Ngày 26/5/2009, Tổ chức Giáo dục và Văn hóa của Liên hợp quốc UNESCO đã chính thức công nhận Khu dự trữ sinh quyển thế giới Mũi Cà Mau.
Ðây là một trong tám Khu dự trữ sinh quyển và hai di sản thiên nhiên của Việt Nam nằm trong chương trình con người và sinh quyển (MAB) của UNESCO. Ngày 24/4/2010, UBND tỉnh Cà Mau tổ chức lễ đón nhận danh hiệu này cùng với phát động Tuần Văn hóa-Du lịch Ðất Mũi.
Khu dự trữ sinh quyển là mô hình phát triển bền vững để lại thế hệ mai sau với phương châm "bảo tồn cho phát triển và phát triển cho bảo tồn". Các Khu dự trữ sinh quyển phải là đại diện cho các hệ sinh thái tiêu biểu, vùng địa lý sinh học có ý nghĩa bảo tồn đa dạng sinh học, có cơ hội phát triển bền vững và có diện tích đủ lớn để thực hiện ba chức năng: Bảo tồn, phát triển, trợ giúp với sự tham gia của cộng đồng và có cơ chế quản lý, chính sách quản lý rõ ràng. Khu dự trữ sinh quyển thế giới Mũi Cà Mau có tổng diện tích tự nhiên là 371.506 ha, bao gồm Vườn quốc gia Mũi Cà Mau, Rừng phòng hộ và bãi bồi ven Biển Tây thuộc các huyện Năm Căn, Ngọc Hiển, Trần Văn Thời và rừng tràm Vườn quốc gia U Minh hạ, được chia thành ba vùng: vùng lỏi diện tích 17.329 ha; vùng đệm 43.309 ha và vùng chuyển tiếp diện tích 310.868 ha. So với các vùng sinh thái khác, Khu dự trữ sinh quyển Mũi Cà Mau có những đặc trưng nổi bật là vùng ngập mặn lớn nhất Việt Nam và nổi tiếng trên thế giới về năng suất sinh học cao nhất trong các hệ sinh thái rừng tự nhiên. Ở đây còn giữ được diễn thế nguyên sinh trên nền đất mới bồi tụ; tạo nên những quần xã thực vật đặc trưng của hệ sinh thái; đồng thời nơi cư trú, tạo nên bãi đẻ và nuôi dưỡng ấu trùng của các loài thủy hải sản cho cả một vùng rộng lớn của Vịnh Thái-lan. Rừng phòng hộ ven Biển Tây có cấu trúc đặc biệt về địa chất bờ biển thẳng không có eo, vịnh, là cầu nối chuyển tiếp giữa hai hệ sinh thái đặc trưng ở bán đảo Cà Mau: rừng ngập mặn và rừng tràm, chứa đựng nhiều nguồn lợi phong phú về tài nguyên biển và đất liền.
Rừng tràm Vườn quốc gia U Minh hạ là kiểu rừng ngập lợ chua phèn mang nét đặc trưng của vùng đất Nam Bộ. Ở đây còn giữ được kiểu diễn thể nguyên sinh của rừng tràm trên nền đất than bùn được tích tụ hàng trăm năm, với tính đa dạng sinh học rất cao. Về đa dạng sinh học: Vườn quốc gia Mũi Cà Mau có 22 loài thực vật trong rừng ngập mặn đã được phát hiện đại diện cho các kiểu rừng thuần loại, hỗn giao giữa cây đước-vẹt-mấm... Trong đó, có loài mấm trắng (vicenia alba) là loài tiên phong lấn biển cố định đất với hệ thống rẽ đặc biệt chịu được sóng gió và độ mặn cao. Hệ động vật có 13 loài thuộc chín họ, trong đó có hai loài được ghi trong Sách đỏ thế giới IUCN, như khỉ đuôi dài và cà khu. Lớp chim có 72 loài thuộc 32 họ, trong đó có 5 loài có trong Sách đỏ của IUCN, như cò trắng Trung Quốc, bồ nông chân xám, giang sen, rẻ mỏ cong hông nâu, quắm trắng. Bò sát gồm 17 loài thuộc chín họ, trong đó có hai loài nằm trong Sách đỏ IUCN, 6 loài trong Sách đỏ Việt Nam; lưỡng cư có năm loài thuộc ba họ; các loài cá phát hiện được gồm 175 loài thuộc 116 giống và 77 họ; tôm có 14 loài; động vật phiêu sinh có 133 loài. Vườn quốc gia U Minh hạ có tổng diện tích 8.528 ha; ở đây có 79 loài thực vật thuộc 65 chi, 36 họ; động vật rất phong phú và đa dạng trong đó lớp thú có 32 loài; lớp chim có 74 loài; bò sát có 36 loài; lưỡng cư có 11 loài đặc biệt có nhiều loài quý hiếm có tên trong Sách đỏ Việt Nam và thế giới như: rái cá, tê tê, rắn hổ mang chúa, trăn, rắn, rùa răng, diệc lửa. Cá đồng là một nguồn lợi thiên nhiên rất phong phú ở U Minh hạ, tiêu biểu là các loài: cá lóc, cá trê, cá rô, cá bổi, cá thác lác, lươn đồng...
Về đa dạng văn hóa: trong khu dự trữ sinh quyển Mũi Cà Mau có dân số 170.321 người gồm ba dân tộc chính là: Kinh, Hoa, Khmer sống hòa đồng với nhau. Các cộng đồng dân cư này có những bản sắc văn hóa riêng và hiện nay còn lưu giữ được như lễ hội nghinh ông, lễ hội Bà Nam Hải, hội cá đường khai long, giai thoại về Bác Ba Phi... Các ngành nghề truyền thống như: nghề làm mắm, nghề làm cá khô, nghề gác kèo ong ở rừng U Minh hạ... Bản sắc văn hóa này mang đậm dấu ấn đặc trưng của những cư dân đầu tiên đến khai hoang mở đất hàng trăm năm trước đây.
Việc UNESCO công nhận Khu dự trữ sinh quyển thế giới Mũi Cà Mau là niềm tự hào của tỉnh; lần đầu có một danh hiệu tầm cỡ thế giới, khẳng định vị thế của Mũi Cà Mau trong tiến trình hội nhập quốc tế và phát triển bền vững. Ðây là một cơ hội nhưng cũng là một thách thức; vì thế đòi hỏi phải nâng cao công tác quản lý trong điều kiện mới theo phương châm: "bảo tồn để phát triển và phát triển để bảo tồn". Ðể đạt được mục tiêu bảo tồn gắn với phát triển kinh tế ở Khu dự trữ sinh quyển thế giới Mũi Cà Mau, trước hết cần tận dụng thương hiệu Khu dự trữ sinh quyển để phát triển khu du lịch sinh thái gắn với tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương, nhất là các xã nghèo ở vùng sâu, vùng xa. Ngày nay, du lịch được coi là "ngành công nghiệp không khói", nên biết cách đầu tư với nhiều loại hình, đa dạng dịch vụ phục vụ du lịch sẽ tạo nên nguồn thu nhập đáng kể cho người dân. Kinh nghiệm của các Khu dự trữ sinh quyển và di sản thiên nhiên khác như: Cát Bà, Hạ Long, Phong Nha-Kẻ Bàng: một khách du lịch đến tham quan và nghỉ lại sẽ tạo ra việc làm và thu nhập cho mười người dân địa phương. Vì thế, sau vài năm được UNESCO công nhận, doanh thu của các khu vực này tăng từ năm, sáu lần so với trước. Ðây cũng là kinh nghiệm đáng học tập, tận dụng cơ hội để phát triển, quảng bá du lịch, đặc biệt tại Khu dự trữ sinh quyển Mũi Cà Mau. Vùng đất phương Nam của Tổ quốc biểu hiện của sự thống nhất toàn vẹn lãnh thổ từ "rừng dương Trà Cổ đến rừng đước Mũi Cà Mau", nay có thêm danh hiệu Khu sinh quyển thế giới lại càng hấp dẫn du khách hơn. Do đó, cần khẩn trương xây dựng các đề tài dự án đầu tư phát triển bảo tồn, nghiên cứu khoa học để kêu gọi đầu tư và tranh thủ sự giúp đỡ của các tổ chức quốc tế.
Xây dựng được bộ máy quản lý để điều phối chung các hoạt động trong khu dự trữ sinh quyển. Mô hình quản lý nên mở rộng thành phần có sự tham gia của doanh nghiệp và các hội nghề nghiệp; chú trọng đầu tư; xây dựng đăng ký nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý các loại sản phẩm hàng hóa, các nhà hàng khách sạn ở Khu dự trữ sinh quyển. Các sản phẩm nổi tiếng ở Cà Mau như cá khô, tôm khô, mật ong U Minh hạ, nước mắm, đũa đước và các hàng thủ công mỹ nghệ... sẽ được đăng ký thương hiệu gắn với biểu tượng Khu dự trữ sinh quyển thế giới Mũi Cà Mau để quảng bá và tăng giá trị của các sản phẩm này đối với thị trường trong và ngoài nước. Tăng cường khâu kiểm soát ô nhiễm môi trường, tạo mỹ quan và văn hóa ứng xử tại các điểm du lịch trong khu dự trữ sinh quyển. Ðặc biệt là cần đổi mới cơ chế quản lý du lịch, hiện nay gắn các doanh nghiệp làm du lịch với các Ban quản lý rừng, tạo được sự đồng thuận trên cơ sở lợi ích của các bên có sự tham gia của cộng đồng dân cư địa phương.
Nhận thức đúng đắn về vị trí và vai trò của Khu dự trữ sinh quyển Mũi Cà Mau trong xu thế hội nhập quốc tế và phát triển bền vững là trách nhiệm của các nhà quản lý, các nhà khoa học và các doanh nghiệp và cộng đồng dân cư. Do đó, cần đồng tâm hiệp lực để bảo tồn và phát triển Khu dự trữ sinh quyển Mũi Cà Mau vì lợi ích chung.
Kỹ sư Trần Phú Cường
Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Cà Mau