Cửu đỉnh ở Thế Miếu Đại Nội Huế là báu vật bằng đồng vô giá của Việt Nam. Đất nước Việt Nam được thể hiện qua bộ Cửu đỉnh bởi những hình ảnh về thế sông, dáng núi, cảnh đèo, cửa biển, sản vật. Cũng như một số địa phương khác, hình ảnh non nước Quảng Bình cũng đã thể hiện thế đứng của mình trên từng hình của Cửu đỉnh. Đây là niềm tự hào, kiêu hãnh của người dân Quảng Bình xưa nay.
Những hình ảnh về non nước Quảng Bình xưa đã giúp cho ta gợi nhớ về nay, đó là một dòng sông Gianh huyền thoại, một cổng thành Quảng Bình tráng lệ hiên ngang án ngữ hướng Bắc của kinh đô, một dãy Hoành Sơn hùng vĩ hay một cửa ải thiêng liêng. Tất cả đều còn hiện hữu với trời đất, với con người hôm nay. Ở trên bộ Cửu đỉnh, khi nhắc tới các hình ảnh núi non thì có 9 ngọn núi lớn được chạm khắc lưu dấu, gồm: Núi Ngự Bình, Thương Sơn và Duệ Sơn ở Thừa Thiên Huế, núi Đại Lãnh giáp với 2 tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa, Hải Vân quan giữa Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng, núi Hồng Sơn ở Hà Tĩnh, núi Hoành Sơn ở Quảng Bình, núi Thiên Tôn ở Thanh Hóa, núi Tản Viên ở Hà Nội.
9 con sông lớn được khắc hình trên Cửu đỉnh, gồm: Ngư Chử giang (sông Bến Nghé), Hương giang (sông Hương) ở Thừa Thiên Huế, Linh giang (sông Gianh) ở Quảng Bình, Mã giang (sông Mã) ở Thanh Hóa, Thạch Hãn giang (sông Thạch Hãn) ở Quảng Trị, Lam giang (sông Lam) ở Nghệ An, Nhĩ Hà (sông Hồng) ở các tỉnh Bắc bộ và Hà Nội, Lô Hà (sông Lô) chảy qua các tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Bạch Đằng giang (sông Bạch Đằng) ở Quảng Ninh và Hải Phòng.
Hoành Sơn trên Huyền đỉnh.
9 cửa biển, cửa quan, biển và cầu vồng được khắc hình trên Cửu đỉnh, gồm: Đông Hải (biển phía Đông Việt Nam), Nam Hải (biển phía Nam Việt Nam), Tây Hải (biển phía Tây Việt Nam), Thuận An hải khẩu (cửa Thuận An) ở Thừa Thiên Huế, Cần Giờ hải khẩu (cửa biển Cần Giờ) ở TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng hải khẩu (cửa biển Đà Nẵng), Quảng Bình quan (cửa thành ở Quảng Bình), Hồng (cầu vồng) và cửa sông Tiền, sông Hậu ở Nam bộ.
Như vậy, về mặt địa danh, Quảng Bình có núi Hoành Sơn, có cửa thành Quảng Bình và sông Gianh được khắc hình trên Cửu đỉnh. Sở dĩ những địa danh đó được đưa vào hình Cửu đỉnh bởi những dấu ấn văn hóa lịch sử riêng biệt của nó và 3 địa danh này đều gắn bó với thời các chúa Nguyễn cho đến các vị vua đầu triều Nguyễn.
Trong sách “Đất nước Việt Nam qua Cửu đỉnh Huế” của Dương Phước Thu: Linh giang tức con sông Linh, thường gọi là sông Gianh, nước sông quanh năm trong xanh nên còn có tên là sông Thanh Hà, lòng sông rộng trung bình khoảng 680m, đoạn rộng nhất hơn 1.000m, từ nguồn đổ về tận cửa biển dài khoảng 160km, phát nguồn từ 3 nguồn: Từ núi Thanh Lãnh về địa giới huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) chảy qua huyện Tuyên Hóa, đến sông La Hà; từ các núi Kim Linh chảy qua núi Cao Mại, sông hơi sâu và rộng, đến xã Yên Lễ thì hợp lại với sông La Hà; từ Son An Náu chảy về phía Đông qua huyện Minh Hóa nhập vào sông La Hà, rồi từ đây đổ ra biển tại cửa sông Gianh. Dọc hai bên bờ sông, từ đầu nguồn trở xuống toàn là núi đá vôi.
Nhà nghiên cứu Dương Phước Thu đã cho rằng: Hồi Nguyễn Hoàng nương theo lời sấm Trạng Trình, năm 1558 ông nhận lệnh vua Lê mới vào trấn thủ, khai phá Đàng Trong, lấy địa thế Hoành Sơn và sông Gianh mà hoạch định chiến lược. Sau khi ông mất vào năm 1613, được một thời gian, người con trai của ông là chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên, nhân cớ chúa Trịnh Tráng sai tướng đem quân vào đánh, ông bèn đối đầu với Đàng Ngoài, lấy sông này làm giới hạn. Cho nên, có tên “Nam Hà - Đàng Trong” và “Bắc Hà - Đàng Ngoài” để hai họ Trịnh - Nguyễn phân tranh, cát cứ hai miền, rạch đôi sơn hà từ buổi ấy và kéo dài hơn 200 năm sau.
Lại gần cửa biển, quen gọi là cửa Gianh, sóng gió dữ dội, hai bờ cách trở như hào rãnh của trời, cùng với Nhật Lệ làm thế hiểm yếu trong ngoài.
Trước kia, người phương Bắc đạp đất phía Nam, khi qua sông Gianh, họ có câu ca rằng: “Mạnh khôn vượt được Thanh Hà, Dẫu rằng có cánh khó qua lũy dài”. Ý nói là sông núi ở đây hiểm trở, khó vượt qua được.
Như vậy, sông Gianh có tầm quan trọng lớn trong cái nhìn địa chính trị của vùng đất xứ Đàng Trong cho đến nay, vì thế năm Minh Mạng thứ 17, đúc xong Cửu đỉnh, đã lấy hình tượng sông Gianh khắc vào Chương đỉnh. Năm Thiệu Trị thứ 4, dựng bia đá ở phía bờ Nam và đến đầu triều Tự Đức được chép vào điển thờ, hàng năm sai quan sắm lễ vật đến tế.
Quảng Bình quan là hình ảnh thứ 16 được khắc trên Nghị đỉnh, tức cửa thành Quảng Bình, còn gọi là cửa thành Đồng Hới nằm về phía Đông, trên hệ thống Định Bắc Trường Thành. Thời chúa Nguyễn Phúc Nguyên, quân sư Đào Duy Từ (1572 - 1634) hiến kế đắp lũy ở Nhật Lệ, cửa này được làm bằng đất cùng với 2 cửa khác là Lý Chính Đại Quan (sau đổi thành Võ Thắng quan), cửa thứ 3 là Thủ Ngự, để chống giữ phía biển Nhật Lệ.
Theo nhà nghiên cứu Dương Phước Thu: “Hệ thống Định Bắc Trường Thành dài 3.000 trượng, từ Đầu Mâu đến cửa Nhật Lệ, tạo nên một phòng tuyến quân sự vững chắc, nhằm ngăn chặn trước sự tấn công của đối phương. Cũng nhờ thành lũy quân sự này mà các chúa Nguyễn vững tâm hơn khi tiến xuống phương Nam. Về sau, để ghi nhớ công lao của quân sư Đào Duy Từ, người ta tôn gọi công trình này là Lũy Thầy. Thời trước, đường bộ từ Bắc vào Phú Xuân nhất thiết phải đi qua cổng thành Quảng Bình. Nhưng rồi thời gian hoang hóa, đến thời vua Nguyễn mới cho sửa lại”.
Quảng Bình quan là niềm tự hào của triều đại, gắn liền với sự nghiệp khai quốc công thần của Đào Duy Từ. Ngoài ra nó còn có giá trị cao về lịch sử và văn hóa, là biểu tượng của vùng đất địa linh nhân kiệt Quảng Bình. Năm 1996, Quảng Bình đã khôi phục lại biểu tượng duy nhất về cổng thành được chọn khắc lên Cửu đỉnh.
Hoành Sơn, là hình thứ 7 trên Huyền đỉnh. Đây là dãy núi nằm ngang, phân định ranh giới tự nhiên giữa tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình. Ở đây có dãy núi băng ngang, đường đi quanh co, lên xuống nên quen gọi là đèo Ngang. Đèo cao 256m, dài 6km, giáp địa phận huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh.
Khi phân tranh Đàng Trong - Đàng Ngoài, lấy sông Gianh làm ranh giới thì núi thuộc về Đàng Ngoài. Vào đầu niên hiệu Gia Long mới đặt dinh Quảng Bình, lấy núi này làm giới hạn giữa Nghệ An - Quảng Bình (lúc bấy giờ chưa lập tỉnh Hà Tĩnh). Năm Minh Mạng thứ 14, triều đình cho đặt cửa quan trên đèo, đóng quân phòng thủ. Năm Minh Mạng thứ 17, đúc xong Cửu đỉnh, cho khắc hình tượng Hoành Sơn lên Huyền đỉnh.
Hoành Sơn cũng đã đi vào thơ ca của nhiều thế hệ, đặc biệt là bài Qua đèo Ngang của Bà Huyện Thanh Quan:
Bước tới đèo Ngang, bóng xế tà,Cỏ cây chen đá, lá chen hoa.Lom khom dưới núi, tiều vài chú,Lác đác bên sông, chợ mấy nhà.Nhớ nước đau lòng, con cuốc cuốc,Thương nhà mỏi miệng, cái gia gia.Dừng chân đứng lại trời, non, nước,Một mảnh tình riêng, ta với ta.
Giờ đây, đèo Ngang đã thay đổi khác xưa, có hầm đường bộ thông tuyến, đời sống của người dân nơi đây đã đổi thay nhiều. Trên đường đèo cũ hiện là điểm du lịch hấp dẫn đối với du khách khi ghé ngang qua Quảng Bình, đứng trên đèo Ngang nhìn xa xa có thể ngắm cảnh biển cả mênh mông, với Vũng Chùa - Đảo Yến, Hòn La, Hòn Gió, Hòn Nồm.
Bên cạnh 3 địa danh nổi tiếng được thể hiện trên Chương đỉnh, Nghị đỉnh và Huyền đỉnh của bộ Cửu đỉnh thì vùng đất Quảng Bình còn có một số sản vật của núi, rừng, sông, biển góp phần vào sự phong phú đa dạng sản vật xứ Đàng Trong, Đại Nam, Việt Nam xưa và nay.
Khi quan sát về bộ Cửu đỉnh, có nhiều sản vật mà hình ảnh khắc trên Cửu đỉnh đều có ở vùng đất Quảng Bình, như: Chim trĩ, được khắc hình ở Cao đỉnh đặt ở chính giữa tượng trưng cho sự vĩ đại. Trầm hương, cây mít được khắc hình ở Cao đỉnh. Trên Chương đỉnh, sản vật Quảng Bình còn có giới tục danh là củ kiệu. Cây dâu, được khắc hình ở Anh đỉnh, Nhà nghiên cứu Dương Phước Thu đã có nói “Ở tỉnh Quảng Bình có cây dâu núi khác với cây dâu tằm”.
Đặc sản chim yến (Yến Oa) đúc trên Chương đỉnh. Ngũ diệp lan hay còn gọi là lan 5 lá được đúc trên Huyền đỉnh.
Non nước Quảng Bình trên hình Cửu đỉnh đã phác họa được một vùng đất vốn chịu nhiều mất mát đau thương trong chiến tranh nhưng lại rất đỗi hào hùng. Vùng đất Quảng Bình lại giàu tài nguyên khoáng sản. Ví như sông Gianh có nhiều loài tôm, cua, cá. Ví như đèo Ngang, cửa thành Quảng Bình giờ là những điểm du lịch lý tưởng, cộng thêm vào đó Quảng Bình đang sở hữu nhiều di tích, danh lam thắng cảnh, hang động đẹp, ngày càng thu hút nhiều du khách đến với Quảng Bình.
Trần Nguyễn Khánh Phong