Bên cạnh việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cơ quan thực thi pháp luật tỉnh Nghệ An đã tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ các loài hoang dã.
Theo đánh giá của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Việt Nam là một trong những quốc gia có mức độ đa dạng sinh học cao của thế giới, với nhiều hệ sinh thái khác nhau như: Núi, rừng nhiệt đới, núi đá vôi, hệ sinh thái biển và ven biển... Đến nay, Việt Nam có khoảng gần 63.000 loài sinh vật đã được xác định, trong đó khoảng 3.500 loài động vật không xương sống và cá nước ngọt; 1.932 loài động vật có xương sống trên cạn và hơn 11.000 loài sinh vật biển...
Còn tại tỉnh Nghệ An, địa phương hiện có hơn 1 triệu héc ta rừng và đất lâm nghiệp, là tỉnh có diện tích rừng và đất lâm nghiệp lớn nhất cả nước. Diện tích rừng của Nghệ An chủ yếu phân bố ở 11 huyện miền Tây Nghệ An (chiếm 84% diện tích cả tỉnh), có đặc điểm địa hình miền núi cao rất thuận lợi cho phát triển nhiều ngành nghề thuộc nhiều lĩnh vực. Trong đó có Lâm nghiệp như: kinh tế rừng (khoanh nuôi, bảo vệ, trồng rừng), trồng dược liệu, sản xuất nông sản sạch (chăn nuôi, trồng trọt), phát triển du lịch…
Miền Tây xứ nghệ với điểm nhấn là Khu dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An, là một trong những khu dự trữ sinh quyển có diện tích lớn nhất khu vực Đông Nam Á; là hành lang xanh nối kết 3 vùng lõi gồm Vườn Quốc gia Pù Mát, Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Huống và Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt, nơi có sự đa dạng sinh học rất lớn.
Cùng với đó là diện tích rừng rộng lớn của các Ban quản lý rừng phòng hộ, đất Nông Lâm trường. Đây không những là khu vực có giá trị lớn về khoa học, môi trường mà còn có sự đa dạng sinh học. Đơn cử tại Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt nằm trên địa bàn 9 xã thuộc huyện vùng biên Quế Phong (tỉnh Nghệ An), gồm xã Tiền Phong, Thông Thụ, Hạnh Dịch, Nậm Giải, Đồng Văn, Tri Lễ, Nậm Nhoóng, Cắm Muộn và Châu Thôn. Đây là Khu bảo tồn có tính đa dạng sinh học rất cao ở miền Tây xứ Nghệ với các loại động, thực vật vô cùng đa dạng, phong phú. Đối với hệ thực vật, tại Khu bảo tồn đã xác định được 2.425 loài thực vật của 885 chi, 208 họ thuộc 6 ngành thực vật bậc cao.
Trong đó, đã thống kê được 130 loài thực vật có nguy cơ bị đe dọa tuyệt chủng ở mức độ khác nhau. Về động vật, kết quả nghiên cứu đã xác định được 1.315 loài động vật của 221 họ, 56 bộ thuộc 6 lớp; trong đó, đã thống kê được 199 loài động vật có nguy cơ bị đe dọa tuyệt chủng ở các mức độ khác nhau. Các giá trị về đa dạng sinh học và các dữ liệu nghiên cứu về các loài động, thực vật của Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt liên tục được cập nhật, bổ sung thông qua các chương trình, đề tài nghiên cứu. Theo đó, các đơn vị chức năng của tỉnh Nghệ An sẽ thực hiện điều tra, đánh giá về diễn biến môi trường và các giá trị thiên nhiên cần bảo vệ, bảo tồn, trọng tâm là bảo vệ giá trị đa dạng sinh học, đa dạng cảnh quan thiên nhiên, giữ vững mức độ che phủ rừng, nâng cao chất lượng rừng, phục hồi hệ sinh thái rừng bị suy thoái, cải thiện nâng cao chất lượng môi trường, giảm phát thải khí nhà kính.
Tỉnh Nghệ An cũng thành lập Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Xai Lai Leng thuộc Khu Dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An; nghiên cứu phương án chuyển khu vực có tính đa dạng sinh học cao và đặc sắc từ xã Tam Hợp, huyện Tương Dương đến xã Nậm Càn và xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn thành rừng đặc dụng, kết nối với Vườn Quốc gia Pù Mát và Khu bồi hoàn sinh thái Bôlykhamxay (Lào).
Nhiều loài chim hoang dã được sinh sống, bảo tồn tại các Khu bảo tồn của tỉnh Nghệ An. (Ảnh minh họa: MH).
Tỉnh xây dựng tổng thể các hành lang đa dạng sinh học, kết nối hành lang Vườn Quốc gia Pù Mát - đỉnh Pù Xai Lai Leng - Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt với các hành lang liên vùng và liên biên giới với Lào… Ngoài ra, Nghệ An đặt ra mục tiêu xây dựng các mô hình kinh tế sinh thái thông qua các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, khai thác và quản lý hiệu quả, bền vững các tài nguyên thiên nhiên rừng, giá trị đặc sắc văn hóa truyền thống cộng đồng.
Đặc biệt là phát huy giá trị đa dụng hệ sinh thái rừng, chi trả dịch vụ môi trường rừng, kinh doanh tín chỉ carbon, phát triển du lịch sinh thái, cảnh quan, gắn liền với bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu... nhằm tạo thêm sinh kế, nâng cao giá trị sản phẩm và cải thiện thu nhập cho người dân ở khu vực miền Tây Nghệ An. Do đó, địa phương đã tăng cường triển khai các giải pháp đồng bộ nhằm đẩy mạnh công tác bảo tồn đa dạng sinh học, và các loài hoang dã.
Mới đây nhất, nhằm nâng cao công tác tuyên truyền, cơ quan thực thi pháp luật về bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ các loài hoang dã, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Công văn số 53/UBND-NN giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở NN&PTNT và các Sở, ngành, đơn vị liên quan căn cứ Công văn số 9298/BTNMT –BTĐD ngày 31/12/2024 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc đẩy mạnh thực thi pháp luật, tuyên truyền, phổ biến công tác bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ các loài hoang dã.
Theo đó, tại Công văn số 9298/BTNMT-BTĐD, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan truyền thông tăng cường đưa tin, phát sóng các thông điệp, phóng sự, bản tin tuyên truyền pháp luật về bảo tồn đa dạng sinh học, kiểm soát loài ngoại lai xâm hại, bảo vệ các loài hoang dã nguy cấp, quý, hiếm; bảo tồn chim hoang dã, di cư tại Việt Nam.
Đồng thời yêu cầu cán bộ, công chức, người lao động và người dân không tham gia săn, bắt, mua, bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ, tàng trữ, quảng cáo động vật hoang dã, chim di cư trái pháp luật; không nuôi, trồng, mua bán, phóng sinh các loài ngoại lai xâm hại; không mua các cá thể chim để phóng sinh vì đây là hành vi tiếp tay cho các hoạt động săn, bẫy chim hoang dã trái phép. Chỉ đạo cơ quan thực thi pháp luật gồm: Kiểm lâm, kiểm ngư, quản lý thị trường, hải quan, biên phòng, cảnh sát biển, công an tăng cường công tác phối hợp liên ngành, thanh tra, kiểm tra thường xuyên các nhà hàng, cơ sở nuôi, kinh doanh động vật hoang dã, chợ chim hoang dã, các tuyến vận chuyển hàng hóa trọng điểm, đầu nậu về săn, bắt, buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ các loài động vật hoang dã, chim di cư.
Ngăn chặn các hành vi săn, bắt, buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ trái phép và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ các loài động vật, thực vật hoang dã, chim di cư tại Việt Nam; thực hiện các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh có nguồn gốc từ động vật hoang dã, chim di cư. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát các hoạt động nuôi, trồng, buôn bán, phóng sinh các loài ngoại lai xâm hại ra môi trường tự nhiên, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Với việc nỗ lực bảo tồn đa dạng sinh học cùng các loài hoang dã, Nghệ An đã và đang từng bước ngăn chặn đà suy giảm đa dạng sinh học, hướng tới bảo tồn thiên nhiên, phục hồi các hệ sinh thái tại địa phương hiệu quả và bền vững.
Hoàng Phúc