Từ những ao đầm nuôi tôm, cua đến những cánh rừng đước bạt ngàn, Cà Mau đang khéo léo biến lợi thế thành giá trị, biến tiềm năng thành sinh kế bền vững. Hướng đi này không chỉ giúp người dân “ly nông bất ly hương”, mà còn lan tỏa bản sắc văn hóa, quảng bá hình ảnh vùng đất cực Nam của Tổ quốc đến với bè bạn năm châu. Đây là hướng đi giàu tiềm năng, cần tiếp tục được đầu tư, nhân rộng và hoàn thiện trong thời gian tới.

Một góc khuôn viên rừng-biển tại Khu du lịch Mũi Cà Mau, thuộc xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau. Ảnh: Tân An
Mô hình mang lại nhiều lợi ích
Cà Mau - mảnh đất vùng cực Nam của Tổ quốc từ lâu đã nổi tiếng với hệ sinh thái đa dạng, những cánh rừng đước, rừng mắm bạt ngàn và vùng biển trù phú. Những lợi thế tự nhiên đó đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân nơi đây phát triển nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là nuôi tôm, cua kết hợp với mô hình du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm. Đây được xem là hướng đi mới đầy triển vọng, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, bảo tồn môi trường tự nhiên và quảng bá hình ảnh đất và người Cà Mau đến với du khách gần xa.
Với đặc thù hơn 80.000ha rừng ngập mặn, đây là địa phương có diện tích rừng ngập mặn lớn nhất cả nước, Cà Mau sở hữu hệ sinh thái phong phú, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển nghề nuôi trồng thủy sản sinh thái, đặc biệt là mô hình tôm - rừng. Trong những năm gần đây, người dân nơi đây còn mạnh dạn kết hợp mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến dưới tán rừng đước, rừng mắm với các hoạt động du lịch trải nghiệm, tạo nên mô hình nuôi trồng thủy sản kết hợp du lịch sinh thái độc đáo.
Mô hình nuôi trồng thủy sản kết hợp du lịch sinh thái ở Cà Mau đã hình thành từ nhu cầu phát triển bền vững: vừa khai thác hiệu quả tài nguyên, vừa bảo vệ môi trường và gìn giữ giá trị văn hóa bản địa. Đặc trưng của mô hình là vừa nuôi trồng thủy sản an toàn, sạch, ít sử dụng hóa chất; vừa mở rộng dịch vụ du lịch như: đi xuồng ba lá xuyên rừng đước, tham quan rừng ngập mặn, trải nghiệm bắt cua, kéo vó tôm, đổ lú bắt cá… Du khách cũng có cơ hội thưởng thức ẩm thực địa phương và tìm hiểu đời sống người dân miệt vườn với các món đặc sản tôm sinh thái, cua Cà Mau, cá thòi lòi nướng, ba khía muối…, đồng thời, lưu trú tại các homestay mộc mạc, mang đậm nét văn hóa miệt vườn.
Ngoài ra, phát triển nuôi tôm sinh thái kết hợp với du lịch còn có nhiều lợi ích như: người dân được nâng cao năng lực nuôi tôm, nhận thức về bảo vệ rừng như trách nhiệm của mình và có thể thương thảo trực tiếp với doanh nghiệp về giá cả. Đồng thời, nhờ tôm được chứng nhận sinh thái, người dân còn được hỗ trợ dịch vụ chăm sóc rừng; cơ quan chức năng quản lý tốt vùng nuôi, tiết kiệm chi phí quản lý; doanh nghiệp được chứng nhận quốc tế, nâng cao uy tín của sản phẩm tôm sạch trên thị trường.
Theo ghi nhận tại một số địa phương tiêu biểu như các huyện Năm Căn, Ngọc Hiển, Đầm Dơi…, mô hình này đã mang lại nhiều kết quả tích cực. Nhiều hộ dân chuyển từ nuôi tôm đơn thuần sang kết hợp làm du lịch đã tăng thêm thu nhập ổn định từ 20-30%. Nguồn lợi thủy sản cũng được phục hồi nhờ cách nuôi xen canh, giảm thiểu tác động hóa chất. Một số mô hình homestay, farmstay giữa rừng đước xanh ngát thu hút ngày càng nhiều du khách trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, nhiều mô hình đã được cấp chứng nhận quốc tế như tôm sinh thái Naturland (Đức), giúp nâng cao giá trị sản phẩm, mở rộng thị trường xuất khẩu. Đánh giá về những hiệu quả từ mô hình mới này, chị Nguyễn Thị Mỹ Linh, chủ cơ sở du lịch cộng đồng tại xã Viên An, huyện Ngọc Hiển chia sẻ: “Trước đây, gia đình chỉ nuôi tôm quảng canh, thu nhập bấp bênh. Từ khi làm thêm dịch vụ du lịch, thu nhập gấp đôi mà lại bền vững. Du khách rất thích trải nghiệm bắt tôm, bắt cua trong rừng đước, ăn hải sản tươi ngay tại ao nuôi”.
Thách thức và định hướng phát triển bền vững
Dù tiềm năng rất lớn, nhưng mô hình này vẫn đối mặt một số khó khăn như: thiếu hạ tầng du lịch đồng bộ, kỹ năng làm du lịch của người dân còn hạn chế, cần thêm giải pháp bảo vệ môi trường nước và bảo tồn cảnh quan rừng ngập mặn.

Bà con đất mũi Cà Mau còn khai thác những sản vật sẵn có của địa phương để phục vụ khách du lịch. Ảnh: Tân An
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, hiện nay, cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển thủy sản trên địa bàn chưa nhiều; các ngành nghề sản xuất thủy sản phát triển còn mang tính tự phát, nhỏ; kiến thức, trình độ, tay nghề của hầu hết người dân còn thấp. Các loại hình nuôi chủ yếu là nuôi sinh thái, nuôi quảng canh cải tiến, quảng canh truyền thống nên năng suất, sản lượng tăng chưa cao; xảy ra dịch bệnh trên tôm, cua kéo dài, diện tích dịch bệnh; tổ chức sản xuất của người dân còn nhỏ lẻ; công tác chuyển giao khoa học công nghệ, xây dựng mô hình đến người dân còn chậm; người dân thực hiện dự án chưa tuân thủ theo quy trình kỹ thuật…; ý thức bảo vệ môi trường trong nuôi trồng thủy sản, trong sinh hoạt, trong cải tạo ao đầm của người dân còn hạn chế; dịch bệnh tôm nuôi càng diễn biến phức tạp.
Ông Phạm Thanh Trung, nông dân nuôi tôm sinh thái dưới tán rừng thuộc ấp Xưởng Tiện, xã Viên An Đông, huyện Ngọc Hiển cho biết: “Từ khi sản xuất theo mô hình nuôi tôm sinh thái dưới tán rừng kết hợp với làm du lịch, môi trường được cải thiện, đất đai được bảo vệ tránh ô nhiễm, giá tôm bán cao hơn… Tuy nhiên, vẫn còn một số hộ nuôi tôm công nghiệp xả thải vào nguồn nước gây ô nhiễm và chết tôm của các hộ dân nuôi tôm sinh thái”.
Để khai thác tối đa lợi thế tự nhiên và gia tăng giá trị cho sản phẩm thủy sản địa phương, tỉnh Cà Mau đang đẩy mạnh mô hình nuôi tôm rừng sinh thái, UBND tỉnh Cà Mau đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích. Cụ thể, từ nay đến năm 2030, Cà Mau sẽ chuyển toàn bộ gần 30.000ha nuôi theo hình thức tôm - rừng sang nuôi tôm sinh thái dưới tán rừng và có trên 25.000ha nuôi tôm rừng sinh thái được chứng nhận. Đồng thời, tỉnh sẽ xúc tiến nhanh các chuỗi sản xuất liên kết với doanh nghiệp xuất khẩu làm nòng cốt để hỗ trợ người dân tiêu thụ sản phẩm với giá cao hơn. Người dân sẽ được hướng dẫn kỹ thuật trồng rừng và nuôi tôm, hỗ trợ giống tôm chất lượng nhằm mở rộng diện tích tôm - rừng hữu cơ, tạo ra sản phẩm sạch và bán được với giá cao.
Đáng chú ý là Đề án phát triển du lịch cộng đồng gắn với nông nghiệp nông thôn, trong đó hỗ trợ vay vốn ưu đãi, tập huấn kỹ thuật nuôi trồng sinh thái, đào tạo kỹ năng làm du lịch cho người dân. Đồng thời, tỉnh đẩy mạnh quảng bá sản phẩm OCOP gắn với du lịch như: tôm khô sinh thái, mật ong rừng U Minh Hạ, ba khía muối Rạch Gốc… Nhiều tuyến du lịch trọng điểm cũng được nâng cấp hạ tầng, kết nối thuận lợi đến các mô hình du lịch cộng đồng tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ dân phát triển dịch vụ như: Vườn quốc gia Mũi Cà Mau, Hòn Đá Bạc, Khu du lịch sinh thái rừng đước Năm Căn… Tuy nhiên, để mô hình này phát triển bền vững hơn nữa, vẫn còn một số khó khăn cần tháo gỡ như: thiếu hạ tầng du lịch đồng bộ, kỹ năng làm du lịch của người dân còn hạn chế, cần có thêm giải pháp bảo vệ môi trường nước trong nuôi trồng và bảo tồn cảnh quan rừng ngập mặn.
Mô hình nuôi trồng thủy sản kết hợp du lịch sinh thái ở Cà Mau không chỉ là sự giao thoa hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo tồn thiên nhiên, mà còn là minh chứng sinh động cho tư duy đổi mới, sáng tạo của người dân vùng đất Mũi. Với sự đồng hành của chính quyền, sự chung tay của cộng đồng và sự ủng hộ của du khách, mô hình này hứa hẹn sẽ là nhịp cầu nối giữa con người và thiên nhiên, giữa phát triển và gìn giữ góp phần trở thành một hành trình xanh vững chắc cho tương lai của vùng đất mũi Cà Mau.
Tân An