(TITC) - Với mục tiêu đưa du lịch dần trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Quảng Ngãi chú trọng phát triển du lịch bền vững gắn với bảo tồn các di sản văn hóa của địa phương; giữ gìn cảnh quan và bảo vệ môi trường.
Nằm ven biển miền Trung, Quảng Ngãi có núi, có biển và hải đảo, là những điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển du lịch. Đồng thời, tỉnh cũng rất quan tâm đến việc bảo tồn, gìn giữ, phát huy những giá trị văn hóa đặc sắc; bảo vệ môi trường thiên nhiên.
Lãnh đạo Sở VHTTDL tỉnh Quảng Ngãi cho biết, Quảng Ngãi đang triển khai thực hiện Đề án Bảo tồn và phát huy nghệ thuật bài chòi. Tỉnh tập trung phát triển các đội, nhóm, CLB hát bài chòi ở các địa phương, gắn kết loại hình nghệ thuật này với hoạt động du lịch.
Tại điểm du lịch sinh thái bàu Cá Cái (xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn), du khách không chỉ thích thú khám phá thiên nhiên hoang sơ của rừng ngập mặn mênh mang sông nước trên chiếc xuồng nhỏ mà còn được thưởng thức làn điệu bài chòi.

Các nghệ nhân làng du lịch cộng đồng Gò Cỏ hát bài chòi phục vụ du khách.
Một số điểm du lịch cộng đồng ở Quảng Ngãi đã đưa hoạt động biểu diễn nghệ thuật bài chòi vào phục vụ du khách. Làng du lịch cộng đồng Gò Cỏ (phường Phổ Thạnh, TX.Đức Phổ) hấp dẫn du khách không chỉ bởi vẻ đẹp hoang sơ, những món ăn dân dã... mà còn bởi các làn điệu dân ca bài chòi, hát hố được các thành viên Câu lạc bộ bài chòi - hát hố làng Gò Cỏ biểu diễn thường xuyên.
Câu lạc bộ dân ca bài chòi của huyện Nghĩa Hành cũng thường xuyên biểu diễn bài chòi tại các điểm di tích và điểm du lịch cộng đồng làng Bình Thành (xã Hành Nhân).
Ở huyện Mộ Đức, hát bài chòi, chơi bài chòi đã trở thành sản phẩm phục vụ du lịch tại Khu lưu niệm Thủ tướng Phạm Văn Đồng (xã Đức Tân); huyện cũng mở các lớp truyền dạy loại hình nghệ thuật độc đáo này cho những người yêu thích.
Việc đưa nghệ thuật hát bài chòi vào phục vụ du khách góp phần làm đa dạng sản phẩm du lịch, tăng sức hút cho điểm đến; qua đó giúp bảo tồn, phát huy nghệ thuật bài chòi trong đời sống đương đại.
Quảng Ngãi còn là ngôi nhà chung của nhiều dân tộc anh em Cadong, Cor, H’re… với những nét văn hóa độc đáo về nghề truyền thống, trang phục, phong tục tập quán, ẩm thực, lễ hội… được gìn giữ qua nhiều thế hệ đã góp phần làm phong phú thêm bản sắc văn hóa của vùng đất này.
Như nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người H're ở làng Teng (xã Ba Thành, huyện Ba Tơ) với kỹ thuật dệt cài hoa văn độc đáo đang được bảo tồn, phục hồi. Nhờ đó đã ra đời những bộ trang phục thổ cẩm cách tân nhưng vẫn không mất đi nét tinh hoa đặc sắc văn hóa truyền thống được du khách đón nhận và mang lại thu nhập cao cho các hộ gia đình.
Mới đây, nghề làm muối Sa Huỳnh được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia càng khẳng định, làm đặc sắc thêm nét văn hóa Quảng Ngãi, góp phần tăng sức hấp dẫn cho du lịch địa phương.

Một góc đảo Lý Sơn
Thật thiếu sót khi nhắc đến Quảng Ngãi mà không nhắc đến Lý Sơn. Huyện đảo này được ví như thiên đường xanh giữa biển, là điểm đến ngày càng thu hút du khách. Nơi đây được định hướng thành trung tâm du lịch biển đảo bởi tiềm năng phát triển du lịch to lớn. Là vùng đất cổ gắn với văn hóa Sa Huỳnh được khai thác từ cách đây 3.000 năm, trên đảo Lý Sơn vẫn còn tồn tại những miệng núi lửa cách đây hàng triệu năm, nhiều di sản văn hóa như di tích đình làng An Vĩnh, đình làng An Hải, chùa Đục, chùa Hang…; lễ hội đua thuyền Tứ Linh, lễ khao lề thế lính Hoàng Sa… Đây là giá trị văn hóa cốt lõi có tính riêng biệt, đặc trưng chỉ có ở Lý Sơn, là tài nguyên vô giá để phát triển du lịch đang được địa phương chú trọng bảo tồn và phát triển.
Đi đôi với phát triển du lịch, huyện đảo cũng chú trọng việc bảo vệ môi trường thông qua việc tổ chức nhiều hoạt động làm sạch bãi biển; vận động chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, nhà hàng, khách sạn, tiểu thương sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường (như túi giấy, lá chuối, giỏ lưới...) trong các hoạt động hằng ngày… để Lý Sơn dần trở thành trung tâm du lịch xanh, là điểm đến an toàn, thân thiện.
Phát triển du lịch dựa vào văn hóa đồng thời bảo tồn văn hóa để phát triển du lịch bền vững là hướng đi đúng đắn đang được Quảng Ngãi thực hiện trong nỗ lực đưa ngành công nghiệp không khói dần trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Trung tâm Thông tin du lịch