Do nằm ở khu vực nhạy cảm về sinh thái, đa dạng sinh học biển ở khu sinh quyển Cù Lao Chàm - Hội An (tỉnh Quảng Nam) hiện đang đối mặt với nhiều thách thức trong công tác quản lý, bảo tồn hệ sinh thái biển.
Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm (xã đảo Tân Hiệp, TP. Hội An, tỉnh Quảng Nam) hiện có 23.500ha, trong đó diện tích biển 21.888ha là nơi sinh sống của hàng trăm loài cá, sinh vật nhuyễn thể, các rạn san hô, các thảm rong, cỏ biển và các loài hải sản có giá trị cao. Nơi đây còn có 12 loài thú, 13 loài chim, 130 loài bò sát và 5 loài ếch nhái, trong đó có 2 loài được ghi vào Sách đỏ động vật Việt Nam là chim yến và khỉ đuôi dài.
Theo báo cáo đánh giá của Ban Quản lý (BQL) Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, trong giai đoạn 2021 - 2024, các rạn san hô đã và đang phải đối mặt với những tác động xấu. Nguyên nhân là sự bùng nổ của sao biển gai, tẩy trắng san hô, khai thác hải sản trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, khai thác các nhóm sinh vật ăn rong và một phần do rác thải dẫn đến hệ đa dạng sinh học biển bị đe dọa. Kết quả quan trắc, giám sát hệ sinh thái san hô ở 10 trạm tại vùng biển Cù Lao Chàm trong năm 2024 cho thấy, độ phủ san hô sống trung bình toàn vùng tăng gần 8% so với cùng kỳ năm 2023 nhưng mật độ các loài cá và động vật đáy sống trong thảm cỏ biển cũng chưa có dấu hiệu gia tăng.
Ngoài ra, cua đá Cù Lao Chàm là động vật biển nhưng sống ở rừng, trong thời gian sinh sản chúng di chuyển xuống biển duy trì nòi giống, vì thế được xem là “cầu nối” giữa biển với rừng, đồng thời là sinh vật chỉ thị cho sức khỏe của hai hệ sinh thái biển và rừng tại Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm. Theo kết quả quan trắc cua đá tại Cù Lao Chàm từ năm 2021 đến năm 2023 cho thấy, năm 2023 giảm 33% so với năm 2021 với số lượng cá thể ước tính là 19.628 cá thể, trong đó khu vực Hòn Dài giảm nhiều nhất (72,4%). Từ số liệu trên cho thấy, cua đá tại Cù Lao Chàm đang trong tình trạng vô cùng báo động.
Cùng với thực tế quan trắc và tham vấn cộng đồng đã cho thấy mô hình quản lý cua đá tại Cù Lao Chàm đang gặp phải nhiều thiếu sót dẫn đến chưa thể kiểm soát việc khai thác cua đá một cách đồng bộ và chặt chẽ. Cùng với cua đá thì tôm hùm (một trong các đối tượng tài nguyên mục tiêu tại Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm) cũng đang bị khai thác quá mức dẫn đến hệ lụy tất yếu là nguồn lợi bị suy giảm, sinh cảnh tự nhiên bị tác động mạnh trên diện rộng, đặc biệt là tại các vùng rạn san hô.
Để bảo tồn loài cua đá tại Cù Lao Chàm, mô hình cộng đồng khai thác và bảo tồn cua đá hoạt động hơn 10 năm qua là một điểm sáng về cách thức bảo tồn cũng như cải thiện sinh kế người dân địa phương, tuy nhiên thời gian gần đây cũng gặp nhiều thách thức. Lãnh đạo BQL Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm cho biết, cần có những nghiên cứu chuyên sâu về đặc điểm sinh học, sinh thái, mùa vụ và kích thước khai thác phù hợp nhóm cá ăn rong (cá mó, cá dìa, cá bánh lái, cầu gai đen…) làm cơ sở khoa học đề xuất xây dựng các quy định, tiến tới hạn chế khai thác các nhóm nguồn lợi này là hết sức cần thiết. Bên cạnh các yếu tố như: ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm môi trường cảnh quan, biến đổi khí hậu, mất cân bằng sinh thái, và cả những bất cập về cơ chế trong hoạt động điều phối, trong quy hoạch, nuôi trồng thủy sản, các dự án phát triển du lịch, giao thông trên đảo, thì Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm cũng đang đứng trước nguy cơ suy giảm các loài đặc hữu một cách đáng báo động.
Khu bảo tồn sinh thái Cù Lao Chàm với đa dạng hệ thống động/thực vật.
Trong đó có các thảm cỏ, các rạn san hô; đặc biệt là loài cua đá - 1 loài đặc hữu điển hình của Cù Lao Chàm đang trên đà suy kiệt. Một trong các hệ sinh thái này nếu biến mất dù với bất cứ lý do gì cũng ảnh hưởng nghiêm trọng một cách trực tiếp đến hệ sinh thái biển và đại dương, đồng thời ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống con người, đặc biệt với cộng đồng sống dựa vào biển.
Để bảo tồn hệ sinh thái và tính đa dạng sinh học, thời gian qua, Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm đã phối hợp với ngành chức năng, địa phương thực hiện dự án phục hồi và bảo tồn rùa biển tại Cù Lao Chàm. Dự án đã thực hiện 6 đợt chuyển trứng rùa biển từ Vườn Quốc gia Côn Đảo về bãi ấp nở tại Cù Lao Chàm với số lượng 1.900 trứng. Các đợt thả rùa con sau ấp nở về biển thành công. Đại diện BQL Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm chia sẻ, giáo dục và truyền thông là những ưu tiên hàng đầu kể từ khi Khu bảo tồn biển được thành lập. Tất cả cư dân trên đảo, từ học sinh đến ngư dân và chủ doanh nghiệp, đều được giáo dục về bảo vệ môi trường biển và trách nhiệm của họ với tư cách là người dân đảo địa phương.
Một trong những sáng kiến thành công nhất của Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm là giúp cộng đồng chuyển đổi sang các sinh kế mới. Đến nay, đã có hơn 500 người dân địa phương trong tổng số 560 hộ gia đình tham gia trực tiếp vào hoạt động du lịch với hơn 12 loại hình sinh kế mới.
Thu nhập được nâng cao, chất lượng cuộc sống được cải thiện là động lực để người dân tham gia vào hoạt động bảo vệ môi trường và tài nguyên vùng đảo. Việc áp dụng mô hình đồng quản lý bảo tồn biển thôn Bãi Hương không chỉ mang lại sinh kế bền vững cho người dân mà còn góp phần quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường biển bền vững tại khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm.
Cùng với sự ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, các hệ sinh thái quan trọng ở khu sinh quyển Cù Lao Chàm - Hội An chịu tác động mạnh từ các hoạt động kinh tế - xã hội ở ngoài phạm vi khu sinh quyển, chủ yếu là từ trong đất liền theo dòng chảy sông Thu Bồn. Đây là câu chuyện mang tính liên ngành, liên địa phương nên nhiều vấn đề đồng bộ trong công tác quản lý vẫn gặp khúc mắc thời gian qua.
Thông tin từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, Dự án “Giảm thiểu ô nhiễm và duy trì dòng chảy môi trường tại các vùng biển Đông Á thông qua việc thực hiện quản lý tổng hợp lưu vực sông tại các nước ASEAN” hợp phần tại Việt Nam do Quỹ môi trường toàn cầu (GEF) ủy thác thông qua Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) sẽ triển khai trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn và vùng biển ven bờ Quảng Nam - Đà Nẵng sẽ góp phần kiểm soát đáng kể ô nhiễm môi trường, phục hồi đa dạng sinh học cho khu vực Cù Lao Chàm.
Cù Lao Chàm là hệ sinh thái rất quan trọng đóng vai trò vùng sinh sản, cư trú của rất nhiều loài thủy sản, việc bảo vệ, phát triển các loài là cơ sở quan trọng để hướng đến bảo tồn đa dạng sinh học cho khu dự trữ hiệu quả, bền vững…/.
Ngọc Bích