Hồ Tây được coi là "lá phổi xanh của Thủ đô" có diện tích khoảng 526 ha thuộc quận Tây Hồ. Từ lâu, xung quanh Hồ Tây có nhiều làng xóm tồn tại với các làng nghề thủ công truyền thống cùng những di tích lịch sử có giá trị đã tạo cho Hồ Tây một danh thắng bậc nhất Hà Nội. Nhưng Hồ Tây lại đang đứng trước nguy cơ ô nhiễm nguồn nước trầm trọng.
Theo ông Lê Quang Chính, Trưởng phòng TN&MT quận, nguyên nhân chủ yếu gây ô nhiễm môi trường là do trên địa bàn quận có 329 điểm xả nước thải chưa qua xử lý hoặc xử lý chưa đạt yêu cầu vào hồ qua hệ thống thoát nước công cộng. Một số người dân thiếu ý thức đổ rác thải xuống hồ làm tăng thêm ô nhiễm đối với nguồn nước mặt. Bên cạnh đó, các hộ gia đình, các tổ chức kinh tế trên địa bàn quận đã khai thác vô tội vạ nước ngầm bằng hệ thống giếng khoan. Đến nay, toàn quận có gần 10.000 giếng khoan, trong đó 160 giếng đã hỏng chưa được trám lấp, còn lại đa số giếng khoan không theo tiêu chuẩn kỹ thuật cho phép, dẫn đến nguy cơ ô nhiễm nguồn nước ngầm cao trên địa bàn quận nói chung, khu vực Hồ Tây nói riêng.
Ông Chính còn cho biết: Nhằm bảo vệ nguồn nước mặt, nước ngầm không bị ô nhiễm, quận Tây Hồ chỉ đạo các cấp các ngành đặc biệt là phòng TN&MT tìm các biện pháp hữu hiệu để bảo vệ nguồn nước Hồ Tây không bị ô nhiễm như : Tuyên truyền vận động nhân dân, nhất là người dân xung quanh khu vực hồ giữ vệ sinh chung, đổ rác đúng nơi quy định, cam kết thực hiện nghiêm Luật Môi trường; tăng cường kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm. Đồng thời, quận chỉ đạo các Công ty vệ sinh môi trường thu gom, vận chuyển hết khối lượng rác thải trong ngày. Quận cũng huy động mọi nguồn lực đẩy nhanh tiến độ, xây dựng đường kè Hồ Tây để đảm bảo vệ sinh cho toàn khu vực, tạo cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp bền vững. Tuy nhiên, do chưa có cán bộ chuyên trách, thiếu trang thiết bị kỹ thuật về môi trường, hệ thống xử lý nước thải trên địa bàn phường Nhật Tân chưa hoạt động để cải thiện chất lượng nước Hồ Tây đảm bảo duy trì sự sống của các loài thủy sinh…, nên công tác quản lý môi trường trong quận còn bị hạn chế.
Báo Tài nguyên và Môi trường