Theo nhà văn Hoàng Quốc Hải - tác giả bài viết “Sân golf, nỗi trăn trở của một nhà văn” (Báo văn nghệ số 32 ra ngày 9/8/2008): Hiện nay trên toàn cầu đã hình thành cả một phong trào chống lại sân golf (The Global Anti-golf). Cụ thể, tại nhiều quốc gia trên thế giới, ngày 29/4 hàng năm được chọn là ngày thế giới không có golf (World-No-Golf Day) và Ủy ban Tổ chức thế vận hội quốc tế (IOC) từ lâu đã bác bỏ việc đưa môn thể thao sang trọng này vào danh mục thi đấu...
Trong khi đó, nhiều tỉnh, thành ở nước ta lại săn đón các nhà đầu tư nước ngoài để đưa về địa phương mình các dự án sân golf. Thực tế đằng sau khung cảnh sang trọng và màu xanh đẹp đẽ của những thảm cỏ trên các sân golf là mối đe dọa, gây hậu quả nghiêm trọng cho môi trường sống.Tại sao golf lại bị phản đối ở nhiều nước trên thế giới? Môn thể thao sang trọng này hấp dẫn trước hết ở khung cảnh của những sân golf - nơi mà người chơi cảm thấy như đang hòa mình vào với thiên nhiên. Nhưng thật tiếc “thiên nhiên” tại các sân golf không phải là tự nhiên, mà đều là nhân tạo. Người ta không ngại ngần chặt phá hàng chục héc ta rừng, xâm lấn đất trồng lúa để đắp đất tạo thành các hồ ao, đồi gò, nhập các giống cây cỏ ngoại lai để tạo ra các sân golf.Hiện nay cả nước ta có tới 123 sân golf và số đất đưa vào xây dựng sân golf đã lên tới 38.000 ha trong đó có 15.200 ha đất trồng lúa. Thành phố Hồ Chí Minh là đơn vị dẫn đầu cả nước với 13 sân golf, Bà Rịa - Vũng Tàu đứng hàng thứ nhì với 12 sân golf, ngoài ra các tỉnh, thành khác như: Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Long An, Đồng Nai… mỗi nơi cũng có tới 3 đến 4 sân golf. Để triển khai các dự án sân golf, nhiều địa phương đã phá cả rừng nguyên sinh, thu hồi cả đất trồng lúa. Mất rừng là mất khả năng điều tiết nước cho các lưu vực sông, kéo theo những ảnh hưởng tiêu cực về môi trường, hạn hán, lũ lụt xảy ra thường xuyên hơn... Mất đất trồng lúa là mất đi nguồn sống của hàng triệu người nông dân vốn chỉ biết nông nghiệp là nghề duy nhất nuôi sống mình. Bên cạnh đó, mực nước ngầm ở khu vực sân golf cũng bị tụt giảm rõ rệt; các loại động, thực vật quý hiếm vốn đang giảm với số lượng đáng kể lại càng có nguy cơ biến mất; đất đai trong khu vực bị đe dọa xói mòn và bạc màu nghiêm trọng... Khoa học đã chỉ ra rằng, để có tầng đất màu mỡ, phì nhiêu khoảng 20cm, thiên nhiên đã phải tạo dựng và tích lũy cả triệu năm. Cỏ sử dụng trên các sân golf đều phải nhập ngoại và phi tự nhiên. Do vậy nó phải sử dụng rất nhiều loại thuốc trừ sâu, trừ nấm, trừ cỏ dại và phân bón hóa học để chăm sóc. Số hoá chất dùng cho mỗi ha sân golf cao gấp 5 lần số thuốc trừ sâu và phân bón để chăm sóc đồng ruộng. Trung bình mỗi ha sân golf sử dụng đến 1,5 tấn hóa chất mỗi năm. Nếu nhân con số này với 300 ha của một sân golf , mỗi năm, sân golf đó phải dùng tới 450 tấn hóa chất. Các loại hóa chất này tiêu diệt rất nhiều các loài sinh vật hữu ích và côn trùng trên sân, kéo theo sự suy giảm các loài chim trong khu vực. Hóa chất tan ra, chảy tới các hồ, ao, sông, suối, ngấm xuống đất làm ô nhiễm nguồn nước ngầm. Việc phun hóa chất bằng máy còn gây ô nhiễm không khí của vùng. Điều đáng quan tâm nữa là, cỏ trồng trên mặt sân golf cần rất nhiều nước nhưng lại không chịu được úng, bởi thế, người ta phải làm sao để tưới thật nhiều nhưng lại tiêu thoát thật nhanh. Do vậy, hoạt động sân golf sử dụng rất nhiều tài nguyên nước. Một sân golf 20 lỗ phải cần tới 150.000m³ nước sạch mỗi tháng, tương đương nhu cầu sử dụng của khoảng 20.000 hộ gia đình. Tóm lại, những nguy cơ gây ô nhiễm môi trường từ các sân golf đã gióng lên tiếng chuông cảnh tỉnh cho cho các địa phương đã và đang triển khai các dự án xây dựng sân golf: Sân golf là loại hình không hề thân thiện với môi trường. Nuôi dưỡng sân golf là nuôi dưỡng sự hủy diệt môi trường sinh thái. Hiện nay, đã có một số đơn vị tạm ngừng cấp phép các dự án xây dựng sân golf. Cụ thể: Trong tháng 8/2008, UBND Thành phố Hồ Chí Minh vừa có quyết định tạm ngưng cấp phép dự án xây dựng sân golf trên địa bàn Thành phố cho đến khi có báo cáo và đề xuất của các ngành về quy hoạch và bố trí các sân golf. Đồng thời chỉ đạo các cơ quan hữu quan đánh giá hiệu quả các dự án sân golf đang triển khai. Cũng trong thời gian này, Thường trực Tỉnh ủy Long An vừa yêu cầu các cơ quan chức năng trong tỉnh rà soát lại các dự án sân golf theo hướng chỉ giữ lại duy nhất một dự án trên địa bàn tỉnh.
Theo Công văn số 5559/VPCP-ĐP ra ngày 25/8/2008, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện ngay việc rà soát, đánh giá đối với đầu tư sân golf trên địa bàn về sự phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, diện tích đất sử dụng của từng sân golf và của các sân golf trên địa bàn, trong đó nêu rõ diện tích đất nông nghiệp, lâm nghiệp đã giao cho các sân golf.
Trên cơ sở đó, xác định cụ thể hiệu quả cũng như những bất lợi (nếu có), báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý IV/2008; đồng thời, báo cáo kết quả và tiến độ thực hiện, việc tuân thủ các quy định về môi trường của các dự án sân golf để Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Việc cấp phép đầu tư sân golf chỉ được thực hiện sau khi các tỉnh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã báo cáo và Thủ tướng Chính phủ có kết luận chỉ đạo cụ thể về vấn đề này.
Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, đánh giá các tác động do việc sử dụng các loại hóa chất trong sân golf đối với môi trường (môi trường đất, môi trường nguồn nước, nước thải...). Trên cơ sở đó, ban hành hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành các tiêu chuẩn bắt buộc về môi trường cần áp dụng đối với việc đầu tư xây dựng sân golf; giám sát chặt chẽ và có chế tài xử lý đối với các trường hợp vi phạm.