ carbon làm tài sản bảo đảm

Thị trường tín chỉ carbon đang được kỳ vọng trở thành một trong những công cụ quan trọng giúp Việt Nam hiện thực hóa cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Không những thế, thị trường carbon còn giúp doanh nghiệp chuyển đổi xanh. Rừng ngập mặn

Du lịch Đà Nẵng vào mùa cao điểm: Điểm đến văn minh, thân thiện

Điện Biên: Phê duyệt đề cương thành lập Vườn Quốc gia Mường Nhé

Cô Tô phát triển du lịch gắn với bảo vệ môi trường

Xem tiếp

Tin nổi bật

Bộ VHTTDL hưởng ứng Tuần lễ quốc gia không thuốc lá 25-31/5

Để tín chỉ carbon làm tài sản bảo đảm

Sóc Trăng tổ chức mít tinh hưởng ứng Ngày Quốc tế Đa dạng sinh học năm 2025

Bắc Kạn: Tập huấn bảo vệ môi trường trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch

Khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số: Chìa khóa phát triển đại dương bền vững

Xem nhiều nhất

Bình Định: Triển khai các giải pháp bảo tồn đa dạng sinh học
Enchanting journey to Binh Chau Beach
Kiên Giang: Bảo tồn động vật hoang dã ở Vườn quốc gia U Minh Thượng
Biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng lớn đối với Việt Nam
Bình Định: Bảo tồn đa dạng sinh học để phát triển bền vững
No posts found

Cơ quan chủ quản: CỤC DU LỊCH QUỐC GIA VIỆT NAM

Đơn vị thực hiện: TRUNG TÂM THÔNG TIN DU LỊCH

Địa chỉ: Số 33, ngõ 294/2 đường Kim Mã, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội

Chịu trách nhiệm nội dung: Trung tâm Thông tin du lịch

Giấy phép số: 78/GP-TTĐT cấp ngày 29 tháng 5 năm 2020

Lượt truy cập:

79037891

DANH MỤC CHÍNH

  • Trang chủ
  • Tin tức, sự kiện
  • Du lịch xanh
  • Biến đổi khí hậu
  • Văn hoá, di sản
  • Chương trình dự án
  • Mô hình, kinh nghiệm
  • Phóng sự ảnh
  • Video
  • Trang chủ
  • Tin tức, sự kiện
  • Du lịch xanh
  • Biến đổi khí hậu
  • Văn hoá, di sản
  • Chương trình dự án
  • Mô hình, kinh nghiệm
  • Phóng sự ảnh
  • Video
nentangso
ic-dulichvn-org
ic-vietnam-travel
ic-moitruogndulich-vn
© TITC