Bình Phước là vùng đất sở hữu nhiều di sản văn hóa và văn hóa đa dạng của 41 dân tộc cùng giá trị tài nguyên thiên nhiên, cảnh quan độc đáo. Đây là tiềm năng, thế mạnh để tỉnh khai thác du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, trải nghiệm hệ sinh thái rừng, du lịch văn hóa - lịch sử… qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch xanh và bền vững.

Du khách trải nghiệm giã gạo tại Ngày hội kết bạn cộng đồng của người M’nông tại huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước.
Đồng bào Xtiêng là dân tộc sống lâu đời trên mảnh đất Bình Phước với bức tranh văn hóa đa dạng bản sắc. Các lễ hội truyền thống tiêu biểu của người Xtiêng có mừng lúa mới, cưới trả của và lễ hội đâm trâu. Trong đó, lễ hội mừng lúa mới diễn ra vào mùa thu hoạch hằng năm, là dịp để người Xtiêng bày tỏ lòng biết ơn đối với các vị thần linh và tổ tiên đã phù hộ cho mùa màng bội thu. Đặc biệt, người Xtiêng còn nổi tiếng với kỹ thuật dệt thổ cẩm tinh xảo và những điệu múa dân gian đầy sức sống.
Ở Bình Phước, người M’nông cũng góp phần tích cực vào sự phong phú của văn hóa với các lễ hội và phong tục truyền thống độc đáo. Người M’nông nổi tiếng với nghệ thuật chạm khắc gỗ, đan lát và dệt thổ cẩm. Một trong những lễ hội quan trọng của người M’nông là lễ hội đâm trâu, diễn ra vào dịp đầu năm để cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Trong lễ hội này, người M’nông tổ chức các nghi thức tế lễ, múa hát và các trò chơi dân gian đặc sắc.
Các dân tộc thiểu số ở Bình Phước không chỉ giữ gìn bản sắc văn hóa riêng mà còn tích cực hòa nhập vào xã hội hiện đại, đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của tỉnh. Trong đó, người Xtiêng đóng góp lớn vào lĩnh vực nông nghiệp và bảo tồn văn hóa. Với kỹ thuật canh tác truyền thống và hiện đại kết hợp, họ góp phần gia tăng sản lượng nông sản, nhất là cây công nghiệp như cao-su, điều. Ngoài ra, người Xtiêng còn tham gia tích cực trong các hoạt động văn hóa, giữ gìn và phát huy các giá trị truyền thống; đồng thời, giáo dục thế hệ trẻ về tầm quan trọng của bản sắc dân tộc.
Trong khi đó, người Khmer đóng góp vào sự phát triển giáo dục và văn hóa thông qua các hoạt động tôn giáo và lễ hội. Các ngôi chùa của người Khmer không chỉ là nơi thực hành tín ngưỡng mà còn là trung tâm giáo dục và văn hóa cộng đồng. Và lễ hội Chôl Chnăm Thmây là dịp để người Khmer thể hiện bản sắc văn hóa, góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của cộng đồng.
Hiện nay, Bình Phước đang nỗ lực phát huy giá trị văn hóa các dân tộc anh em gắn với phát triển kinh tế, trong đó, tỉnh đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái gắn với trải nghiệm lễ hội truyền thống các dân tộc nơi đây. Chẳng hạn như những năm qua, khi đến với Vườn quốc gia Bù Gia Mập, du khách được trải nghiệm các nét văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số. Đây là một trong những hoạt động du lịch giúp du khách được trải nghiệm những giá trị văn hóa đặc sắc, qua đó góp phần mở ra cơ hội việc làm và nâng cao thu nhập cho đồng bào người Xtiêng và M’nông nơi đây.
Ông Đỗ Trường Giang, Phó Giám đốc Trung tâm Tuyên truyền, du lịch và cứu hộ, bảo tồn Vườn quốc gia Bù Gia Mập cho biết: “Hiện nay, vườn quốc gia đã xây dựng và duy trì đội ngũ cộng tác viên gồm 70 người, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương, đảm nhiệm vai trò hướng dẫn du khách và tổ chức các hoạt động văn hóa. Đây không chỉ là cơ hội giúp người dân có việc làm mà còn là cách hiệu quả để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc”.
Còn anh Điểu Nhuận, thành viên nhóm biểu diễn nghệ thuật tại Vườn quốc gia Bù Gia Mập chia sẻ: "Trước đây, cuộc sống của gia đình tôi khá khó khăn, nhưng từ khi tham gia nhóm cộng đồng văn hóa, gia đình tôi có thêm thu nhập. Thông qua các buổi biểu diễn văn hóa phục vụ du lịch, chúng tôi quảng bá được các nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình; đồng thời, lưu truyền cho các thế hệ con cháu sau này".
Bên cạnh duy trì và phát triển các chương trình giao lưu văn hóa, Vườn quốc gia Bù Gia Mập đang hướng tới việc mở rộng thêm hoạt động trải nghiệm hấp dẫn, nhằm mang đến du khách những góc nhìn chân thực và sâu sắc hơn về thiên nhiên cũng như đời sống văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số. Ông Giang cho biết thêm: Thời gian tới, du khách sẽ có cơ hội tham gia các tour khám phá rừng nguyên sinh, tận mắt chiêm ngưỡng hệ sinh thái đa dạng, tìm hiểu về các loài động, thực vật quý hiếm và hòa mình vào thiên nhiên hoang dã. Song song đó, những hoạt động học cách chế biến ẩm thực dân tộc cũng được triển khai, giúp du khách không chỉ thưởng thức mà còn trực tiếp tham gia quá trình chế biến các món ăn đặc trưng của người Xtiêng, M’nông như canh thụt, cơm lam, rượu cần… Những hoạt động này giúp du khách có cơ hội khám phá, trải nghiệm và đóng vai trò quan trọng trong việc tạo thêm nhiều cơ hội việc làm ổn định cho người dân địa phương.
Phát triển du lịch sinh thái gắn với các hoạt động văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số tại Vườn quốc gia Bù Gia Mập đã và đang mang lại những hiệu quả tích cực, góp phần thay đổi đời sống đồng bào Xtiêng, M’nông nơi đây. Cùng với đó, những giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc anh em được bảo tồn và phát huy thông qua kết hợp với các hoạt động du lịch, tạo nên điểm nhấn đặc sắc trong bức tranh phát triển bền vững, mở ra cơ hội phát triển mới cho du lịch Bình Phước.
Nhất Sơn