Chuyển đến nội dung
Thứ 3, ngày 20/05/2025
|
English
  • Trang chủ
  • Tin tức, sự kiện
  • Du lịch xanh
  • Biến đổi khí hậu
  • Văn hoá, di sản
  • Chương trình dự án
  • Mô hình, kinh nghiệm
  • Phóng sự ảnh
  • Video
  • Trang chủ
  • Tin tức, sự kiện
  • Du lịch xanh
  • Biến đổi khí hậu
  • Văn hoá, di sản
  • Chương trình dự án
  • Mô hình, kinh nghiệm
  • Phóng sự ảnh
  • Video
  • Trang chủ
  • /
  • Tin tức, sự kiện
  • /
  • Lễ Mít tinh quốc gia hưởng ứng Ngày Nước thế giới năm 2016

Lễ Mít tinh quốc gia hưởng ứng Ngày Nước thế giới năm 2016

Cập nhật: 23/03/2016

Sáng 22/3/2016, tại thành phố Thanh Hóa, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) phối hợp UBND tỉnh Thanh Hóa long trọng tổ chức lễ Mít tinh quốc gia hưởng ứng ngày Nước thế giới 2016.

Bộ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Minh Quang phát biểu tại Lễ mít tinh quốc gia hưởng ứng Ngày nước thế giới năm 2016

Đến dự buổi lễ, về phía Bộ Tài nguyên và Môi trường có Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang, Thứ trưởng Chu Phạm Ngọc Hiển, nguyên Thứ trưởng Nguyễn Thái Lai, đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ. Về phía tỉnh Thanh Hóa có ông Trịnh Văn Chiến - Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa; ông Nguyễn Đình Xứng - Phó Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa; ông Nguyễn Đức Quyền, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa; đại diện trong ban thường vụ tỉnh ủy, UBND tỉnh; các Sở, ban ngành liên quan của tỉnh Thanh Hóa. Về phía các tổ chức quốc tế, có bà Victoria KwaKwa – Giám đốc quốc gia Ngân hàng thế giới tại Việt Nam; ông Tom Kom pier - Bí thư thứ nhất về nước và khí hậu của Đại sứ quán Vương quốc Hà Lan và đại diện Đại sứ quán Ý.

Tham dự Lễ mít tinh còn có lãnh đạo các Bộ, ngành, đoàn thể trung ương; lãnh đạo UBND tỉnh, Sở, ngành một số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; phóng viên các cơ quan thông tấn, báo chí trung ương và địa phương và đặc biệt là 3.500 đại biểu đại diện các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Nước là trung tâm của sự sống, môi trường và kinh tế - là nền móng cho tiến bộ xã hội và phát triển kinh tế. Ngày Nước thế giới năm 2016 có chủ đề “Nước và Việc làm” với mục tiêu mang đến cho chúng ta một thông điệp rất có ý nghĩa, đó là nước và việc làm đều có sức mạnh để thay đổi cuộc sống của con người: Nước là trung tâm của sự sống, môi trường và kinh tế - nhờ nguồn nước được cải thiện. Thu nhập do việc làm mang lại sẽ tốt hơn và là nền móng cho tiến bộ xã hội và phát triển kinh tế. Đây chính là cơ hội để kêu gọi sự quan tâm của cộng đồng đối với nguồn tài nguyên mà cả cuộc sống và sinh kế của cả nhân loại đều phụ thuộc vào nó.

Nước là cốt lõi của phát triển bền vững. Nước và các dịch vụ do nước mang lại là nền tảng cơ bản giúp ổn định xã hội, xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế và duy trì môi trường bền vững. Nguồn nước ổn định sẽ đảm bảo an ninh lương thực và năng lượng, sức khỏe con người và hệ sinh thái; nguồn nước ổn định cũng tác động đến cuộc sống của hơn 7 tỷ người trên Trái đất.

Nước tạo ra cơ hội có việc làm cho người lao động. Trên thế giới, hiện có khoảng 1,5 tỷ người đang làm việc trong các lĩnh vực liên quan đến nước và hầu hết các công việc đều phụ thuộc vào nguồn nước. Nếu nước được cải thiện, người lao động sẽ có việc làm tử tế và mang lại thu nhập, góp phần vào tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Bên cạnh đó, cần nâng cao trình độ cho người lao động và tạo môi trường làm việc ổn định, an toàn, bình đẳng với mức thu nhập công bằng.

Theo Công ước quốc tế về các quyền Kinh tế, Xã hội và Văn hóa năm 2002, mỗi người dân đều có quyền được tiếp cận và sử dụng nước. Tiếp cận và sử dụng nước là điều kiện tiên quyết cho xóa đói giảm nghèo. Nước tác động trực tiếp đến đời sống của người lao động, khoảng 75% người nghèo trên thế giới sống ở vùng sâu vùng xa, khu vực nông thôn và cũng là vùng thiếu nước - nguồn tài nguyên quan trọng nhất để họ kiếm sống và duy trì cuộc sống. Nước ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của mỗi người, nếu nguồn nước luôn được cung cấp đầy đủ và kịp thời, chất lượng nước đảm bảo thì việc chăn nuôi, trồng trọt, chế biến thủy sản của họ sẽ đạt sản lượng cao hơn và mang lại thu nhập tốt hơn, nhiều người có công ăn việc làm hơn, cuộc sống của người nghèo vì thế cũng được cải thiện hơn.

Nguồn tài nguyên nước đang đứng trước rất nhiều đe dọa, thách thức

Phát biểu tại lễ mít tinh, bà Victoria KwaKwa, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho biết, trên toàn thế giới, tranh chấp nguồn nước đang diễn ra giữa các ngành kinh tế. Nông nghiệp là ngành sử dụng nước lớn nhất, chiếm khoảng 70% tổng lượng nước khai thác trên toàn thế giới. Sản xuất nông nghiệp cũng là một trong những ngành sử dụng và gây ô nhiễm nước lớn. Tại một số nước phát triển và các nước có nền kinh tế mới nổi, nhu cầu sử dụng nước cho sản xuất dự đoán sẽ tăng 400% từ năm 2000 tới năm 2050. Đô thị hoá là một trong những thách thức phát triển quan trọng đặc biệt tại Việt Nam và là nguyên nhân làm gia tăng nhu cầu sử dụng nước. Hệ thống cung cấp nước ở các thành phố đang bị rò rỉ lớn trong khi hệ thống xử lý nước thải thường không đáp ứng đủ với nhu cầu sử dụng, gây ra tình trạng ô nhiễm nguồn nước.

Các đại biểu tham dự buổi lễ

Hiện nay, nhiều vùng trên thế giới đang phải chịu áp lực về nước do phát triển kinh tế và tăng trưởng dân số. Trên thực thế, 2,5 tỷ người (36% dân số thế giới) hiện đang sinh sống tại những khu vực này và hơn 20% GDP toàn cầu được sản xuất tại những vùng đang trong cảnh thiếu và bấp bênh về nước.

Là quốc gia nằm ở cuối các lưu vực sông lớn, nguồn tài nguyên nước ở nước ta đang đứng trước rất nhiều thách thức. Hơn 2/3 lượng nước trên các hệ thống sông của Việt Nam được hình thành từ ngoài lãnh thổ, phụ thuộc vào các quốc gia láng giềng như Trung Quốc, Myanmar, Lào, Thái Lan và Campuchia. Tăng trưởng kinh tế, sức ép dân số và chất lượng cuộc sống liên tục gia tăng trong những thập kỷ qua dẫn đến tình trạng ô nhiễm, suy thoái và cạn kiệt nguồn nước, đồng thời nảy sinh những mâu thuẫn, tranh chấp giữa các ngành sử dụng nước.

Nhận thức rõ những thách thức đó, Việt Nam đã luôn nỗ lực trong đàm phán hợp tác quốc tế nhằm xây dựng cơ chế hợp tác quản lý hài hoà nguồn nước giữa các quốc gia; ban hành nhiều cơ chế, chính sách quan trọng nhằm quản lý, sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn tài nguyên nước của quốc gia. Tuy nhiên, chúng ta còn đang gặp rất nhiều khó khăn, trong khi việc thực hiện cơ chế chia sẻ nguồn nước theo Công ước Liên hợp quốc về sử dụng nước cho mục đích phi giao thông thủy chưa được các quốc gia trong khu vực quan tâm, tham gia và chia sẻ. Đây là một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng khô hạn, thiếu nước và xâm nhập mặn ở nhiều vùng trong cả nước, đặc biệt tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian gần đây.

Phát biểu tại Lễ mít tinh, Bộ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Minh Quang nhận định: Nước là nguồn tài nguyên có khả năng tái tạo nhưng không phải là vô tận. Hơn lúc nào hết, tại thời điểm chúng ta đang tổ chức Lễ mít tinh, cả nước đang chứng kiến việc thiếu nước nghiêm trọng do hiện tượng El nino gây ra cho các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long.

“Người dân ở các khu vực này đang phải gồng mình đối mặt và chống chọi với tình trạng khô hạn, xâm nhập mặn, thiếu nước ngọt cho sinh hoạt và sản xuất. Tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, hạn hán và xâm nhập mặn được xem là đợt thiên tai nghiêm trọng nhất trong gần 100 năm qua. Tính đến thời điểm này, Đồng bằng sông Cửu Long có gần 139.000 ha lúa bị ảnh hưởng nặng đến năng suất do thiếu nước và nhiễm mặn và khoảng 340.000 ha diện tích có khả năng bị ảnh hưởng trong thời gian tới. Các tỉnh bị thiệt hại nhiều nhất là Cà Mau, Kiên Giang, Bạc Liêu và Bến Tre. Hơn nửa triệu dân ở các tỉnh ven biển trong vùng đang bị thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng. Ở những huyện ven biển, một số vùng người dân đang phải mua nước ngọt với giá từ 60.000 đồng đến 100.000 đồng/m3 nước. Với họ, nước đang quý hơn cả vàng” - Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang chia sẻ.

Cùng nhau cam kết xây dựng những chính sách đảm bảo an ninh nước hướng tới phát triển một xã hội bền vững; nỗ lực triển khai các giải pháp đồng bộ nhằm đối phó với tình trạng khô hạn, thiếu nước và xâm nhập mặn ở nhiều vùng trên cả nước.

Là cơ quan giúp Chính phủ thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về tài nguyên nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã và đang cùng các Bộ, ngành, UBND các tỉnh nỗ lực triển khai các giải pháp đối phó với thực trạng nói trên theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Những gì người dân Đồng bằng sông Cửu Long ngày hôm nay đang phải đối mặt có thể sẽ xuất hiện nhanh hơn nữa và lặp lại thường xuyên, nặng nề hơn do biến đối khí hậu, mà trước tiên là lên tài nguyên nước. Chính vì vậy, ngoài những biện pháp đối phó hiện nay, cần phải có giải pháp dài hạn hơn cho cả vùng lúa gạo này, nơi đang cung cấp khoảng 1/5 lượng lúa gạo xuất khẩu trên thế giới và nuôi sống khoảng 145 triệu người dân.

Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cho biết, trong năm 2016 và những năm tiếp theo, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương quyết tâm đưa các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ liên quan đến quản lý tài nguyên nước vào cuộc sống, triển khai thực hiện nghiêm túc các quy định của Luật Tài nguyên nước, các chương trình, kế hoạch hành động đã đề ra, trong đó tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm như: Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, thông tin về tài nguyên nước đến người dân, doanh nghiệp; tăng cường công tác bảo vệ tài nguyên nước; đẩy mạnh công tác điều tra, quy hoạch tài nguyên nước; tập trung thanh tra, kiểm tra; xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật về tài nguyên nước; tập trung xây dựng, triển khai cơ chế, chính sách tài chính về tài nguyên nước nhằm thúc đẩy sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, tổ chức thực hiện có chính sách để thực hiện ưu đãi nhằm khuyến khích các hoạt động phát triển khoa học và công nghệ, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả.

Cùng với đó, tổ chức triển khai thực hiện các quy trình vận hành liên hồ chứa trong trên các lưu vực sông; đồng thời rà soát các quy trình đã ban hành đi đôi với kiểm tra, giám sát việc vận hành của các hồ chứa nhằm phát hiện, xử lý kịp thời các sai phạm; thành lập 6 tổ chức lưu vực sông để triển khai cơ chế điều phối chung trên từng lưu vực nhằm huy động sự tham gia của các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, cộng đồng và người dân để giải quyết có hiệu quả hơn những vấn đề chung trên phạm vi toàn lưu vực.

Ngoài ra, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cũng cho rằng cần thực hiện các giải pháp nhằm giải quyết các vấn đề về khai thác, sử dụng bền vững nguồn nước sông Hồng và Mê Công với các quốc gia thượng nguồn; tổ chức triển khai thực hiện các kiến nghị, đề xuất, giải pháp của Nghiên cứu, đánh giá tác động tích lũy của hệ thống thủy điện trên dòng chính sông Mê Công; đẩy mạnh công tác cảnh báo, dự báo diễn biến lượng mưa, tài nguyên nước và xâm nhập mặn phục vụ công tác điều tiết nguồn nước, đảm bảo đời sống, sinh hoạt và sản xuất của nhân dân, nhất là khu vực miền Trung, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long.

Tại buổi lễ, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang kêu gọi các cấp, các ngành hãy cùng nhau cam kết xây dựng những chính sách đảm bảo an ninh nước hướng tới phát triển một xã hội bền vững. Để làm được điều đó, cần nâng cao hiệu quả sử dụng nước trong mọi ngành, lĩnh vực. Đây là yêu cầu nhất quán và thống nhất trong các chính sách điều phối, phối hợp của chính quyền các cấp ở Trung ương và địa phương.

Đối với các địa phương trên cả nước, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang đề nghị cần nhận thức một cách sâu sắc yêu cầu cấp bách phải bảo vệ, sử dụng tiết kiệm hiệu quả nguồn tài nguyên nước. Đối với các địa phương miền núi, vùng sâu, vùng xa, các cấp chính quyền cần quán triệt sâu rộng trong tầng lớp nhân dân về tầm quan trọng của công tác bảo vệ rừng đầu nguồn nhằm duy trì và phát triển nguồn nước, nguồn sinh thủy cho các dòng sông, hồ chứa để cấp nước, phòng, chống lũ hiệu quả hơn không chỉ cho chính mình mà còn cho cả các khu vực rộng lớn ở hạ du. Đối với các địa phương vùng đồng bằng, ven biển, đặc biệt là đồng bằng sông Cửu Long, cần tích cực trồng cây, bảo vệ, phát triển rừng ngập mặn, rừng chắn cát, gia tăng các công trình giữ nước để bảo vệ nguồn nước và ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.

Cũng nhân dịp này, Bộ trưởng đề nghị mọi tổ chức, cá nhân, các doanh nghiệp trên cả nước hãy có những sáng kiến, hành động cụ thể, thiết thực nhằm sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả hơn và cùng chung tay gìn giữ, bảo vệ các dòng sông, các nguồn nước không chỉ cho hôm nay mà còn cho các thế hệ mai sau. Bộ trưởng mong rằng cả hệ thống chính trị và nhân dân cả nước sẽ chung tay sớm khắc phục thiệt hại do hạn hán gây ra cho các tỉnh miền Trung và đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian qua.

Để chung tay bảo vệ nguồn nước, duy trì và phát triển bền vững các ngành nghề, cũng như tạo thêm nhiều việc làm có liên quan đến nước trên địa bàn tỉnh, thay mặt Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa, ông Nguyễn Đình Xứng, Phó bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cũng kêu gọi sự quan tâm và tham gia tích cực của các cơ quan, đoàn thể, chính quyền các cấp, tổ chức xã hội, các nhà tài trợ, tổ chức quốc tế, các cơ quan thông tấn báo chí và cộng đồng dân cư tiếp tục thực hiện các biện pháp để cải thiện, bảo vệ nguồn nước; sử dụng hợp lý, tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên thiên nhiên; khai thác đi đôi với phục hồi và tái tạo; phát triển kinh tế theo hướng thân thiện với môi trường; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước đối với việc khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước; đảm bảo phát triển bền vững trên cơ sở giữ gìn môi trường sống, ổn định sản xuất và tạo việc làm cho người dân.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Tom Kom pier – Bí thư thứ nhất về nước và khí hậu của Đại sứ quán Vương quốc Hà Lan nhấn mạnh: “Bảo vệ nguồn nước không chỉ là hành động mà còn thể hiện một thái độ sống. Hành động của mỗi người chúng ta cùng với tất cả sẽ đem lại sự thay đổi. Không gây ô nhiễm! Không vứt rác vào nguồn nước! Không lãng phí nước! Hãy cùng nhau chung tay bảo vệ nguồn nước và tạo nên một tương lai thịnh vượng và bền vững cho tất cả chúng ta!”

Bộ TNMT
Từ khóa:

Tin liên quan

Bộ VHTTDL hưởng ứng Tuần lễ quốc gia không thuốc lá 25-31/5

(TITC) – Ngày 14/5, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành văn bản số 2134/BVHTTDL-PC về việc tăng cường thực thi hiệu quả Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá (PCTHTL), triển khai Chiến lược quốc gia về PCTHTL và Nghị quyết số 173/2024/QH15 của

Để tín chỉ carbon làm tài sản bảo đảm

Thị trường tín chỉ carbon đang được kỳ vọng trở thành một trong những công cụ quan trọng giúp Việt Nam hiện thực hóa cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Không những thế, thị trường carbon còn giúp doanh nghiệp chuyển đổi xanh. Rừng ngập mặn

Du lịch Đà Nẵng vào mùa cao điểm: Điểm đến văn minh, thân thiện

Điện Biên: Phê duyệt đề cương thành lập Vườn Quốc gia Mường Nhé

Cô Tô phát triển du lịch gắn với bảo vệ môi trường

Xem tiếp

Tin nổi bật

Bộ VHTTDL hưởng ứng Tuần lễ quốc gia không thuốc lá 25-31/5

Để tín chỉ carbon làm tài sản bảo đảm

Sóc Trăng tổ chức mít tinh hưởng ứng Ngày Quốc tế Đa dạng sinh học năm 2025

Bắc Kạn: Tập huấn bảo vệ môi trường trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch

Khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số: Chìa khóa phát triển đại dương bền vững

Xem nhiều nhất

Bình Định: Triển khai các giải pháp bảo tồn đa dạng sinh học
Enchanting journey to Binh Chau Beach
Kiên Giang: Bảo tồn động vật hoang dã ở Vườn quốc gia U Minh Thượng
Biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng lớn đối với Việt Nam
Bình Định: Bảo tồn đa dạng sinh học để phát triển bền vững
No posts found

Cơ quan chủ quản: CỤC DU LỊCH QUỐC GIA VIỆT NAM

Đơn vị thực hiện: TRUNG TÂM THÔNG TIN DU LỊCH

Địa chỉ: Số 33, ngõ 294/2 đường Kim Mã, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội

Chịu trách nhiệm nội dung: Trung tâm Thông tin du lịch

Giấy phép số: 78/GP-TTĐT cấp ngày 29 tháng 5 năm 2020

Lượt truy cập:

79037961

DANH MỤC CHÍNH

  • Trang chủ
  • Tin tức, sự kiện
  • Du lịch xanh
  • Biến đổi khí hậu
  • Văn hoá, di sản
  • Chương trình dự án
  • Mô hình, kinh nghiệm
  • Phóng sự ảnh
  • Video
  • Trang chủ
  • Tin tức, sự kiện
  • Du lịch xanh
  • Biến đổi khí hậu
  • Văn hoá, di sản
  • Chương trình dự án
  • Mô hình, kinh nghiệm
  • Phóng sự ảnh
  • Video
nentangso
ic-dulichvn-org
ic-vietnam-travel
ic-moitruogndulich-vn
© TITC